Sau 10 năm, phong trào xây dựng thôn, khối phố văn hóa đã góp phần làm thay đổi đáng kể đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở Hoài Nhơn.
|
Dù còn nhiều khó khăn nhưng Hoài Sơn là xã có phong trào xây dựng thôn, khối phố văn hóa tốt của huyện Hoài Nhơn. - Trong ảnh: Trường Mẫu giáo xã Hoài Sơn đã được xây dựng khang trang. Ảnh: N.Tú
|
Với những người gắn bó lâu năm với phong trào xây dựng thôn, khối phố văn hóa ở huyện Hoài Nhơn, 148 trong tổng số 153 thôn, khối phố đăng ký xây dựng thôn, khối phố văn hóa năm 2009, trong đó 54,2% được công nhận danh hiệu, là một thành quả rất đáng khích lệ. Còn nhớ, khi mới phát động phong trào xây dựng thôn, khối phố văn hóa vào năm 2000, chỉ có 1 thôn đăng ký (thôn Tân Thành, xã Tam Quan Bắc). 2 năm sau, có 40 trong số 128 thôn, khối đăng ký. Đến năm 2009, 148 thôn đăng ký. Số thôn, khối đạt được danh hiệu cũng tăng dần, năm 2002 được 4 thôn, năm 2004 được 49 thôn, và năm 2009 được 83.
Sự tăng dần đều như vậy không phải địa phương nào cũng có được, nhất là khi chất lượng phong trào liên tục được nâng lên, các tiêu chí phải đạt cũng nhiều thêm. Vạn sự cũng luôn khởi đầu nan, nhưng các thành viên trong Ban chỉ đạo từ huyện đến xã và thôn đều là những người tâm huyết với phong trào, vượt qua bao khó khăn lúc đầu, cố gắng làm cho bà con hiểu và thấy được lợi ích phong trào mang lại, để đồng lòng thực hiện.
Những cái tên thôn, khối đạt và giữ vững danh hiệu 4-5 năm liền lần lượt xuất hiện ngày càng nhiều ở khắp các xã của huyện. Nổi lên có Tân Thành 1 (xã Tam Quan Bắc) là thôn có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào suốt 10 năm qua và là một trong ba đại diện trong tỉnh vừa được cử đi dự Hội nghị tổng kết toàn quốc 20 năm xây dựng làng văn hóa tại Kiên Giang. Hai thôn Ca Công (Hoài Hương) và Tăng Long 2 (Tam Quan Nam) được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào từ 2005-2008.
Từ kết quả thực hiện phong trào, đời sống của người dân có nhiều chuyển biến. Nếu như năm 2000, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện là 3 triệu đồng/người/năm thì năm 2009, con số này là 12,2 triệu đồng/người/năm. 229 km đường liên thôn, xóm đã được bê tông hóa. Xã nào cũng có thiết chế văn hóa - thể thao, và thường xuyên tổ chức các hoạt động. Tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau được thắt chặt qua những nghĩa cử sẻ chia lúc ốm đau, hoạn nạn, nguy khó. Hương ước, quy ước mà thôn, khối nào cũng xây dựng là những nét sống đẹp mà người dân luôn phấn đấu đạt được.
Về Hoài Sơn, xã miền núi duy nhất và trước năm 2005 là xã đặc biệt khó khăn của huyện Hoài Nhơn, sẽ nhận thấy nhiều đổi mới nơi đây. Ông Trần Quang Vinh, Chánh văn phòng UBND xã Hoài Sơn, Ủy viên Ban chỉ đạo xã, cho biết: “Từ năm 2006 đến nay, nhờ lịch gieo sạ đúng thời vụ, được tạo điều kiện vay vốn, hướng dẫn chuyển đổi cây trồng vật nuôi, nên mức sống của người dân nâng lên rõ rệt, hiện gần 10 triệu đồng/người/năm. Kinh tế khấm khá, người dân cho con ăn học đến nơi đến chốn, rồi đóng góp cùng xã xây đường bê tông, các thiết chế văn hóa - thể thao. Mới đây, một trường mẫu giáo xã khang trang do xã và nhân dân cùng làm, đã khai giảng các lớp học đầu tiên”.
Bí quyết xây dựng tốt phong trào được ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Ban chỉ đạo của huyện, chia sẻ là phải bắt đầu từ việc xây dựng tốt gia đình văn hóa, đó là nền móng vững chắc cho mọi phong trào khác. Cũng theo ông Dũng, năm 2010, huyện sẽ phấn đấu đạt 100% thôn, khối đăng ký xây dựng thôn, khối văn hóa, trong đó 60% đạt chuẩn.
|