Kho vũ khí cổ dưới lòng hồ Ngọc Khánh
10:4', 8/1/ 2010 (GMT+7)

Gần 30 năm trước, nhà khảo cổ học Đỗ Văn Ninh (nguyên Viện phó Viện Sử học Việt Nam)- trong một lần khai quật, đã "choáng váng" khi vớt được hàng ngàn vũ khí chìm sâu dưới lòng hồ Ngọc Khánh (Hà Nội) và các ruộng rau muống.

 

Những vũ khí thô sơ của quân dân Đại Việt thời Lê được tìm thấy dưới lòng hồ Ngọc Khánh (tư liệu của GS Đỗ Văn Ninh)

 

Hình dung về một Giảng Võ đường

Với GS-TS sử học Đỗ Văn Ninh, bộ sưu tập vũ khí hồ Ngọc Khánh có thể coi là một trong những bộ di vật quý vào bậc nhất so với tất cả những phát hiện nhiều năm nay dưới lòng đất Thăng Long - Đông Kinh - Hà Nội. Có thể khẳng định đây là một phát hiện chưa từng có trong lịch sử ngành khảo cổ. Nếu cứ đơn giản mà tính đếm, coi mỗi hiện vật là một di vật vũ khí, thì bộ sưu tập này lên tới con số hàng ngàn.

Mặt khác, cuộc trục vớt hàng ngàn hiện vật vũ khí ở khu vực phía tây kinh thành Thăng Long cùng với sự xuất lộ nền móng kiến trúc của một trường võ bị gồm các hòn đá tảng kê chân cột, những đầu gỗ thừa, những chân cột đang gia công, những đầm nén đất - lần đầu tiên - đã đem đến những cơ sở khoa học cho việc hình dung về một Giảng Võ đường được xây mới vào năm 1481 (trước đó, thời Lý, thời Trần đều có Giảng Võ đường), quanh năm sôi động tiếng gươm khua, trống đánh, quân reo, ngựa hí.

Đúng như sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, đã chép: "Tháng 10 năm Tân Sửu (1481) đào hồ Hải Trì. Hồ này đào ở góc Tây Nam thành Thăng Long, giữa hồ có điện Thúy Ngọc, bên cạnh hồ dựng điện Giảng Võ để luyện tập, điểm duyệt binh mã".

 

Hũ gạo nuôi quân thời Lê sơ.

 

Minh chứng cho nghệ thuật tư duy quân sự

Có hàng ngàn viên đạn bằng đá nằm dưới ruộng rau muống quanh khu vực hồ Ngọc Khánh được nhà khảo cổ Đỗ Văn Ninh tìm thấy. Ngoài ra, còn có súng lệnh bằng đồng, giáo đồng, câu liêm, móc câu, chông, mác, kiếm. Thô sơ, đơn giản, nhỏ gọn và nhẹ - đó là đặc điểm chung của các loại vũ khí có niên đại thời Lê tìm thấy trong khu vực Ngọc Khánh. Thế nhưng, điều đáng nói là với những vũ khí thô sơ kiểu này, quân dân Đại Việt lại đánh đâu thắng đấy.

Thí dụ, súng lệnh - một loại súng dùng để phóng pháo hiệu chỉ huy, quân đội Đại Việt do vậy, chỉ cần nhìn màu sắc pháo hiệu cháy phát ra mà biết nên tiến hay lùi trong lúc nguy cấp. Điều ngạc nhiên là súng này lại được tra thêm một cái cán dài bằng... gỗ lim, chứ không phải bằng đồng. Trong khi đó, giáo câu liêm lại được chế tạo cực kỳ đơn giản. Phần lưỡi giáo chỉ là một thanh sắt nhọn, phần câu liêm là một thanh sắt được uốn cong. Không bề thế, không đẹp đẽ, nhưng bộ sưu tập có một không hai này là những minh chứng sinh động cho nghệ thuật tư duy quân sự ở trình độ cao.

Cũng theo GS Ninh, kho vũ khí được tìm thấy dưới lòng hồ Ngọc Khánh có lẽ chủ yếu phục vụ việc đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc. So sánh với vũ khí của quân Minh, GS Ninh nhận thấy vũ khí của đối thủ thường được chế tác cầu kỳ hơn, tinh xảo hơn. Tuy nhiên, xét về độ sát thương thì chưa chắc đã hơn các loại vũ khí thô sơ của Đại Việt.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, cho biết tháng 10 tới, nhân Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long -Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội sẽ tổ chức trưng bày bộ sưu tập vũ khí thời Lê trong khuôn viên mới của bảo tàng.

"Nghiên cứu kỹ thuật chế tác vũ khí, cách đánh trận của thời Lê cũng thấy nhiều điều kỳ diệu lắm", GS Ninh thốt lên. Người Đại Việt đã phát minh ra những loại vũ khí rất đặc biệt, không đâu có. Ví dụ, vũ khí ba chạc có hình dáng, trọng lượng rất nhỏ gọn. "Nhiều khả năng, ta đánh địch theo kiểu "dụ" chúng đến gần, dùng ba chạc móc vào chân kẻ thù, rồi hất chúng ngã ngựa. Cách đánh như vậy rõ ràng không tốn công sức, nhưng lại rất hiệu quả", GS Ninh suy đoán. Cùng với bộ sưu tập vũ khí, nhà khảo cổ Đỗ Văn Ninh còn tìm thấy những mảnh vỡ từ xác những con thuyền đắm. Trên những mảnh vỡ đó có dấu vết của những chiếc đinh cắm vào...

Tuy nhiên, điều làm GS. Ninh bất ngờ nhất lại là việc tìm thấy những hũ gạo nuôi quân thời Lê sơ...

Vũ khí trong nhà kho của... chùa

Bộ sưu tập vũ khí nói trên đã được Bảo tàng Hà Nội tiếp nhận từ gần 30 năm nay. Thế nhưng, do cơ sở vật chất chật chội, số vũ khí này đã được ký gửi trong một nhà kho ở... chùa Hưng Ký (thuộc địa bàn phường Minh Khai, Hà Nội). Cho đến nay, theo GS Ninh, không ít hiện vật trong bộ sưu tập đã không còn nguyên vẹn. "Ngày ấy, chúng tôi đào được hàng ngàn viên đạn đá. Lúc mới đào được dăm ba viên thì ai cũng thấy quý. Nhưng rồi, càng đào, càng thấy nhiều, người canh giữ lại không thấy tiếc, thấy quý nên thậm chí người ta còn lấy đạn đá cho con cháu nghịch... Chúng tôi biết vậy, nhưng sức mỏng nên nhiều khi cũng bỏ qua", GS Ninh ngậm ngùi.

. Theo TNO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những bước tiến dài  (08/01/2010)
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng đoạt giải A Cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội  (08/01/2010)
Bí ẩn pho tượng lạ về Đức Thánh Trần  (07/01/2010)
Nói rõ hơn về một chuyện cũ  (07/01/2010)
“Danh hiệu này như điểm 10 trên lớp”  (07/01/2010)
Đưa tuồng cổ phục vụ du khách từ Tết Canh Dần  (06/01/2010)
Công diễn báo cáo vở “Hồn Việt”  (06/01/2010)
Nhạc sĩ thiên tài Tchaicovsky: Những bí ẩn tình trường đằng sau một nghi án  (05/01/2010)
Hương Giang được bầu chọn là người phụ nữ gợi cảm nhất thế giới 2009  (05/01/2010)
Nỗ lực gắn di tích với du lịch  (05/01/2010)
Chuẩn bị cho Lễ hội Chiến thắng Đống Đa và Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng  (05/01/2010)
Trần Thảo Trang đoạt giải Nhất  (04/01/2010)
Nhiều hoạt động văn hóa nhân Giỗ Tổ Hùng Vương  (04/01/2010)
“Bỗng dưng muốn khóc” giành hai giải  (04/01/2010)
Giao Bằng Di sản thế giới Mộc bản triều Nguyễn  (04/01/2010)