Nếu không có hoạt động giới thiệu, thuyết minh của hướng dẫn viên, thuyết minh viên (TMV) thì phần đông, những hiện vật lịch sử trong bảo tàng là những khối vật chất im lìm… Ai cũng biết công tác thuyết minh là quan trọng, song làm gì, đầu tư ra sao để nâng cao hiệu quả của nó thì hầu như chưa được quan tâm! Hệ quả là nhiều bài thuyết minh được nói đi nói lại ròng rã có khi hàng chục năm trời.
|
Thuyết minh viên là cầu nối giữa bảo tàng và khách tham quan.
|
* Người nói thay hiện vật
Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn) hiện có 7 nhân viên làm công tác hướng dẫn, thuyết minh, đa số tốt nghiệp đại học các ngành xã hội như Văn, Sử, Ngoại ngữ… Vào những dịp lễ hội hay du lịch cao điểm, Bảo tàng huy động cả 7 TMV làm việc, ngày thường có 3 TMV túc trực, luân phiên tại 3 địa điểm là nhà trưng bày, phòng biểu diễn nhạc - võ và nhà rông Bana.
Chị Nguyễn Thị Thìn, Trưởng phòng Bảo tàng (Bảo tàng Quang Trung), quản lý nhóm TMV, cho biết: “Tất cả TMV đều là người Bình Định. Thế nên, một trong những vấn đề được góp ý nhiều nhất là “thổ âm nặng”. Để khắc phục, các TMV tự ghi âm giọng nói, ghi âm trực tiếp đang thuyết trình về nghe lại để tự điều chỉnh, gia giảm…”.
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh (TP Quy Nhơn) có 3 người đảm trách cả bảo quản, trưng bày và thuyết minh. So với Bảo tàng Quang Trung, lượng khách đến đây ít hơn hẳn. Đó cũng là lý do khiến 3 nhân viên có nhiệm vụ thuyết minh ở đây ít có cơ hội nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Bởi muốn nâng cao chất lượng hoạt động thuyết minh trước tiên phải có đối tượng cụ thể để thuyết minh.
TS Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết: “Các hiện vật lịch sử tự bản thân nó không bộc lộ hết ý nghĩa nếu chúng ta không “nói thay”. Để một TMV bảo tàng làm quen, tiếp cận với nghề nghiệp, nắm bắt và điều hành công việc phải mất vài năm. Thông thường, TMV phải trau dồi kiến thức lịch sử từ bao quát đến cụ thể, trang bị vốn hiểu biết về văn hóa, di tích, thắng cảnh địa phương. Đối với bảo tàng chuyên đề như Bảo tàng Quang Trung thì TMV phải nắm vững về triều đại Tây Sơn như lòng bàn tay; tiếp đến nghiền ngẫm hồ sơ tư liệu của từng hiện vật, sau đó còn phải cập nhật tri thức… Và quan trọng nhất là TMV nhất định phải có năng khiếu ăn nói, truyền đạt sao cho giản dị, dễ hiểu, chính xác, khoa học, nhã nhặn với khách và yêu nghề. Khả năng ngoại ngữ cũng là yêu cầu quan trọng”.
Anh Đặng Công Lập, TMV tiếng Anh chính tại Bảo tàng Quang Trung, có thâm niên thuyết minh trên 10 năm tại Bảo tàng, tâm sự: “TMV phải nhanh nhạy, linh hoạt nắm bắt nhanh nhu cầu của khách. Việc phân loại được trình độ, thành phần xã hội, nghề nghiệp của đối tượng nghe thuyết minh… sẽ giúp TMV sử dụng kiến thức phù hợp với đối tượng khách tham quan, chủ động điều chỉnh lượng, định hướng thông tin. Với khách nước ngoài, họ có xu hướng nghe thuyết trình ngắn gọn nhưng hiệu quả, đi thẳng vào vấn đề từ hiện vật”.
* Cần được thay đổi nhiều hơn
Nghị định 92 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Di sản văn hóa năm 2001, tại điều 34 quy định về những tiêu chuẩn để xếp hạng bảo tàng (loại I, II, III), với bảo tàng loại II như Bảo tàng Quang Trung, phải thỏa mãn những tiêu chuẩn: 80% số công chức, viên chức, nhân viên trực tiếp làm chuyên môn có trình độ đại học, trong đó 30% trở lên có trình độ đại học chuyên ngành bảo tàng. Song trên thực tế, rất khó tìm được TMV có năng lực tốt. Nếu ai đó hội đủ những tố chất trên, hầu như họ sẽ không chọn nghề TMV, bởi có quá nhiều cơ hội tốt hơn để chọn lựa.
TMV được xem là cầu nối giữa bảo tàng và khách tham quan, một trong những nhân tố thu hút lượng khách tham quan, tác động đến sự phát triển của bảo tàng. Hoạt động bảo tàng có 6 khâu cơ bản: nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và thuyết minh tuyên truyền. Vai trò của TMV thuộc khâu cuối cùng có ý nghĩa “kích hoạt” sự chuẩn bị của 5 khâu trước. Nếu hiện vật nhiều, có giá trị, hồ sơ hiện vật, nội dung lịch sử dày dặn, trưng bày khoa học… nhưng TMV không chuyển tải được thì sẽ lãng phí 5 khâu trên.
Tuy nhiên, hiện nay, các TMV tự trau dồi nghề nghiệp là chính. Công tác tập huấn nghiệp vụ cho nhân viên bảo tàng chỉ diễn ra định kỳ hàng năm trong vài ngày hội thảo ngắn ngủi theo ngành dọc do Cục Di sản văn hóa tổ chức. Với những bảo tàng ít cập nhật hiện vật trưng bày, những bài thuyết minh sẽ ít có sự thay đổi. Đó là lý do vì sao có những bài thuyết minh được nói đi nói lại, có khi ròng rã hàng chục năm trời. Người xem không thấy có hiện vật gì mới, thông tin thuyết minh thì cũ, liệu có mấy người sẽ quay lại? Bảo tàng vắng khách tham quan như thế thì trách ai? Chả lẽ lại trách TMV?
|