Trò chuyện với “vua mai”
10:10', 10/1/ 2010 (GMT+7)

18 năm trước, anh Lương Văn Trực (thôn Hưng Trị, xã Cát Thắng, huyện Phù Cát) quyết định “tầm sư “ học trồng cây để thoát nghèo. Khi trở về nhà, anh Trực đưa ra một quyết định gây “sốc” khi dọn bỏ vườn cây trái đang thu hoạch tốt để lấy đất trồng… mai.

* Lối đi riêng trên con đường trồng mai

Nghe tôi hỏi về chuyện danh hiệu “vua mai”, anh lắc đầu quầy quậy: “Đừng có nói vậy, người ta biết lại cười tôi đấy. Ở Háo Đức (Nhơn An, An Nhơn) cả làng trồng mai thành nghề; lão luyện với cây mai xuân có ông Sáu Sự ở Nhơn An, trẻ mà thành tài có anh Kim Anh ở Nhơn Hạnh… Tôi chưa là cái gì hết, vua với quan cái gì. Ai không sợ khổ nhọc, đam mê và thương cây mai thì sẽ gầy dựng được vườn mai như của vợ chồng tôi”.

 

                     Vườn mai của anh Trực với hơn 3 ngàn cây mai bonsai.

 

Người ta chú ý đến vườn mai với hơn 3 ngàn chậu của “vua mai” không phải vì số lượng mà bởi chất lượng đều đều trên toàn vườn. Có điều này là bởi ngay từ đầu, anh Trực đã trồng mai theo dạng bonsai - hướng đi đòi hỏi kỹ thuật cao, nhiều công chăm sóc. “Trước khi trồng mai, tôi cũng mất nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ. Bạn bè ở làng mai Háo Đức khuyên nên trồng loại mai “sô” không tốn công nhiều, nhanh có lợi nhuận, nhưng tôi lại mê mai bonsai hơn. Tuy phải chăm sóc công phu, nhưng bù lại, vẻ đẹp nghệ thuật tăng cao dần theo thời gian và giá trị kinh tế cũng lớn hơn… Và tới giờ, tôi vẫn tin là mình làm đúng!” - anh Trực tâm sự.

Được bạn bè cho 300 hạt giống mai Háo Đức và vay được 1 triệu đồng, anh Trực bước chân vào nghề với những hiểu biết khá sơ sài về mai. Để xây dựng nền móng kiến thức về cây mai thật bài bản, anh Trực nhờ bạn bè mua giúp những cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật trồng mai bonsai để nghiên cứu, học hỏi.

Là nông dân, nhưng khi vào cuộc, anh Trực mới thấm nỗi gian truân và khó khăn của nghề. Với những chân đất, khu vực có thời tiết, khí hậu, dòng nước khác nhau, cây mai lại có những yêu cầu khác nhau. Thật ra, nếu sử dụng cùng một chế độ chăm sóc, cây vẫn đâm chồi, kết lộc, ra hoa nhưng nếu chăm sóc thật tinh tế, tốc độ tăng trưởng của cây hoa sẽ khác. Quyết định đầu tư theo hướng bonsai nên anh Trực theo dõi sự phát triển của vườn cực kỳ sát sao. Anh ghi nhớ đặc điểm từng giống hoa, chế độ chăm bón, tốc độ sinh trưởng... để dần chọn ra những giống hoa đẹp, khỏe nhất và chế độ chăm sóc sao cho cây mai phát triển nhanh nhất.

Mấy năm đầu đổ nhiều công sức và chi phí, nhưng thu hoạch kinh tế chỉ là con số 0 ngoài hàng ngàn gốc mai chưa rõ hình hài. Chịu nhiều lời ra tiếng vào, nhưng anh không nản, mà càng quyết tâm hơn. Nhất là khi bên anh là người vợ hiền nhất mực tin tưởng vào sự lựa chọn của chồng. Hệ quả của niềm tin này là chị cũng mê trồng mai chẳng kém gì chồng. “Mới đầu cũng cằn nhằn ổng, nhưng sau một thời gian tham gia chăm sóc thì tui cũng đâm ghiền cây mai. Làm gì cũng lo cho mai nên riết cũng không muốn đi đâu ra khỏi nhà. Cả ngàn cây mai không thể nhớ hết, chứ quãng ba, bốn trăm chậu đẹp nhất chắc chắn là vợ chồng tôi thuộc cả nết ra hoa của nó. Ngày nào cũng vậy, sáng sớm đã dậy chăm sóc mai đến đầu giờ chiều mới nghỉ ăn cơm, rồi tiếp tục làm tiếp đến tối mịt. Riết một hồi mình với cây nó có tình cảm. Mình trồng cây là để bán lấy tiền, nhưng không ít lần bưng chuyển cây cho khách mà chồng tôi rưng rưng như chia tay người thân. Nếu không chứng kiến sẽ cho là tôi nói dóc, nhưng đó là tình thiệt” - chị Trần Thị Ơn, vợ anh Trực, tâm sự.

 

  Anh Trực (người đứng sau) đang giới thiệu với khách một cây mai có bộ đế đẹp.

 

* Hạnh phúc ở vườn mai “thuận vợ thuận chồng”

Trồng mai xuân, kể cả trồng đến hàng ngàn chậu, ở Bình Định không hiếm. Nhưng nuôi để cây mai phát triển với sức lớn gấp hai, ba lần bình thường, với những bộ đế có hình dáng phong phú, đa dạng như anh Trực là cực hiếm. Chính điều này làm nên danh tiếng và là cơ sở để người ta tặng anh danh hiệu “vua mai”. Anh Trực cho biết: “Học trồng mai không khó. Ở Háo Đức cả làng người ta trồng mai đấy thôi. Nhưng chăm sóc sao để cũng là 4-5 tuổi, nhưng cây của mình có bộ đế vạm vỡ, chi cành to, lớn gấp 2-3 lần bình thường thật sự là kỳ công. Để làm được như thế, ngay từ những năm đầu theo nghề, tôi chịu khó học hỏi, lắng nghe, đồng thời quan sát, chăm sóc cây mai rất chi tiết. Để tạo bộ đế đẹp, mọi việc bắt đầu ngay từ khi hạt giống nảy mầm…”.

Sau 5 năm, lứa mai đầu tiên anh Trực chọn được 300 chậu mai. Sau khi bán được 200 chậu, anh chọn lọc và giữ lại 100 chậu mai tốt nhất, đầy đủ các loại giống, nhân lên 2.500 cây. Lần lượt trong mấy năm kế tiếp anh lại tuyển chọn, lọc ra những cây phát triển tốt nhất, hoa đẹp làm chuẩn để giữ giống và xây dựng uy tín cho nhãn hiêu “mai ông Trực Cát Thắng”…

Hiện tại, tại vườn nhà anh Trực đang có hơn 3 ngàn chậu mai bonsai từ 3-4 năm tuổi trở lên. Trong số 3 ngàn cây mai bonsai hiện có, anh Trực đã tuyển ra hơn 150 cây mai đẹp nhất, để chăm sóc riêng, số mai này có giá bán từ 18 triệu đồng/chậu trở lên.

Cách đây 4 năm, anh Trực cùng con trai đem 150 cây mai vào TP Hồ Chí Minh thăm dò thị trường. Không ngờ toàn bộ số mai ấy được tiêu thụ hết sạch, số tiền thu được đủ sắm 7 lượng vàng. “Bán hết mai xong đã xế chiều 30 tháng Chạp. Cha con vội vã bắt xe đò về, đến nhà thì đã sang mùng 1 Tết. Vợ tôi thấy chồng con về, tự nhiên bật khóc tủi thân, làm tôi cũng nghẹn ngào luôn. Từ đận ấy, tôi tự hứa không đi bán mai xa trong những ngày cận Tết nữa. Thiệt tình, nghĩ tới cảnh bả lui cui một mình ở vườn mai tui chịu không được, thương lắm! Vả lại chuyện mình làm đã quen, anh ạ, vắng một ngày ở vườn mai trong người nó cứ bần thần”-  anh Trực tâm sự.

Danh tiếng để lại của lần bán mai đầu tiên ở Sài Gòn đã giúp anh Trực giữ đúng lời hứa, khi thương lái không chỉ ở Sài Gòn mà còn ở Gia Lai, Quảng Ngãi, Đắc Lắc... tìm đến tận nhà anh mua mai.   

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ít thay đổi, thiếu sinh động  (09/01/2010)
Khai mạc Hội diễn sân khấu Tuồng-Dân ca kịch toàn quốc  (08/01/2010)
Kho vũ khí cổ dưới lòng hồ Ngọc Khánh  (08/01/2010)
Những bước tiến dài  (08/01/2010)
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng đoạt giải A Cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội  (08/01/2010)
Bí ẩn pho tượng lạ về Đức Thánh Trần  (07/01/2010)
Nói rõ hơn về một chuyện cũ  (07/01/2010)
“Danh hiệu này như điểm 10 trên lớp”  (07/01/2010)
Đưa tuồng cổ phục vụ du khách từ Tết Canh Dần  (06/01/2010)
Công diễn báo cáo vở “Hồn Việt”  (06/01/2010)
Nhạc sĩ thiên tài Tchaicovsky: Những bí ẩn tình trường đằng sau một nghi án  (05/01/2010)
Hương Giang được bầu chọn là người phụ nữ gợi cảm nhất thế giới 2009  (05/01/2010)
Nỗ lực gắn di tích với du lịch  (05/01/2010)
Chuẩn bị cho Lễ hội Chiến thắng Đống Đa và Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng  (05/01/2010)
Trần Thảo Trang đoạt giải Nhất  (04/01/2010)