Nhớ tiếng hát ru, nhớ giọng hát hò
9:32', 10/1/ 2010 (GMT+7)

Nếu không có sự mách nước của anh em ở cơ sở, chúng tôi khó biết mà tìm đến những “kho” dân ca sống tuổi xấp xỉ 80 này. Ký ức về những năm tháng tuổi trẻ hát hò sôi động và lòng nhiệt tình sẵn sàng truyền dạy dân ca cho lớp trẻ trong họ vẫn tràn đầy

1.

Điểm danh những người am tường hát dân ca ở địa phương mình, người Phước Lộc (huyện Tuy Phước) gọi bà Nguyễn Thị Kim Liên  là danh ca hát ru. Bà Liên vốn là người thôn An Thạnh, xã Phước Hậu, Tuy Phước cũ (vùng phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, bây giờ), về làm dâu ở thôn Hanh Quang, xã Phước Lộc. Thời con gái ở An Thạnh, bà Liên là “chủ xướng” của đội văn công Phước Hậu, một thời tưng bừng, rộn ràng với những đêm hát phục vụ bộ đội, nhân dân trong, ngoài xã suốt chín năm kháng chiến. Vốn nói năng hoạt bát, sở hữu giọng hát ngọt ngào, trong những đêm văn nghệ lưu động năm xưa, cô văn công Kim Liên luôn là người quản trò duyên dáng, sôi nổi. Khi về Hanh Quang, bà càng có điều kiện làm tốt vai trò đầu tàu văn nghệ quần chúng khi công tác ở Hội Phụ nữ xã Phước Lộc suốt mấy chục năm.

 

Vốn quý và sức sống của dân ca vẫn còn  âm ỉ cháy trong những cụ già thôn quê.
- Trong ảnh: Cụ bà Nguyễn Thị Kim Liên đệm đàn mandolin và hát bài chòi cho cháu nghe.
 

Chiếc đàn mandolin bà được một anh bộ đội “ái mộ” tặng thời bà “đi văn công Phước Hậu” trên 50 năm rồi vẫn đi theo bà. Anh Trần Hùng Tấn, con trai bà Liên, nói về mẹ mình: “Tôi chưa thấy ai mê ca hát như má tôi hết! Người ta vui hoặc buồn mới ca lên mấy câu, hoặc nhân dịp gì đó mới ca; còn má tôi hát mỗi ngày, hát thường xuyên. Việc hát ca ngâm ngợi là một phần đời sống thường ngày, cụ đàn hát như sinh hoạt ăn uống, chơi với cháu… Không chỉ mộ điệu và thông thuộc bài chòi, bà còn hát bội khá ngọt. Nhưng hay nhất, lay động lòng người nhất là khi cụ cất giọng hát ru”. Ngoài am tường các làn điệu hát ru đặc trưng của Bình Định – Liên khu 5, điểm đặc biệt ở bà Liên là bà có thể hát ru ba giọng chỉ trong một bài hát ru gồm: hát hò (bài chòi), hát bội và hát ru. Đây là thể thức hát ru cổ, kết hợp 2 giọng hát “đặc sản” của Bình Định (bài chòi, hát bội), và nay, hiếm người biết hát ru theo thể thức này. Như để dẫn chứng, bà cất giọng: Nhỏ thời giã gạo hát hò (điệu bài chòi)/ lớn khôn hát bội ứ ư lớn khôn hát bội (điệu hát bội) hời ơ hời con đưa con (điệu hát ru)

2.

Ở Phước Lộc có “bà Liên hát ru” thì cụ bà Phạm Thị Chánh, đội 9, thôn Lục Lễ, xã Phước Hiệp, lại nổi tiếng với tài hát hò đối đáp, giao duyên. Bà tỏ ra tường tận cách thức “nhập đề”, cũng như diễn biến, quy trình của một cuộc ca hát giao duyên. Đầu tiên là hát chào, hát gặp gỡ, hát than thở, hát xứng đôi, hát thề nguyền (hát thơ), hát kết và sau cùng là hát ra về dặn dò. Tại mỗi phần, bà đều ngâm hoặc nói lối những câu, đoạn ca dao để minh họa.

Trong chiến tranh chống Mỹ, xã Phước Hiệp có hẳn một đội dân ca, thường gọi là đội hát hò giã gạo, do ông Nguyễn Văn Ngọc làm đội trưởng, với khoảng 30 thành viên là thanh niên trong xã. Đội thường xuyên tổ chức hát hò vui chơi, cũng là cách quy tụ lực lượng khi cần làm một việc tập thể như giã gạo cung cấp lương thực cho bộ đội, dựng lại nhà dân sau cháy… “Nếu nhà ai có cưới hỏi, cúng giỗ, cần số lượng gạo trắng nhiều, họ lại nhờ đến đội hát hò chúng tôi. Sau mỗi nhịp đồng thanh “hò hê hê hô”, người kéo đến xem hát càng đông; nhiều bàn tay, nhiều chày cối, có thêm tiếng hát thúc đẩy, bao nhiêu gạo mà không giã xong” - bà Chánh hóm hỉnh kể, rồi ngậm ngùi: “Cuộc vui ngày đó cứ nối theo ngày tháng mà dài ra không dứt. Nhưng hiện giờ… Ông Ngọc đội trưởng mất đã gần 10 năm nay, nhóm hát hò ngày xưa chỉ còn lại tôi và bà Tâm cùng thôn- hai người trẻ tuổi nhất trong đội còn sống, lớp trẻ đâu có thèm học cái kiểu hát nhà quê này. Nên cứ tiếc, cứ nhớ mãi…”.

  • Sao Ly
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trò chuyện với “vua mai”   (10/01/2010)
Ít thay đổi, thiếu sinh động  (09/01/2010)
Khai mạc Hội diễn sân khấu Tuồng-Dân ca kịch toàn quốc  (08/01/2010)
Kho vũ khí cổ dưới lòng hồ Ngọc Khánh  (08/01/2010)
Những bước tiến dài  (08/01/2010)
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng đoạt giải A Cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội  (08/01/2010)
Bí ẩn pho tượng lạ về Đức Thánh Trần  (07/01/2010)
Nói rõ hơn về một chuyện cũ  (07/01/2010)
“Danh hiệu này như điểm 10 trên lớp”  (07/01/2010)
Đưa tuồng cổ phục vụ du khách từ Tết Canh Dần  (06/01/2010)
Công diễn báo cáo vở “Hồn Việt”  (06/01/2010)
Nhạc sĩ thiên tài Tchaicovsky: Những bí ẩn tình trường đằng sau một nghi án  (05/01/2010)
Hương Giang được bầu chọn là người phụ nữ gợi cảm nhất thế giới 2009  (05/01/2010)
Nỗ lực gắn di tích với du lịch  (05/01/2010)
Chuẩn bị cho Lễ hội Chiến thắng Đống Đa và Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng  (05/01/2010)