|
Ông Hồ Huy, Phó Trưởng BTC chương trình |
Hôm qua, 9.1, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Tập đoàn Mai Linh đã chính thức công bố chương trình Thăng Long - Hồn thiêng sông núi - một chương trình khổng lồ với ý nghĩa nhân văn to lớn. Đó là việc tổ chức lựa chọn và đón 1.000 anh hùng tiêu biểu từ 63 tỉnh thành cả nước về dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Quá trình đón các vị anh hùng sẽ được tổ chức thành một cuộc “hành quân lớn” diễn ra suốt dọc dài đất nước với các cuộc giao lưu tại các tỉnh thành, khu vực và kết thúc là cuộc tụ hội của các vị anh hùng tại Hà Nội vào đúng vào dịp đại lễ.
TT&VH đã có cuộc trò chuyện với ông Hồ Huy, Phó Trưởng BTC chương trình * Thưa ông, xuất phát từ đâu mà BTC chương trình đưa ra ý tưởng tôn vinh những người được phong anh hùng - những “tấm gương lịch sử sống” trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội?
- Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam anh hùng đã được thế giới phong tặng là “Thủ đô vì hòa bình”. Kể từ thời Lý dời đô ra Thăng Long với Chiếu dời đô bất hủ, trải 1.000 năm qua, thủ đô của chúng ta đã cùng cả nước đánh giặc. Trong những cuộc kháng chiến ở thời đại Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã có nhiều đơn vị anh hùng và hàng vạn người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động và Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Với mục đích mong muốn góp phần nhỏ bé vào việc tôn vinh ý nghĩa của Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, đồng thời tôn vinh những người, những anh hùng đã đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, Chương trình Thăng Long - Hồn thiêng sông núi là bản hùng ca về Đất nước anh hùng, Thủ đô anh hùng và Con người anh hùng.
* Như ông nói, trong thời đại Hồ Chí Minh đã có hàng vạn người được phong anh hùng. Việc lựa chọn 1.000 anh hùng trong số đó để về dự đại lễ chắc chắn sẽ là một khó khăn, vì chúng ta rất khó có thể đo đếm “công lao” của các vị anh hùng với nhau để mà so sánh...
- Theo số liệu BTC nắm được đến năm 2009, cả nước có 575 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động và 4.604 bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống (trong tổng số 46.318 bà mẹ Việt Nam anh hùng và 3.322 anh hùng được phong tặng).
BTC sẽ cùng với các địa phương lựa chọn 1.000 anh hùng tiêu biểu với các tiêu chí cơ bản như: Những anh hùng tiêu biểu (anh hùng chống Pháp, anh hùng chống Mỹ, anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang), luôn luôn phát huy được bản chất tốt đẹp của người anh hùng, tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. (Ưu tiên các anh hùng dân tộc ít người, vùng sâu vùng xa, chưa có điều kiện ra Thủ đô Hà Nội). Những người được lựa chọn phải đủ sức khỏe để hành quân trên chặng đường dài hàng nghìn km. Trong danh sách lựa chọn bao gồm cả các bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Quá trình lựa chọn phải công bằng, dân chủ, bảo đảm người được lựa chọn cũng như người chưa được lựa chọn đều vui vẻ, phấn khởi.
* Mỗi vị anh hùng đều là những “tấm gương lịch sử sống” gắn liền với những “chiến công” được cả nước ghi nhận. Tuy nhiên, thế hệ trẻ không phải ai cũng hiểu hết về các chiến công này. Vậy chương trình có hình thức nào để làm nổi bật chiến công của mỗi vị anh hùng trong cả 1.000 vị? Làm sao để các vị anh hùng và các chiến công của họ thực sự trở thành “chủ thể” và “chủ đề” của chương trình?
- 1.000 anh hùng trong chương trình chính là những gương mặt đại diện tiêu biểu cho một thời đại vang bóng trong lịch sử dân tộc Việt Nam - thời đại Hồ Chí Minh. Chương trình Thăng Long - hồn thiêng sông núi hướng tới tiêu chí tôn vinh và tri ân những người anh hùng đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước. BTC sẽ cố gắng khắc họa một cách đầy đủ và chân thực nhất về chân dung của các anh hùng với nhiều hình thức: Những cuộc giao lưu, truyền hình trực tiếp, các tài liệu, kỷ yếu của chương trình... để thế hệ trẻ hôm nay có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu về một thời đại anh hùng và những nhân vật lịch sử anh hùng.
* Đưa 1.000 vị anh hùng về Thủ đô trong một hành trình hàng nghìn km với các hoạt động dày đặc như vậy liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe của các các vị anh hùng mà phần nhiều là đã cao tuổi? Nghe nói Tập đoàn Mai Linh đã thiết kế 50 xe “đặc biệt” hiện đại, có toilet “xịn” trên xe để phục vụ đưa đón?
- Đây là một cuộc hành trình dài, di chuyển qua nhiều địa phương khác nhau, do đó một trong những tiêu chí quan trọng được BTC quan tâm đó là vấn đề sức khỏe của các vị anh hùng, để các anh hùng có thể tham gia đầy đủ các hoạt động đã có trong lịch trình. Trước và trong cuộc hành quân, đội ngũ nhân viên y tế, bác sĩ giỏi chuyên môn đã được BTC huy động và sẽ luôn thường trực để chăm sóc sức khỏe của các anh hùng. Đồng thời, BTC cũng đảm bảo cung cấp các loại phương tiện tốt nhất, an toàn nhất... để đưa các anh hùng về dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long tại Hà Nội.
* Xin cảm ơn ông!
Cuộc “hành quân” của 1.000 anh hùng
Trước khi bước vào cuộc “hành quân”, các cuộc giao lưu tại mỗi địa phương sẽ tổ chức để chúc mừng và đưa các anh hùng tiêu biểu tham gia vào cuộc hành quân về dự Đại lễ (các cuộc giao lưu này dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng ngày 19.8 đến 2.9 năm 2010 này). Trong cuộc “hành quân”, sẽ tổ chức các cuộc giao lưu tại Đồng Tháp (17.9.2010), TP.HCM (18.09), Tây Nguyên (20.9), Đà Nẵng (22.9); tổ chức Lễ cầu siêu tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn - Quảng Trị (23.9), giao lưu tại Vinh - Nghệ An(25.9), tại Việt Trì - Phú Thọ (28.9).
Điểm nhấn của toàn bộ chương trình là cuộc giao lưu tại Hà Nội vào đêm 30.9 với chủ đề “Thăng Long hồn thiêng sông núi/ Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người”. Chương trình là bản hùng ca về Nghìn năm Thăng Long. Tất cả các buổi giao lưu - truyền hình trực tiếp đều có gây quỹ từ thiện, xây dựng quỹ “Hiền tài đất Việt”. |
. Theo TT&VH |