XÂY DỰNG QUY NHƠN THÀNH “ĐẦU TÀU” VĂN HÓA KHU VỰC:
Thiếu những kế hoạch khả thi
8:13', 11/1/ 2010 (GMT+7)

TP Quy Nhơn đang phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh nỗ lực phát triển kinh tế để đóng vai trò ngày càng quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thì việc đưa Quy Nhơn trở thành “đầu tàu” văn hóa của khu vực Trung Trung bộ và Bắc Tây Nguyên đang được tính đến.

 

Một góc thành phố biển Quy Nhơn. Ảnh: Văn Lưu

 

Mục tiêu xây dựng Quy Nhơn thành “đầu tàu” văn hóa của khu vực Trung Trung bộ và Bắc Tây Nguyên được nhắc đến khá nhiều trong mấy năm gần đây. Xét về tiềm năng của tỉnh Bình Định, ở góc độ là “bệ đỡ” nói chung, và riêng Quy Nhơn ở tư cách là hạt nhân, thì mục tiêu này không phải là không khả thi.

Xây dựng được lực lượng văn nghệ sĩ mạnh là yếu tố “cần” đầu tiên trong hành trình xây dựng Quy Nhơn thành đô thị có nền văn học - nghệ thuật phát triển. Về điểm này thì Quy Nhơn đã đáp ứng tạm được. Quy Nhơn là nơi hội tụ của hầu hết lực lượng văn nghệ sĩ của tỉnh. Ở Quy Nhơn, có 2 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp phát triển mạnh, đóng góp tích cực vào việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống. Nhưng điều còn thiếu ở Quy Nhơn hiện nay là chưa có một đoàn ca múa nhạc chuyên nghiệp như các tỉnh lân cận, nên không khai thác và phát triển một cách tốt nhất lực lượng ca sĩ và diễn viên múa nhiều tiềm năng như hiện nay.

Xây dựng các thiết chế, địa điểm sinh hoạt văn hóa đa dạng và mang tính đặc trưng cho Quy Nhơn là yếu tố “cần” thứ hai. Thiết chế văn hóa ở Quy Nhơn hiện tại chỉ có công trình Trung tâm Văn hóa tỉnh, Nhà Văn hóa Lao động là tương đối quy mô; còn lại thì Nhà Thiếu Nhi Quy Nhơn, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, rạp chiếu phim đều đã cũ và không tạo được sức hút. Phần lớn di tích đều chưa được đầu tư hoặc đang ở giai đoạn dự án. Các điểm tham quan, vui chơi giải trí văn hóa mang tính quy mô và có bản sắc riêng là điều Quy Nhơn còn thiếu nhiều. Di tích danh thắng Ghềnh Ráng có vẻ đẹp lý tưởng, nhưng đến nay, mới chỉ phát huy được một phần nhỏ giá trị. Hoạt động Làng nghề truyền thống và Ẩm thực Bình Định đã được dàn dựng giới thiệu rất thành công trong Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, nếu có nhà đầu tư tạo được “mô hình thu nhỏ” của hoạt động này ở khu thắng cảnh Ghềnh Ráng, thì sẽ tạo được điểm tham quan độc đáo cho Quy Nhơn.

Nhiều ý kiến cho rằng nên nghiên cứu tách riêng số lượng hiện vật Chăm rất lớn và có giá trị độc đáo ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh để xây dựng Bảo tàng Chăm Bình Định. Bảo tàng Chăm này nên được xây dựng ở một vị trí đẹp trong thành phố. Rạp chiếu bóng 31.3 hiện nay là “khu đất vàng” nhưng chưa phát huy hiệu quả, nên sớm được đầu tư xây dựng mới tại đây một khu giải trí với rạp chiếu phim hiện đại, sân khấu biểu diễn nghệ thuật truyền thống… phục vụ khách du lịch.

Tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật lớn mang tầm quốc gia ở Quy Nhơn là yếu tố “cần” quan trọng thứ ba để xây dựng hình ảnh trung tâm văn hóa của khu vực. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trong một lần về làm việc với lãnh đạo tỉnh cũng đã từng góp ý: Tỉnh Bình Định nên chủ động nhận đăng cai tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật có quy mô lớn tầm khu vực và quốc gia. Việc này có thể tốn kinh phí cụ thể trước mắt, nhưng lợi ích “vô hình” về văn hóa và quảng bá hình ảnh Quy Nhơn về lâu dài là rất lớn.

Nhưng điểm lại các hoạt động văn hóa lớn ở Bình Định thì chủ yếu vẫn là “ta quảng bá ta với ta”, còn việc chủ động “mời” các sự kiện văn hóa lớn tầm quốc gia về tổ chức ở Quy Nhơn thì hầu như chưa có. Việc này có lẽ phải tham khảo tỉnh Phú Yên khi vừa tổ chức vòng chung kết Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc năm 2009, năm nay sẽ tiếp tục đăng cai tổ chức Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17.

Những yếu tố “cần” ở trên sẽ không “đủ” để thực hiện nếu các đơn vị chức năng không thực hiện tốt vai trò tham mưu, xây dựng kế hoạch trở thành “đầu tàu” văn hóa của khu vực trong tương lai.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long: Đón 1.000 anh hùng về dự đại lễ  (10/01/2010)
Văn hóa các dân tộc thiểu số đang phôi pha?   (10/01/2010)
Nhớ tiếng hát ru, nhớ giọng hát hò   (10/01/2010)
Trò chuyện với “vua mai”   (10/01/2010)
Ít thay đổi, thiếu sinh động  (09/01/2010)
Khai mạc Hội diễn sân khấu Tuồng-Dân ca kịch toàn quốc  (08/01/2010)
Kho vũ khí cổ dưới lòng hồ Ngọc Khánh  (08/01/2010)
Những bước tiến dài  (08/01/2010)
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng đoạt giải A Cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội  (08/01/2010)
Bí ẩn pho tượng lạ về Đức Thánh Trần  (07/01/2010)
Nói rõ hơn về một chuyện cũ  (07/01/2010)
“Danh hiệu này như điểm 10 trên lớp”  (07/01/2010)
Đưa tuồng cổ phục vụ du khách từ Tết Canh Dần  (06/01/2010)
Công diễn báo cáo vở “Hồn Việt”  (06/01/2010)
Nhạc sĩ thiên tài Tchaicovsky: Những bí ẩn tình trường đằng sau một nghi án  (05/01/2010)