Mái tóc của má
15:32', 11/1/ 2010 (GMT+7)

Thuở ấy, với tôi - một cô bé con - bà lão mua tóc là hiện thân của một bà tiên nhân hậu trong cổ tích lạc đến xứ sở nhân gian. Đó là một bà lão thấp bé, lọm khọm, lưng còng với khuôn mặt già nua, nhăn nheo, điểm đầy đốm nâu… Trên gương mặt hiền như đất ấy là đôi mắt đục nhờ nhờ giữa hai mí sưng sưng, trĩu nặng, luôn hấp háy với cái nhìn lờ đờ, chậm chạp. Nhưng không hiểu sao, tôi lại rất yêu đôi mắt của bà. Có lẽ, trong đôi mắt ấy, tôi nhìn thấy những tia long lanh còn sót lại ánh lên thứ ánh sáng dịu hiền, đầy tình thương yêu.

Bà hay mặc bộ đồ bà ba màu nâu và trùm trên đầu cái khăn vuông cũng màu nâu đã bạc màu. Cả người bà toát lên vẻ gần gũi đến lạ… Tôi âu yếm gọi bà là “ngoại”. Tôi đếm từng ngày và chờ đợi nghe tiếng rao mua tóc của bà: “Tóc ơi... bán không?”. Tiếng rao nghe khàn khàn, run run, đứt quãng nhưng sao mà trầm ấm. Lời rao mua tóc rối run run, đứt quãng của bà lão, cùng với hình ảnh mái tóc dài của má, đã in sâu vào ký ức tuổi thơ tôi mãi đến tận bây giờ.

Thấy lũ trẻ con quây quanh, bà nở nụ cười móm mém hiền hiền và chỉ hỏi một câu: “Có tóc không cho bà, con!”. Cứ khoảng mươi ngày, nửa tháng, tay xách làn, tay chống gậy, bà lại tìm đến hỏi mua tóc rối một lần. Nói đúng hơn, bà không mua mà đổi tóc. Cái mà bà dùng để đổi tóc rối là những thứ quà của trẻ con. Bà đựng chúng trong một cái làn cũ kỹ đan bằng sợi lát. Cái làn cũng nhỏ bé như thân hình của bà, nhưng đựng không biết bao nhiêu là thứ: viên kẹo nho nhỏ, cái kẹp tóc xinh xinh, mấy hòn bi lóng lánh, tròn trĩnh, những sợi dây chun đủ sắc màu… Hồi ấy, tôi ngây thơ nghĩ rằng cái làn ấy là cái bị thần mầu nhiệm của bà tiên.

* * *

Để được nhận quà tất nhiên là phải có tóc rối. Tóc rối là những sợi tóc gãy, rụng từ những mái tóc dài. Khi chải, tóc gãy, rụng sẽ dính vào lược và chúng sẽ được vo tròn lại thành những búi nhỏ. Nhìn những sợi tóc đan vào nhau, rối rắm như cái ổ tò vò, tôi thắc mắc chẳng biết bà lão cần chúng để làm gì? Tôi hỏi, thì má bảo, những sợi tóc dường như bỏ đi ấy, được bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người vuốt tóc, sẽ trở thành những lọn tóc dài, đẹp và đó là thứ trang sức dành cho các cô, các bà giàu sang, quí phái dùng để vấn tóc trên đầu.

Bà lão thường đến nhà tôi đổi tóc vì bà bảo tóc rối của má tôi là tốt nhất. Không riêng bà, nhiều người khác vẫn khen nắc nỏm rằng tóc của má tôi rất đẹp. Đẹp nhất làng. Mái tóc má suôn bóng, đen nhánh, mượt mà và dài hơn cả chiều cao thân hình má. Không chỉ thế, mái tóc đó dày đến nỗi tưởng chừng như vóc dáng nhỏ nhắn của má phải oằn xuống. Lúc ấy, tôi rất thích mái tóc của má. Không phải vì tóc má đẹp, mà vì mái tóc ấy khi chải sẽ có nhiều tóc rụng. Mỗi lần má chải tóc, tôi thầm cầu mong tóc rụng nhiều nhiều. Tôi chờ đợi từng lượt chải của má và nhanh nhảu lấy từng sợi tóc gãy, rụng quấn vào ngón tay bé xíu... Tôi nâng niu mớ tóc rối còn hơn cả mân mê mái tóc dài của má. Với mấy mớ tóc rối này, tôi sẽ có thêm cái kẹp hình con bướm xinh xắn và chùm dây chun để tết con rết mỗi lúc càng dài lê thê. Tôi cẩn thận cất mấy mớ tóc rối vào những lỗ gạch dưới hiên nhà và chờ mong lời rao mua tóc của bà lão.

* * *

Mái tóc của má là niềm ao ước của tôi. Nhưng mỗi lần giúp má gội đầu thì tôi lại hài lòng với mái tóc lưa thưa, ngắn ngủn của mình. Thật đơn giản và dễ dàng trong việc chăm sóc chúng. Còn với mái tóc quá dày và quá dài của má thì mỗi lần gội đầu mất rất nhiều công, tốn thời gian lắm.

Trước khi gội, tôi phải giúp má đi hái các loại lá chanh, bưởi, sả, bạc hà và cả cỏ mần trầu. Má thì tỉ mỉ vùi mười trái bồ kết vào bếp tro hơi âm ấm. Chờ một lát, má khều ra phủi sạch, rồi dùng tay bẻ nhỏ từng trái một vào trong một cái nồi đồng chứa khoảng hơn hai lít nước. Má khệ nệ nhấc cái nồi đồng lên bếp rồi ngồi đun nhỏ lửa rơm. Khi nồi nước gội đặc sánh ngả màu đen đen và nồng thơm mùi ngai ngái của bồ kết quyện với hương ngan ngát của lá bưởi, chanh... má mới ngừng đun. Chờ nước nguội, má bắt đầu các thao tác gội mái tóc dày và dài của mình mà theo tôi lúc đó là quá nhọc nhằn. Tuy nhiên, mỗi khi má gội đầu xong, chải tóc giúp má, tôi lại có được nhiều tóc rối. Tôi nhẩm tính với ngần ấy tóc rối này, thế nào tôi cũng có nhiều viên kẹo tròn, xinh và ngọt lịm ....

Mỗi ngày, má chỉ chải tóc một lần vào buổi sáng. Chải xong, má bó lại thành một búi sau gáy trông thật gọn gàng. Thỉnh thoảng, tôi thấy má chải tóc với vẻ mặt đăm chiêu, tư lự. Tôi biết má nhìn tóc lại nhớ về một hồi ức buồn mà có lần má đã kể cho anh, chị em chúng tôi nghe. Câu chuyện bắt đầu từ mái tóc và từ câu nói của má: “Các con có chén cơm để bưng ấm tay ngày hôm nay một phần cũng nhờ mái tóc trời cho của má”.

Năm anh em tròn xoe mắt, ngạc nhiên. Má ôm tôi vào lòng, đưa mắt nhìn xa xăm rồi cất giọng trầm buồn kể về quãng đời làm dâu nhà chồng đầy tủi cực. Má ưng ba tôi, hai bên thật “môn đăng hộ đối” giàu có nhất, nhì trong làng. Rủi là ông ngoại tôi mất sớm, bà ngoại lại đam mê cờ bạc, hát xướng nên chẳng mấy chốc gia sản lụn bại. Rồi bà ngoại lại mất theo ông không lâu sau đó. Từ đó, má bị bà nội khinh rẻ, chì chiết. Nhà nội giàu nhưng má phải làm việc đầu tắt mặt tối mà chẳng được mấy bữa no. Nhiều bữa, má phải ăn trái nhàu rụng với muối cho mới đỡ đói. Có lần đi nhổ cỏ ruộng, thấy người đi đường ăn củ sắn vứt cùi đi, vì đói quá, má phải lén lên bờ lấy ăn… Má khổ như thế nhưng ba lại là người vô tâm. Ba giỏi việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, nên chẳng thấu hiểu nỗi khổ của má.

* * *

Khi anh Hai chưa tròn tuổi, nội đuổi má ra khỏi nhà. Không nơi nương tựa, má đành một mình bế con che lều dưới gốc cây đa gần đình làng. Không thóc lúa, không tiền bạc, má đi mót bắp về nhai rồi bón cho con. Cảnh túng quẫn đến cùng cực thì may sao má gặp một người mua tóc. Nhìn thấy mái tóc dài, dày, đen nhánh, suôn mượt, người ấy thích và năn nỉ mua cho bằng được. Hồi ấy, chỉ những kẻ trôi sông lạc chợ, bần cùng, mạt hạng mới cắt tóc để bán. Đó là điều sỉ nhục. Nhưng có nhục đến mấy cũng không nhục bằng cảnh giữ tóc mà con đói sữa. Nước mắt rưng rưng, má gật đầu chịu bán tóc. Đó là một người tử tế nên số tiền bán mái tóc không ít. Má mua được khung cửi để quay sợi; số tiền còn lại, má mở hàng bán bánh cuốn.

Từ đó, má không còn đói khổ nữa. Cứ thế, sự cần cù chịu thương, chịu khó của má đã được bù đắp. Khi má kể cho tôi nghe chuyện này thì cuộc sống của gia đình tôi thuộc diện khá giả của làng. Nghe chuyện xưa, lòng tôi chợt xốn xang thương má và thầm biết ơn vô vàn mái tóc đẹp của má.

Tuổi thơ hồn nhiên, vô tư trôi qua thật nhanh. Những hòn bi lóng lánh, mấy viên kẹo nho nhỏ... không còn hấp dẫn với tôi như lúc bé, nhưng tôi vẫn mong gặp bà lão. Nhưng lời rao mua tóc cứ thưa dần, thưa dần rồi tôi không còn gặp bà lão nữa. Thấy tôi cứ  khắc khoải, chờ mong, giọng má buồn buồn bảo: “Bà lão đã bay lên thiên đàng. Giờ bà đang sống sung sướng trên đấy rồi, con ạ!”. Nghe thế, trong lòng tôi bỗng dưng muốn khóc. Tôi buồn cả một thời gian dài. Với tôi, bà lão mãi mãi là bà tiên nhân hậu trong miền cổ tích của trẻ thơ.

* * *

Tôi lớn lên cùng với mái tóc cũng dày thêm và dài ra. Nhưng tôi thấy mái tóc má tự nhiên ngắn đi và thưa dần. Tôi đem thắc mắc đó hỏi, thì má cười bảo là má già rồi thì phải như thế... Hèn chi, tôi thấy tóc má rụng mỗi lúc một nhiều. Mỗi ngày tôi lại có thêm nhiều tóc rối của má. Nhưng từ khi bà lão mất đi, cũng không còn ai hỏi mua tóc rối nữa. Cuộc sống hiện đại đã loại bỏ những việc tỉ mỉ, cầu kỳ, mất nhiều thời gian. Tóc  rối giờ chỉ là thứ vứt đi nhưng không hiểu sao tôi vẫn giữ lại tóc rối của má.

Một ngày kia, ở tuổi sáu mươi tám, má tôi lặng lẽ rời xa người thân, bỏ lại quãng đời cơ cực, chỉ mang theo mái tóc về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi hụt hẫng, đau đớn tột cùng vì từ nay không còn được sống trong tình thương yêu và được nhổ tóc sâu cho má. Tôi đem chôn mớ tóc rối bên cạnh mộ má với lời khấn: “Cùng với mái tóc dài, má hãy mang theo cả mớ tóc rối này để lên thiên đàng gặp bà lão đổi tóc nhé! Ở đó, nhất định má sẽ được bù lại những ngày làm dâu cơ cực, nghen má!”.

Tháng 12.2009

  • Truyện của TRẦN ANH DŨNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Điều tra cho thấy Michael Jackson bị sát hại  (11/01/2010)
Thiếu những kế hoạch khả thi  (11/01/2010)
Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long: Đón 1.000 anh hùng về dự đại lễ  (10/01/2010)
Văn hóa các dân tộc thiểu số đang phôi pha?   (10/01/2010)
Nhớ tiếng hát ru, nhớ giọng hát hò   (10/01/2010)
Trò chuyện với “vua mai”   (10/01/2010)
Ít thay đổi, thiếu sinh động  (09/01/2010)
Khai mạc Hội diễn sân khấu Tuồng-Dân ca kịch toàn quốc  (08/01/2010)
Kho vũ khí cổ dưới lòng hồ Ngọc Khánh  (08/01/2010)
Những bước tiến dài  (08/01/2010)
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng đoạt giải A Cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội  (08/01/2010)
Bí ẩn pho tượng lạ về Đức Thánh Trần  (07/01/2010)
Nói rõ hơn về một chuyện cũ  (07/01/2010)
“Danh hiệu này như điểm 10 trên lớp”  (07/01/2010)
Đưa tuồng cổ phục vụ du khách từ Tết Canh Dần  (06/01/2010)