|
Xuân về trên Quy Nhơn. Ảnh: Hoàng Vân |
Khoảng đầu tháng 4.1975, khi Quy Nhơn vừa được giải phóng vài ngày, đi cùng đoàn quân chiến thắng vào thị xã có rất nhiều nhà báo, văn nghệ sĩ. Trong số này có nhạc sĩ Dân Huyền, lúc bấy giờ là biên tập viên âm nhạc của Ban Ca nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam. Chính trong những thời khắc lịch sử ấy, nhạc sĩ đã cảm xúc viết nên ca khúc: “Mùa xuân Quy Nhơn, mùa xuân Bình Định”.
Nhạc sĩ Dân Huyền kể: “Khi đoàn xe đưa anh em mình vượt đèo Bình Đê, người ngồi cạnh mình, nhạc sĩ Tố Hải, reo lên: “Bình Định đây rồi, quê dừa, quê vợ tớ đây rồi...”. Niềm vui ấy lan tỏa trên xe, chúng tôi cười nói không thôi. Xe bon bon qua những xóm làng vừa giải phóng, chạy vào thị xã Quy Nhơn. Đơn vị của mình đóng quân ở một doanh trại cạnh bờ biển, lúc ấy, trên bờ còn ngổn ngang xác xe tăng, quần áo, đồ dùng cá nhân của lính tráng tháo chạy bỏ lại. Đi bên hàng phi lao trong nắng sớm mai Quy Nhơn, nghe gió biển rì rào, nhìn xa xa lá cờ giải phóng nửa xanh, nửa đỏ phất phới bay trên nóc tòa hành chính, cảm xúc chợt ùa về, mình lấy vội mảnh vỏ bao thuốc lá hí hoáy ghi vội. Ngay trong đêm ấy, bên cây đàn guitar, mình đã hoàn chỉnh bản thảo bài hát. Sáng hôm sau, tìm sang phòng Tố Hải, khoe bài hát vừa viết xong: “Ta hát cùng Bình Định, câu ca hân hoan, dải đất hiên ngang, bao la xứ Dừa gợi lên muôn nguồn thơ, Bình Định ơi nô nức hôm nay, đồng lúa reo bên hàng dừa, nhạc hòa theo…”.
Nhạc sĩ Dân Huyền chép bài hát gửi lại cho Ty Văn hóa Bình Định như một món quà gởi tặng Quy Nhơn, gởi tặng xứ Dừa. Sau đó, ông cùng đồng đội tiếp tục hành quân vào Sài Gòn. Nhạc sĩ không ngờ rằng đứa con tinh thần sinh ra trong một đêm thăng hoa lại có sức sống mãnh liệt, vang lên khắp quê hương Bình Định mãi đến hôm nay.
Nhạc sĩ Dân Huyền tên thật là Phạm Ngọc Dần, sinh năm 1938, quê ở Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ngay khi còn nhỏ, mẹ ông đã dạy nhiều làn điệu dân ca quê hương; tình yêu đối với dân ca sâu đậm trong trái tim ông suốt cả cuộc đời. Năm 1954, Dân Huyền về làm nhạc công ở Đoàn Văn công Quân khu 4, rồi về công tác tại Ty Văn hóa Nghệ An. Năm 1959, ông được cử đi học ở Trường Tuyên huấn Trung ương, ra trường được cử về làm cán bộ văn nghệ Nhà máy Ôtô 1.5 ở Hà Nội. Ông tham gia viết báo, đặt lời mới cho hàng trăm bài dân ca… Năm 1967, nhạc sĩ lại chuyển về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, sau được phân công là Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền. Ông sáng tác nhiều ca khúc được mọi người yêu thích, nhưng đóng góp lớn nhất của ông là soạn lời hát cho các bài dân ca. Tuy đã nghỉ hưu từ năm 2001, ông vẫn hăng hái tham gia CLB Đàn và hát dân ca của Đài với cương vị Chủ nhiệm CLB, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian.
Bài hát “Mùa xuân Quy Nhơn, mùa xuân Bình Định” vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1975 qua giọng hát của ca sĩ Doãn Tần. Sau đó, bài hát này được nhiều người nhớ đến qua giọng của ca sĩ Lý Anh Võ (Huy chương Vàng Hội diễn Nghệ thuật quần chúng toàn quốc năm 1977 tại Nha Trang), ca sĩ Nhất Sinh (Nhà hát Ca Múa Nhạc Bông Sen TP Hồ Chí Minh).
35 năm đi qua, nhưng bài hát “Mùa xuân Quy Nhơn, mùa xuân Bình Định” vẫn trẻ mãi.
|