“Hát nhép” đã sinh ra... “đàn nhép”
16:17', 13/1/ 2010 (GMT+7)

Một ban nhạc đang đàn “sống” tại lễ khai trương của một doanh nghiệp

Cùng với hát nhép, “đàn nhép” đang là hiện tượng phổ biến ở nhiều chương trình ca nhạc. Điều đáng nói, “đàn nhép” là hệ lụy tất yếu được sinh ra do hát nhép.

Trao đổi với P.V Báo Văn Hóa về nạn hát nhép, ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở VHTTDL TP.HCM bức xúc: “Chính hát nhép đã làm cho vai trò của ban nhạc bị  lu mờ. Các sân khấu bây giờ nhiều khi người ta “quên” thiết kế chỗ dành cho ban nhạc. Cũng giống như hát nhép, để giải thích sự tồn tại của “đàn nhép”, BTC các chương trình biểu diễn cũng viện dẫn ra nhiều lý do như vì chất lượng âm thanh, an toàn tín hiệu, nhưng có lẽ lý do thuyết phục nhất là để... giảm chi phí. Thay vì một ban nhạc đầy đủ cho một chương trình rất đông nhạc công, nhiều nhạc cụ, nhất là chương trình biểu diễn nhạc dân tộc chỉ cần sử dụng nhạc nền thu sẵn, còn ban nhạc chỉ cần vài người tượng trưng để “trang trí” sân khấu và giải quyết khâu “oai” mà thôi.

Nếu khán giả tinh ý rất dễ nhận ra ban nhạc đang “đàn nhép”. Họ đang chơi đàn như kẻ vô hồn, lơ đễnh không tập trung. Họ đâu cần để ý đến “tông” của ca sĩ đang biểu diễn. Như lời của một nhạc sĩ (giấu tên): nhìn mặt của các nhạc công đang “đàn nhép” thấy “đực” ra trông đến tội nghiệp. Ca sĩ Ánh Tuyết  thì cho rằng: “Ngày trước khi đến sân khấu người ta chú ý nhất là nhạc công đánh trống, xem anh ta “múa dùi” thế nào, nhiều người đã phải lòng người đánh trống. Còn ban nhạc bây giờ, nhìn nhạc công đánh trống không biết họ đang múa gì”.

Có thể nói  hành vi “đàn nhép” đáng thương hơn đáng giận, nhiều nhạc công cũng “khổ tâm” khi mình bị biến thành bù nhìn, bởi “đàn nhép” là hệ lụy tất yếu của hát nhép. Tuy nhiên, hậu quả của “đàn nhép” không thua gì hát nhép vì cùng là hành vi lừa gạt khán giả..., mặc dù hát nhép và “đàn nhép” tuy là "khác giống nhưng chung một giàn". Đã xử lý hát nhép thì không nên quên hành vi của "đàn nhép".

Gảy đàn... câm!

Là một nhạc công, chúng tôi luôn muốn đem tiếng đàn, tiếng trống của mình hòa với giọng hát của các ca sĩ để “phiêu” hết mình với khán giả. Nhưng làm sao chúng tôi thả hồn theo tiếng đàn tiếng hát được khi mà phải chú ý để những ngón tay đánh đàn đừng phát ra tiếng.

Hát nhép như một căn bệnh “ung thư” đang “di căn” một cách mạnh mẽ trong làng âm nhạc Việt Nam. Tôi nhớ không lầm là đã nhiều lần chúng ta lên án nạn hát nhép của các ca sĩ, nhưng mọi việc được khép lại một cách im lặng để đến bây giờ chúng ta lại mở ra khi mà “căn bệnh” hát nhép đã quá nặng. Tuy nhiên, muộn còn hơn không, đây chính là cơ hội để chúng ta cắt đi “ổ bệnh” đang hủy hoại nền âm nhạc nước nhà.(Quốc Bảo – thành viên ban nhạc phòng trà Đồng Dao)

Đừng biến ban nhạc thành "bù nhìn"!

Là thành viên trong ban nhạc, chúng tôi luôn muốn đem hết công sức của mình để cùng với ca sĩ mang đến cho khán giả một buổi thưởng thức âm nhạc thật sự. Nhưng khi ca sĩ hát nhép thì chúng tôi đâu cần phải tập luyện làm gì cho tốn thời gian, chỉ cần đứng trên sân khấu, đưa tay dạo phím đàn theo yêu cầu của BTC hoặc ca sĩ là đủ. Nói thật: chúng tôi không khác gì những con bù nhìn!

Thành quả của ca sĩ nhận được đó là những tràng pháo tay của khán giả khi kết thúc phần biểu diễn của mình, và chúng tôi – những người trong ban nhạc cảm thấy hạnh phúc vì mình đã góp một phần trong đó. Tuy nhiên, khi đứng chung sân khấu với những ca sĩ hát nhép, nghe những tràng pháo tay mà chúng tôi cảm thấy xấu hổ, cảm thấy lòng tự trọng nghề nghiệp bị xúc phạm. Khi được mời biểu diễn ở các sân khấu khác, chúng tôi thường phản ứng với BTC về việc hát nhép, nhưng họ cứ “lờ” đi  không nghe.

Và khi đó, chúng tôi – những nhạc công sẽ trở thành những con bù nhìn được điều khiển bởi ban tổ chức và ca sĩ .(Hoàng Nghi – thành viên ban nhạc MTV – Phòng trà MTV)

. Theo Van Hoa Online

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hương Giang vào top 3 Đệ nhất mỹ nhân đương đại  (12/01/2010)
Buổi nói chuyện thơ cuối cùng của Xuân Diệu  (12/01/2010)
Phát hiện thùng tư liệu quý về xưởng quân giới  (12/01/2010)
35 năm - sức sống một bài ca  (12/01/2010)
Mái tóc của má   (11/01/2010)
Điều tra cho thấy Michael Jackson bị sát hại  (11/01/2010)
Thiếu những kế hoạch khả thi  (11/01/2010)
Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long: Đón 1.000 anh hùng về dự đại lễ  (10/01/2010)
Văn hóa các dân tộc thiểu số đang phôi pha?   (10/01/2010)
Nhớ tiếng hát ru, nhớ giọng hát hò   (10/01/2010)
Trò chuyện với “vua mai”   (10/01/2010)
Ít thay đổi, thiếu sinh động  (09/01/2010)
Khai mạc Hội diễn sân khấu Tuồng-Dân ca kịch toàn quốc  (08/01/2010)
Kho vũ khí cổ dưới lòng hồ Ngọc Khánh  (08/01/2010)
Những bước tiến dài  (08/01/2010)