Ở xa, lâu ngày mới về thăm quê. Tranh thủ dành thời gian để đi thăm bà con, anh em bạn bè. Xưa học đại học, một cô bạn trong lớp khá xinh tôi nghĩ là có… thích tôi thường trêu tôi là dân “nẫu”. Thực tình lúc ấy cứ nghĩ là cô bạn chê mình. “Nẫu” là địa phương, là quê mùa. Bây giờ, cái địa phương ấy là niềm tự hào của tôi.
|
Nét quê. Ảnh: V.L
|
Là người, không ai lại không yêu giọng nói nơi mình sinh ra, lớn lên cả. Tôi không hiểu nhiều về ngôn ngữ, văn hóa ngôn ngữ... Tình cảm của tôi với giọng xứ Nẫu bắt đầu từ cảm nhận - giọng quê tôi nghe sao hiền quá. Cái hiền ấy gieo vào lòng tôi nhiều cảm xúc. Quê tôi bây giờ thay đổi nhiều, chỉ có giọng nói từ xưa đến giờ vẫn vậy. Vẫn hiền hiền.
Về Cát Sơn (Phù Cát) thăm cậu mợ. Hai ông bà đã trên dưới chín mươi, nhưng vẫn còn khỏe mạnh. Con một đứa ở riêng, chỉ còn hai người già lúc thúc với nhau. Ngồi nói chuyện với cậu, miệng cậu lúc nào cũng “trầm trồ”: Ời, ời. Lâu lâu lại chắp miệng: “Dẫy na”… Lúc vui, cậu hỏi tôi: Giờ con làm ông gì ngoãi rầu. Tôi nói: Dạ, trưởng phòng. Cậu nói: Chui cha, bảnh hung chớ ta. Ời ời. Những người thân quen tôi, khi gặp nhau bao giờ câu đầu tiên cũng hỏi: Sao, công việc thế nào. Còn về quê đi thăm mười nhà thì cả mười: Con mới zề na con. Cỏn có zề hông. Mấy đứa phẻ hông. Ời ời, dẫy na, dẫy nghen con. Trời ơi, nghe sao mà rơm rớm, thấy lòng mình chùng xuống.
Lớp trẻ ở quê bây giờ đi đâu hết. Dường như, ai cũng muốn vùng vằng bươn ra khỏi gốc rạ. Làng quê còn rặt người lớn tuổi. Chú thím tôi đến bảy đứa con. Chỉ một đứa đầu ở quê, còn lại làm đủ nghề ở phố thị. Suốt một đời bươn bả lam lũ, để lúc về già chỉ còn mỗi ta với ta. Nhà hồi xưa chật là thế, giờ rộng thênh thang. Thím bảo, thằng Minh có nhà to ở thị trấn Ngô Mây, nói thím xuống ở, nhưng xuống một, hai ngày là nhấp nhỏm rồi. Ăn cũng không ăn được nhiều. Suốt ngày ở trong bốn bức tường bức bí. Con thì lo việc túi bụi. Vậy là một hai về quê.
Tôi chưa thấy thím tôi được sướng bao giờ. Dường như, cả đời thím dành cho chồng cho con. Ăn một miếng ngon không dám. Nhưng có khách, có con cháu xa về, là cái gì cũng dành cho. Làm con gà, bắt vài cân cá. Trưa ngủ dậy mới hai giờ chiều đã thấy thím lúi húi nướng bánh dưới bếp, đổ chả trứng. Tôi hỏi thím chuẩn bị đồ ăn chi sớm. Thím nói, để con ăn uống rượu chơi thôi. Ngồi vào mâm, lâu lâu thím lại giục: Ăn đi chớ con, rót rượu uống chớ con! Úi chao, tậu gơ… Mới đó mà đã là ông này bà nọ rầu… - Nắc nỏm ngắm nghía thằng cháu lớn tướng cứ như trẻ con.
Thấy nhà có đông người, bà con xóm giềng ai đi ngang cũng tạt vào. Vậy là thành tiệc. Hết chả trứng lại đến cá nấu lá giang. Rượu cứ rót ra ngây ngất. Và tôi được nghe giọng nói hiền khô của quê mình. Chú tôi đúng bảy mươi tuổi, tuổi cao nhưng vui chuyện như thanh niên. Anh Hai khen ông: Chú Bốn già nhưng uống ngon chớ ta. Chú cười móm mém: Wã chớ sao hổng ngon…
Tôi tự hứa với lòng mình, sau này, gắng về quê nhiều hơn nữa. Về để được nghe giọng nói hiền khô của quê mình và được nhiều điều khác mà ở xứ lạ không bao giờ có.
(Đài PTTH Thừa Thiên Huế) |