Đào Viết Bửu đã có “Ngày rêu xanh”
16:10', 14/1/ 2010 (GMT+7)

Có lẽ, hầu hết bạn viết, bạn đọc ở Bình Định đều vui mừng chào đón tập thơ đầu tay “Ngày rêu xanh” (NXB Hội nhà văn, tháng12.2009) của nhà thơ Đào Viết Bửu. Còn gì nữa, tập thơ ra mắt khi anh đã cầm bút 40 năm và đúng tuổi sáu mươi; hơn nữa, thơ anh vốn đã có vị trí từ lâu trong lòng bè bạn, bởi độ nén về cảm xúc, sự độc đáo của ngôn từ và những ngẫu hứng trong phát hiện.

Đúng là anh đã có “ngày rêu xanh” không chỉ tên tập thơ mà cả cái ý lan man giữa hai bờ hư thực. Thơ Đào Viết Bửu vừa cụ thể một tấm lòng dành cho quê hương, cho người thân, lại vừa siêu thoát. Mấy chục năm cầm bút, không mấy khi dám nghĩ in tập, giờ lại có dày dặn tập hợp bề thế hơn 70 bài. Loanh quanh kiếm sống đã mướt mồ hôi, nào dám mơ ngày cầm trên tay ấn phẩm dày dặn ký tặng bạn bè…

Đào Viết Bửu là người đa cảm. Mỗi chút của quê, người thân, bạn bè, những nghịch cảnh, những gian nan, một tiếng rao khuya, một câu bài chòi xa xứ… đều làm anh xúc động. Anh làm thơ tài tử chính ở chỗ không toan tính. Hễ các sợi tâm tưởng đa thanh của anh ngân lên là có thơ. Không thơ mùa vụ, thơ hàng hóa theo nhu cầu hay đặt hàng, anh làm thơ trước hết vì nhu cầu của riêng anh và đến được với công chúng mức nào quý mức nấy, hạnh phúc mức nấy. Và với “cá tính” này, xúc cảm, ngẫu hứng, ngôn từ của anh đã có cái tự do cao nhất để hiển hiện hoặc giãi bày.

Hãy thử vào cái thế giới hư thực và độc đáo của anh: “Bây giờ chữ nghĩa nợ bàn tay/ Chẻ đá qua ngày áo cơm khốn khó/ Chẻ cả âm thanh rơi vào phần số/ Khoảnh giây nghe băn xướt đoạn đời/…/ Nỗi đơn độc chạm cùng rượu sánh/ Ta nhận ra mình bóng chưa khuất vào đâu” (Đôi điều người chẻ đá). “Chữ nghĩa nợ bàn tay” và “bóng mình chưa khuất vào đâu” là cách nói khá sáng tạo. Cũng như chi tiết “tình phai” đầy phát hiện trong bài “Má ăn trầu”: “Má nhai móm mém miếng trầu/ Tay sơ miếng thuốc dàu dàu chát cay/ Nhìn đôi môi đỏ thâm dày/ Con giật mình sợ ngần này tình phai”. Thêm chút nữa, đây là những âm thanh, hình ảnh, màu sắc đầy tâm trạng: “Chim gù chùng võng mẹ đưa/ Mái tre vọng tiếng cũng vừa lay nghiêng/ Hời ơi! Đâu giấc bình yên/ Thương con se sẻ ngoài hiên chàng ràng/ Giờ qua giậu duối chín vàng/ Ai ngờ bụi ớt đứng bàng hoàng cay” (Những trưa chim gù). Nhiều lắm những độ lắng và cách nói vừa dân dã nồng hương Bình Định vừa tài hoa trong “Ngày rêu xanh” của Đào Viết Bửu.

Có khi anh triết lý, có khi chỉ thuần tình, có lúc ngẫu hứng một lời reo ca, một chút tỉnh tình tinh bất chợt, nhưng thơ Đào Viết Bửu là thơ thiên về tâm trạng, về những xa xót, về những khốn khó hoặc trĩu nặng hoặc chơi vơi mà hồn người vướng lụy. Có điều, chất tâm trạng lãng tử của anh khiến anh vừa chắt lọc, vừa cẩu thả, nên sắc sảo còn có khi chùng lại đơn giản và hồn nhiên trong từng bài, từng tứ thơ.

Với thơ, Đào Viết Bửu vừa nghiêm cẩn, vừa chơi cho sướng. Và chắc có không ít đồng điệu trong buổi nhiễu loạn thơ bây giờ. Xin chúc mừng và kết lại ngày rêu xanh hư thực của Đào Viết Bửu bằng giấc mơ “Cầm ngọc” của anh: “Con trai ngậm hạt nắng xanh/Ngoi lên mặt biển long lanh mắt người/ Tay em ngón sóng trùng khơi/ Chút vui cầm ngọc bỗng rời thành sương”.

  • Tuyết Nhung
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thương lắm giọng nói quê mình  (14/01/2010)
“Hát nhép” đã sinh ra... “đàn nhép”  (13/01/2010)
Hương Giang vào top 3 Đệ nhất mỹ nhân đương đại  (12/01/2010)
Buổi nói chuyện thơ cuối cùng của Xuân Diệu  (12/01/2010)
Phát hiện thùng tư liệu quý về xưởng quân giới  (12/01/2010)
35 năm - sức sống một bài ca  (12/01/2010)
Mái tóc của má   (11/01/2010)
Điều tra cho thấy Michael Jackson bị sát hại  (11/01/2010)
Thiếu những kế hoạch khả thi  (11/01/2010)
Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long: Đón 1.000 anh hùng về dự đại lễ  (10/01/2010)
Văn hóa các dân tộc thiểu số đang phôi pha?   (10/01/2010)
Nhớ tiếng hát ru, nhớ giọng hát hò   (10/01/2010)
Trò chuyện với “vua mai”   (10/01/2010)
Ít thay đổi, thiếu sinh động  (09/01/2010)
Khai mạc Hội diễn sân khấu Tuồng-Dân ca kịch toàn quốc  (08/01/2010)