|
Tấm bản đồ được vẽ từ thế kỷ 17 đang được trưng bày. |
Một tấm bản đồ thế giới hiếm có được vẽ từ năm 1602, lần đầu tiên được trưng bày ở Thư viện Quốc hội tại Washington, Mỹ.
Bản đồ do nhà truyền giáo người Italia Matteo Ricci tạo dựng vào năm 1602. Đây là một trong 2 bản duy nhất còn tồn tại trong tình trạng tốt. Chất liệu của tấm bản đồ này được làm bằng giấy hồ - một loại chất liệu được sử dụng rất phổ biến ở Trung Quốc vào thế kỷ 17.
Tấm bản đồ quý hiếm này cũng miêu tả khá chi tiết các vùng khác nhau trên thế giới. Châu Phi được ghi chú là khu vực có những ngọn núi cao nhất và những dòng sông dài nhất trên thế giới, trong khi đó Bắc Mỹ, thời kỳ đó có tên là Kanata, được coi là xứ sở của bò rừng và ngựa hoang.
Một số vùng khác ở Trung và Nam Mỹ cũng được tác giả đề cập trong tấm bản đồ như ’Watimala’ (ngày nay là Guatemala), ’Yuhot’ang’ (bang Yucatan của Mexico) và ’ChihLi’ (Chile).
Tác giả Ricci cũng miêu tả ngắn gọn về quá trình phát hiện ra châu Mỹ: “Vào thuở xa xưa, không ai biết đến những vùng đất lạ trên thế giới như Bắc và Nam Mỹ hay vịnh Magelang”, ông chú thích trên tấm bản đồ của mình. “Nhưng 100 năm cách đây, các nhà thám hiểm châu Âu đã phát hiện ra những vùng đất này".
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, đã gọi tấm bản đồ của Ricci là một “chất xúc tác cho phát triển thương mại” và nó là một mốc quan trọng trong quá trình giao thương trong thời gian đó.
Không có một tấm bản đồ tương tự nào được tìm thấy tại Trung Quốc – nơi Ricci đã từng ở và được chôn cất. Hiện tại, chỉ có một số bản sao gốc của tấm bản đồ này được tìm thấy tại thư viện của tòa thánh Vatican và trong một số bộ sưu tập của một số người sưu tập đồ cổ ở Pháp và Nhật Bản.
Bản sao đang được trưng bày tại Thư viện Quốc hội Mỹ là tấm bản đồ cổ đắt thứ 2 trên thế giới sau khi nó được thư viện James Ford Bell Trust mua vào tháng 10 vừa qua với giá 1 triệu USD. Trước đó, tấm bản đồ quý hiểm này thuộc sở hữu của một người sưu tập đồ cổ ở Nhật Bản.
Theo kế hoạch tấm bản đồ của Ricci cũng sẽ được số hóa để đưa lên mạng.
. Theo VNN/Daily Mail |