Điều 48, khoản 7, Luật Di sản văn hóa sửa đổi năm 2009 ghi rõ: “Bảo tàng có nhiệm vụ tổ chức hoạt động dịch vụ phục vụ khách tham quan phù hợp với nhiệm vụ của bảo tàng”. Hành lang pháp lý này được xem là “chìa khóa vàng” mang đến bộ mặt, sinh khí mới cho thiết chế bảo tàng. Nhưng xem ra các bảo tàng ở Bình Định vẫn còn thờ ơ với “vàng”.
|
Tại Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn) dịch vụ văn hóa hiện có chỉ là quán nước kết hợp quầy lưu niệm và tủ sách.
|
Ngay từ thời bao cấp, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã xin phép tỉnh, cơ quan quản lý sử dụng khoảng 100m2 hai bên Bảo tàng để cho tư nhân thuê làm quán bán cà phê, làm hiệu chụp ảnh. Hai dịch vụ này còn tồn tại đến nay. TS. Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, nhớ lại: “Lối suy nghĩ bảo tàng là địa chỉ văn hóa nặng tính tôn nghiêm đến giờ vẫn còn đậm trong tư duy một số nhà quản lý. Thật ra, cách chúng tôi làm chỉ là giải pháp tình thế, vừa tạo bộ mặt vui hơn cho bảo tàng khi có khách ra khách vào; mặt khác, đây cũng là nguồn thu bổ sung vào quỹ Công đoàn, mà nói thật là cũng không nhiều nhặn gì đâu”. Mươi năm trước, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cũng có một quầy hàng lưu niệm, song hoạt động èo uột chừng mấy năm rồi đành phải nghỉ vì lượng khách quá ít, số lượng mặt hàng lưu niệm đặc trưng Bình Định cũng không nhiều…
Tại Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn), dịch vụ văn hóa hiện có là quán nước kết hợp quầy lưu niệm và tủ sách. Mô hình dịch vụ này do Công đoàn quản lý, nhằm tạo nguồn thu cải thiện đời sống cho nhân viên. Điều dễ thấy là căn nhà được bố trí làm quán đã cũ kỹ, các mặt hàng lưu niệm thì nghèo nàn, trưng bày không bắt mắt. Nếu Bảo tàng Tổng hợp gặp khó khăn về mặt bằng chật hẹp, lượng khách ít thì Bảo tàng Quang Trung không vướng những vấn đề trên.
Một bảo tàng hạng 2 có lượng khách thường xuyên, đông đảo, đặc biệt trong những dịp lễ hội, mùa du lịch như Bảo tàng Quang Trung mà chỉ có một quán nước kiêm dịch vụ văn hóa… lôm côm thì quả là chuyện không chỉ lãnh đạo ngành VH,TT&DL nên để mắt tới, mà thiết nghĩ, cả lãnh đạo huyện Tây Sơn cũng nên dành thời gian góp ý.
Quay trở lại với chuyện “chìa khóa vàng”. Không phải đến Luật Di sản văn hóa sửa đổi năm 2009 thì quy định về tổ chức, kinh doanh dịch vụ văn hóa trong bảo tàng mới được đề cập, mà tại Luật Di sản văn hóa đầu tiên ban hành năm 2001 và Quy chế về chức năng, nhiệm vụ của bảo tàng, đều cho phép hoạt động trên. Sau mấy năm ban hành, nhiều bảo tàng trong cả nước đã sử dụng tốt “chìa khóa” này và tạo ra được sinh khí mới cho hoạt động của mình.
Ông Trần Xuân Cảnh, Phó Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, cho biết: “Chúng tôi vẫn đang kêu gọi đầu tư xã hội hóa cho hoạt động này”. Còn phía Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Giám đốc Đinh Bá Hòa kỳ vọng: “Đề cương trưng bày Bảo tàng Tổng hợp mới đã được UBND tỉnh thông qua ngày 14.9.2009, trong đó, ấp ủ những tiểu mục thuộc hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa tại Bảo tàng như siêu thị mini sản vật Bình Định, quầy sách, hàng lưu niệm và tranh - ảnh, tổ chức không gian ẩm thực Bình Định do các nghệ nhân dân gian trình diễn khi có tour du lịch…”.
Dịch vụ văn hóa hiện có tại hai bảo tàng lớn ở tỉnh ta chưa tốt và kéo dài trong nhiều năm xuất phát từ chỗ, những người phụ trách chỉ xem đó như một chỗ để tạo nguồn thu, góp phần chăm lo cho đời sống nhân viên. Với suy nghĩ đó, rất khó có thể cải tạo cơ sở vật chất, đầu tư cho dịch vụ, sáng tạo mẫu mã sản phẩm… Hệ quả dễ thấy trong nhiều năm qua là cách làm được chăng hay chớ, có cũng được mà không có cũng không ai… kỷ luật; không ai thấy rằng, đã đánh mất nhiều cơ hội để phát triển. Thậm chí, nếu chỉ nghĩ đến việc cải thiện đời sống, thì cách làm ấy cũng chả tăng thu thêm được bao nhiêu. Đã đến lúc cần phải có những dự án đột phá.
|