CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN THỔ CẨM BANA Ở VÂN CANH:
Nguy cơ “giữa đường đứt gánh”
10:3', 19/1/ 2010 (GMT+7)

Năm 2008, Trung tâm Khuyến công tỉnh và Phòng Công Thương huyện Vân Canh đã phối hợp tổ chức đào tạo, nâng cao nghề dệt thổ cẩm cho 25 phụ nữ ở làng Hà Văn Trên (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) theo chương trình đào tạo nghề ngắn hạn… Chương trình kết thúc đã 1 năm nhưng…

 

Từ 25 học viên ban đầu, nay đã có thêm nhiều phụ nữ khác ở làng Hà Văn Trên học được nghề dệt thổ cẩm theo công nghệ mới.
 

Được sự chỉ dạy trực tiếp bởi hai nghệ nhân từ tỉnh Ninh Thuận ra, sau hai tháng học tập, 25 học viên kể trên đã sử dụng thành thạo khung dệt thổ cẩm cải tiến. So với cách dệt thổ cẩm trên khung dệt truyền thống mà đồng bào Vân Canh vẫn sử dụng lâu nay, để tạo ra cùng một sản phẩm, khung dệt cải tiến tiết kiệm hơn một nửa thời gian. Kỹ thuật mới đã thuyết phục được bà con và từ 25 học viên ban đầu, nay đã có thêm nhiều phụ nữ khác trong làng học được nghề. Nghề dệt thổ cẩm ở Canh Thuận nhờ thế có thể nói là đã có khả năng hồi sinh.

Chị Đinh Thị Hay, một thành viên của tổ dệt, cho biết: “Ban ngày, chúng tôi làm nương rẫy, buổi tối và lúc rảnh rỗi thì dệt thổ cẩm bán cho học sinh, các đội văn nghệ… Chị em còn chủ động tham khảo nhiều mẫu trang phục nên sản phẩm làm ra có nhiều kiểu dáng, màu sắc đẹp hơn, sáng tạo hơn. Tuy nhiên, đơn hàng nói chung chỉ ở mức nhỏ lẻ…”.

Chị Đinh Thị Xuân Bông, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Canh Thuận, người được chọn đại diện 25 hội viên đi tham quan các làng nghề dệt thổ cẩm ở Ninh Thuận về phổ biến lại cách làm thổ cẩm lưu niệm du lịch, cho biết: “Tuy đã có nghề nhưng các thành viên của tổ dệt hoàn toàn chưa có khái niệm làm sản phẩm thổ cẩm lưu niệm, vẫn tuân thủ các công đoạn dệt truyền thống, như trước khi dệt, chúng tôi nấu chín nhuyễn nước gạo, rồi cho chỉ, len vào đó ngâm để sợi không bị xù lông và giữ màu. Sau đó, vớt ra, dùng lược chải sợi cho rớt các hạt gạo bám, cũng là để sợi dệt suôn mượt, phơi khô… Quá trình dệt rất tỉ mỉ, dày dặn theo kiểu “ăn chắc mặc bền”, dùng cả đời… Lâu nay, thổ cẩm dệt ra chỉ dùng cho các thành viên trong gia đình, sau khi dệt thành tấm thì bà con tự tay khâu thành áo, váy (hơi thô vụng). Trong khi đó, để bán được, sản phẩm thổ cẩm phải đẹp, tinh xảo, dệt vải xong phải mang xuống thị trấn cho thợ may chuyên nghiệp hoàn tất sản phẩm. Chính vì tốn nhiều thời gian, nhiều công đoạn, chi phí lớn nên giá thành cao gấp mấy lần sản phẩm của nơi khác”.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng Phòng Công Thương huyện Vân Canh: “Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng tìm kiếm thị trường, tìm nơi tiêu thụ cho sản phẩm. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công tỉnh và ngành Công Thương huyện cũng đang nỗ lực vận động bà con kiên trì thực hành dệt để “giữ” tay nghề. Chúng tôi đề nghị các ngành văn hóa, du lịch, đơn vị lữ hành… ủng hộ, hợp tác trong việc tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm của bà con”. 

Giá thành sản phẩm cao tất sẽ khó tiêu thụ nên dự án phục hồi, nâng cao nghề dệt thổ cẩm, nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào Bana làng Hà Văn Trên đứng sựng lại. Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Thuận, cho biết: “Chị em đều gắn bó với nghề chủ yếu là để giữ gìn nghề truyền thống. Thu nhập từ việc dệt thổ cẩm không đáng kể, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được thì mọi người cũng sẽ bỏ nghề đi làm việc khác thiết thực hơn”.

Những vướng bận như kể trên không khó tiên lượng và lẽ ra phải được tính đến từ lúc lập dự án chứ không phải đợi đến khi va chạm vào thực tế mới biết. Nếu những thợ dệt thổ cẩm kiểu mới ở Vân Canh bỏ nghề như ông Hùng dự báo, coi như chương trình dạy nghề ngắn hạn kể trên không đến đích và đã có một số tiền không nhỏ mà ngân sách đầu tư đã bị lãng phí.  

  • Sao Ly
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tổ chức Hội thi Tiếng hát hay karaoke 2010   (19/01/2010)
"Avatar" và James Cameron giành Quả Cầu Vàng  (18/01/2010)
Tượng Phan Bội Châu: Sẽ đặt bên bờ sông Hương  (17/01/2010)
Khi mùa xuân bắt đầu  (17/01/2010)
Hoa cúc nhuộm màu xuân  (17/01/2010)
Thờ ơ với “vàng”  (17/01/2010)
Bình Định đạt 6 HCV và 5 HCB  (17/01/2010)
Ngày hội ca sĩ lần này chú trọng hoạt động cộng đồng, từ thiện  (17/01/2010)
Cả nhà làm nhạc công  (16/01/2010)
Louvre là bảo tàng hút khách nhất thế giới 2009  (15/01/2010)
Một tấm bản đồ thế giới hiếm có vẽ từ năm 1602  (15/01/2010)
Gần 60 kênh sẽ gõ cửa từng nhà  (14/01/2010)
Đào Viết Bửu đã có “Ngày rêu xanh”  (14/01/2010)
Thương lắm giọng nói quê mình  (14/01/2010)
“Hát nhép” đã sinh ra... “đàn nhép”  (13/01/2010)