Gia giáo là một thành tố đặc biệt tạo thành đạo đức xã hội. Con người sinh ra, cái nên, cái hư phần nhiều bắt đầu từ môi trường gia đình. Gặp người con nên, trong làng xã, địa phương có dư luận khen “nhờ gia giáo”; gặp đứa hư, người ta lại phỏng đoán “chắc do thiếu gia giáo”.
|
Học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền, Quy Nhơn, chúc mừng cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: Hoàng Vân
|
Dân gian hiểu rằng, gia giáo là nề nếp, giáo dục của gia đình dành cho con cháu. Tùy theo độ tuổi, sự phát triển trí khôn của đứa trẻ và sự kinh lịch của ông bà, cha mẹ mà dạy bảo: Từ sơ sinh đến 5-7 tuổi thì dạy biết ông bà cha mẹ, lễ phép, vâng lời; 8-9 tuổi trở lên dạy đi thưa về trình, hiếu đễ, khuyên chăm chỉ học hành; tới tuổi trưởng thành khuyên ăn hiền ở lành, khuyên nhủ chí làm trai, nghĩa trung quân ái, lập công danh sự nghiệp… Người ta cũng hiểu, tâm đắc rằng gia giáo là những điều đã được viết trong “Gia huấn ca” của Nguyễn Trãi. Cuốn sách (dài 797 câu song thất lục bát) được mở đầu bằng câu: “Đặt quyển sách vắt tay nằm nghĩ/ Hễ làm người dạy kỹ thì nên…”. Rồi sau đó là những lời giáo huấn thật cặn kẽ, tỉ mỉ, vừa chuyện lớn vừa việc nhỏ, dành cho vợ có, dành cho con trai, con gái có. Như nhủ vợ con, sách viết: “Lời ăn nết ở cho khôn/ Chớ nên đa quá đa ngôn chút nào”; khuyên con cố học: “Ai có chí đêm ngày luyện tập/ Theo người xưa cho kịp mới nên/ Học cho hy thánh hy hiền/ Việc gì thông biết chẳng phiền lụy ai”.
Những gia đình coi trọng gia giáo thì kết quả có được những đứa con nên, tức đứa con có học, có tri thức, có đạo đức, thành đạt trong cuộc sống. Trái lại, những gia đình buông lỏng giáo dục thì con cháu hư, hư nghĩa là không thành người, không làm sao sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Và chính nó cũng là nguy cơ của sự suy sụp gia đình, ảnh hưởng xấu đối với xã hội bằng sự làm xói mòn đạo đức, phong hóa, kỷ cương phép nước...
Có những gia đình, dòng tộc, sự giáo dục đạt đến kỹ lưỡng, thành nền nếp, thành gia phong, truyền thống thì đời nào cũng có những người học giỏi, có đức độ, có tài ba. Những tên tuổi lớn xưa nay vẫn thường xuất thân từ đó. Lịch sử nước nhà ghi những tên tuổi Trần Quang Khải - Trần Nguyên Đán - Trần Nguyên Hãn- Nguyễn Trãi… là ông cha, con cháu nội ngoại một nhà; cha con ông Đặng Tất - Đặng Dung cũng vậy… Thời hiện đại có thể kể đến gia đình NGND Nguyễn Lân với các tên tuổi như GS. Nguyễn Lân Dũng, GS. Nguyễn Lân Hùng, TS. Nguyễn Lân Trung…
Sở dĩ lại nhắc đến gia giáo ấy là vì ngày nay, nhiều người chăm chắm kiếm tiền, thậm chí tham lam bất chấp lương tâm, đạo lý, luật pháp, mà quên đi mặt gia giáo; rồi từng lúc giật mình la lên rằng con cái hư, lớp trẻ hỏng, đạo đức suy đồi, xuống cấp. Ta đọc thấy báo chí đưa lên hình ảnh bà mẹ đến dự phiên tòa xử tội con, đã khóc ròng rằng, tại sao mình lại có thể sinh ra đứa con phạm tội ác đến vậy! Ta thương cho bà mẹ bất hạnh, nhưng cũng băn khoăn rằng, bà đã giáo dục con cái, giữ gìn gia giáo ra sao?
Trong bối cảnh hiện nay, rất nên đề cao truyền thống gia giáo, không nên khoán trắng cho nhà trường và xã hội. Những cá nhân hiếu học, những đứa con có hiếu, những gia đình hiếu học… nên được tôn vinh hơn nữa. Điều đó sẽ động viên, khuyến khích người ta xây dựng, giữ gìn và phát huy giá trị của gia giáo. Từ cơ sở gia giáo tốt, nhất định sẽ có thêm nhiều cá nhân tốt phụng sự cho Tổ quốc.
|