Về Mỹ Tài nghe hát dân ca
5:35', 23/1/ 2010 (GMT+7)

Khi triển khai phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xã Mỹ Tài (Phù Mỹ) đã lồng ghép dân ca vào các hoạt động, rồi đưa xuống từng thôn, xóm, nhất là phổ biến đến lớp trẻ. Việc làm này vừa đạt mục tiêu của phong trào, vừa khiến lớp trẻ có điều kiện duy trì truyền thống ham thích dân ca.

 

Khi tham dự các hội diễn của huyện, Mỹ Tài xây dựng chương trình rất công phu và luôn có chỗ cho bài chòi.

 

Ông Nguyễn Văn Thường, Phó Chủ tịch HĐND xã, cho biết phong trào hát dân ca bài chòi của Mỹ Tài có từ trước năm 1954. Các nghệ sĩ làng khi đó thường biểu diễn trên “sân khấu đất” tại Gò Mã Kiệu, và luôn có đông người đến xem. Năm 1963, với sự giúp đỡ của ông Nguyễn Nầy - một người địa phương làm việc trong Đoàn Dân ca Liên khu V, xã thành lập đội văn nghệ qui tụ được 14 người yêu thích và có năng khiếu ca hát, do ông Nguyễn Kia (anh ông Nguyễn Nầy) làm đội trưởng. Các tiểu phẩm, kịch ngắn chủ yếu do ông Chín Cặn viết ra, một số được ông Nguyễn Nầy mượn từ Đoàn Dân ca Liên khu V. Đội đã đi diễn hết thôn này đến thôn khác, góp phần khuyến khích phong trào đấu tranh chống giặc và ca ngợi những lối sống lành mạnh, trong sáng.

Năm 1968, nhờ có Đoàn văn công tỉnh do nghệ sĩ Thu An làm trưởng đoàn về đóng trên địa bàn, phong trào ca hát của xã sôi nổi hơn. Tiếng hát át tiếng bom, dù địch đóng 11 chốt quanh xã nhưng người dân vẫn tập ca tập diễn. “Cứ cách mạng giải phóng được nơi nào là chúng tôi lập tức có mặt ở nơi đó để biểu diễn. Phong trào của xã hoàn toàn tự phát, không ai được công nhận là diễn viên, nghệ sĩ, nhưng đam mê ca hát luôn cháy bỏng trong mỗi người” - ông Thường nhớ lại. Từ năm 1990 đến nay, tuy xã không còn đội văn nghệ nữa, nhưng niềm đam mê dân ca như dòng nước ngầm vẫn âm thầm chảy trong dân. Xã Mỹ Tài có thuận lợi rất lớn về nhân lực, về sáng tác có Nguyễn Đình Đông, Nguyễn Văn Thường - hướng dẫn ca diễn, đặc biệt là các giọng ca Nguyễn Văn Ửng, Nguyễn Văn Thiếu, Đặng Văn Bảy, Thái Thị Lan, Tô Thị Bích Lan… Tất cả đều yêu thích ca hát, nhiệt tình với phong trào và sẵn sàng tham gia các đợt biểu diễn.

Ông Nguyễn Ngọc Đắc, Giám đốc Trung tâm VH-TT và TT huyện nhận xét, dân Mỹ Tài thiết tha với bài chòi, nên phong trào nơi đây bao năm qua luôn sôi nổi. Khi tham dự các hội diễn của huyện, Mỹ Tài xây dựng chương trình rất công phu và luôn có chỗ cho bài  chòi. Đội ngũ diễn viên của Mỹ Tài thuộc loại “ngon” nhất huyện và họ chưa bao giờ để xảy ra chuyện mượn người, 100% cây nhà lá vườn!.

Ông Hồ Văn Long, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết thêm: “Những năm trước, thông qua phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chúng tôi thử lồng ghép dân ca vào các hoạt động, rồi đưa xuống từng thôn, xóm, nhất là phổ biến đến lớp trẻ. Kết quả thu được rất đáng phấn khởi khi người dân hưởng ứng nhiệt thành… Lớp trẻ nhiều em ham thích lắm, nhưng không có những hoạt động bài bản, nên việc hướng dẫn, truyền dạy gặp khó khăn. Xã đã có đầy đủ các điều kiện để thành lập một đội văn nghệ, nhưng mãi mà chưa thành lập được vì không có tiền để nuôi!”.

  • Ngọc Tú
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
New York Times sắp thu phí báo mạng  (22/01/2010)
Sự khẳng định của đất tuồng và bài chòi  (21/01/2010)
Hơn 1,1 triệu USD bảo tồn khu Hoàng thành  (20/01/2010)
Tranh của Quang Dũng bán được 10 nghìn USD  (20/01/2010)
Tranh Đông Hồ ứng cử Di sản văn hóa thế giới  (20/01/2010)
Nghĩ về gia giáo  (20/01/2010)
Đừng tự dày vò trái tim mình   (19/01/2010)
Nguy cơ “giữa đường đứt gánh”   (19/01/2010)
Tổ chức Hội thi Tiếng hát hay karaoke 2010   (19/01/2010)
"Avatar" và James Cameron giành Quả Cầu Vàng  (18/01/2010)
Tượng Phan Bội Châu: Sẽ đặt bên bờ sông Hương  (17/01/2010)
Khi mùa xuân bắt đầu  (17/01/2010)
Hoa cúc nhuộm màu xuân  (17/01/2010)
Thờ ơ với “vàng”  (17/01/2010)
Bình Định đạt 6 HCV và 5 HCB  (17/01/2010)