Những tác phẩm phối cây lên đá tuyệt đẹp khiến nhiều người bật lên ham muốn sở hữu. Nhưng không phải ai cũng đủ tiền để mua hoặc có cây để phối. Từ nhu cầu này, một biến thể của “phối cây lên đá” xuất hiện: ký cây lên đá.
Khi đã phối lên đá, cây sống chủ yếu nhờ nước thông qua bộ rễ phụ, lớn rất chậm. Vì thế đó phải là những cây sanh đẹp, đạt đến mức hoàn chỉnh. Cây kiểng được chọn đem phối đá ở ta hầu hết là cây sanh. Một cây sanh đẹp tùy kích cỡ, dáng thế sẽ có giá cao thấp khác nhau, nhưng điểm giống nhau là khá nhiều tiền. Để thỏa mãn nhu cầu sở hữu những bức tranh cây kiểng hoàn chỉnh như thế trong điều kiện tài chính hạn hẹp, người ta đã chọn ký cây lên đá.
|
“Ngọa tùng”, một tác phẩm ký cây lên đá do Trần Hoàng – Nguyễn Văn Quá thực hiện. |
1 .
Về kỹ thuật, ký cây lên đá cũng tương tự như phối cây, nhưng điểm khác cơ bản là khi được đem “ký”, cây vẫn tiếp tục phát triển trong nồi đất được khéo léo giấu vào bên trong lòng khối đá san hô. Chính nhờ đặc điểm này mà gần như loại cây nào, kể cả những cây không có rễ phụ như tùng, mai chiếu thủy, thông, nguyệt quế, cần thăng, trắc gai… đều có thể đem ký. Anh Trần Hoàng (Quy Nhơn), một người chơi cây cảnh chuyên nghiệp cho biết: “Nhiều người muốn trình diễn vẻ đẹp một cái cây mình thích, nhưng nếu cái cây ấy không có rễ phụ thì không thể phối lên đá. Ví dụ, đem một cây nguyệt quế mà phối lên đá thì chết là cái chắc, vì nó thiếu môi trường sống. Nhưng hoàn toàn có thể đem ký lên đá sau khi thiết kế phần bệ - phông nền tương xứng… Chính nhờ đặc điểm này mà người ta có thể mở rộng tối đa khả năng trình diễn của bonsai!”.
Bởi cây được chọn đem phối là những cái cây đẹp, hoàn chỉnh, nên khi thiết kế bệ - phông nền, người ta thường sáng tạo đến mức trọn vẹn, lột tả đầy đủ vẻ đẹp của nó từ nhiều góc độ. Cây cảnh được phối càng lâu năm càng đẹp nhờ bộ rễ đan kín nền đá. Trừ khi đó là một tác phẩm thất bại, không ai lại dỡ một cái cây đã phối ra để nuôi lại theo cách thông thường. Nhưng người ta hoàn toàn có thể làm như thế khi ký cây. Nếu việc phối cây lên đá sẽ tạo ra một tác phẩm trọn vẹn, hoàn chỉnh thì kỹ thuật ký cây lên cảnh còn có thể tạo ra những trích đoạn để đặc tả. Và người ta có thể chỉnh sửa trích đoạn này bất cứ lúc nào nếu muốn.
|
Để có một tác phẩm ký cây lên đá đẹp, khi chế tác phông nền phải đục, trổ gân đá sao cho khi lên rêu sẽ lộ ra những đường nét nông sâu, xa gần, đậm nhạt… - Trong ảnh: Anh Nguyễn Văn Quá đang chế tác phông nền cho một tác phẩm ký cây lên đá. |
2 .
Cũng giống như phối cây lên đá, người làm cây cảnh khi chế tác bệ - phông nền để ký cũng nhắm tới việc tạo ra gân, sớ, mảng khối trên đá sao cho hài hòa để vẻ đẹp của cây bật lên! Điểm thể hiện sự sáng tạo của người chế tác là tạo hình cho đá mang vẻ đẹp của một tác phẩm nghệ thuật, hài hòa với cây. Nhưng đồng thời, cũng phải tính toán sao cho đủ đất để cây sống nhưng không quá lớn, không làm vỡ sự hài hòa, cân đối giữa cây và phông nền.
Anh Nguyễn Văn Quá, một người thợ chuyên phối cây, ký cây lên đá, cho biết: Cây đem phối chủ yếu sống nhờ việc hút nước thẩm thấu, khi rễ bắt đầu bám đá là ổn. Tác phẩm ký cây lên đá không cần tính đến phần chạy rễ, nhưng phải được trù liệu thật kỹ để cây sống và phát triển ổn định với nồi đất mới. Mặt khác, do không có rễ phụ bò bám, chạy trên nền, nên khi chế tác bệ - phông nền mình phải đục, trổ gân đá sao cho khi lên rêu sẽ lộ ra những đường nét nông sâu, xa gần, đậm nhạt; phải tính đến những khoảnh đất để cỏ mọc tự nhiên, hợp lý…”.
Chính nhờ kỹ thuật ký cây mà trong giới cây cảnh bắt đầu xuất hiện những bức tranh bonsai có hương, có sắc, bởi loại cây được chọn đem ký là nguyệt quế, ngâu, kim quýt… Phong trào ký cây lên đá nở rộ đến mức nhiều người trước đây lỡ đem những cái cây chưa hoàn chỉnh phối lên đá, nay bèn đục dỡ ra chuyển sang hình thức ký cây, để vừa nuôi cây lớn, vừa thưởng lãm theo ý thích.
|