Sau rất nhiều tranh cãi, thảo luận, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã quyết định tổ chức lễ hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông vào sáng nay, 25.1, tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa.
|
Thi hài vua Lê Dụ Tông
|
Trong lịch sử VN, hiếm có vị vua nào sau khi qua đời mà thi hài lại trải qua một hành trình vất vả và nhiều sóng gió như vua Lê Dụ Tông trước khi được hoàn táng. Ngay cả địa điểm hoàn táng thi hài vua cũng đã gây ra nhiều cuộc tranh luận trong chính quyền, dòng họ, làng xã. Cuối cùng, với sự góp ý của nhiều nhà khoa học, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội đồng Họ Lê ở VN cùng UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định địa điểm hoàn táng tại ngay nơi phát hiện thi hài vua vào tháng 2.1958 ở làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân.
Tranh luận gay go
Vua Lê Dụ Tông (1680 - 1731) là con trưởng của vua Lê Hy Tông, ở ngôi 24 năm (1705 - 1729). Ông được xem là vị vua anh minh của triều đại Hậu Lê, người có công trong việc đòi lại đất bị xâm chiếm trong thời gian trị vì.
Mộ vua Lê Dụ Tông được phát hiện ngẫu nhiên vào tháng 2.1958 tại làng Bái Trạch. Đầu năm 1964, ngôi mộ được khai quật, quan tài được đưa về Bảo tàng Lịch sử VN lưu giữ và nghiên cứu. Ngày 2.4.1964, Bảo tàng Lịch sử VN phối hợp với các giáo sư, bác sĩ của Trường ĐH Y Hà Nội và Viện Giải phẫu tổ chức mở quan tài trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đại diện các cơ quan chức năng. Từ năm 1964 đến nay, thi hài vua Lê Dụ Tông được bảo quản trong môi trường ổn định, hiện vẫn giữ được tình trạng tốt nhất.
Do nhiều thủ tục thờ cúng rườm rà khi thi hài vua Lê Dụ Tông được quàn tại Bảo tàng Lịch sử VN, năm 1996, Hội đồng Họ Lê ở VN xin đưa về hoàn táng tại Thanh Hóa. Do còn có ý kiến không đồng thuận nên việc này chưa được giải quyết. Đến tháng 10.2006, Hội đồng Họ Lê ở VN tiếp tục có văn bản đề nghị đưa thi hài vua về hoàn táng tại Thanh Hóa.
Cuộc tranh luận gay go khi tìm kiếm địa điểm hoàn táng thi hài vua cũng làm đau đầu con cháu dòng họ Lê cũng như các cấp chính quyền trong 10 năm qua. Thi hài vua được phát hiện ở xã Xuân Giang nhưng một số người trong dòng tộc Lê lại muốn quy tập mộ chí các vua thời Lê Trung hưng vào cùng một mối ở xã Xuân Quang do ở đây có phong thủy tốt, lại đã có phần mộ các vua Lê Huyền Tông, Lê Hiển Tông và Lê Chiêu Thống.
Hơn nữa, Xuân Quang có đường ô tô khá thuận tiện, khu đất ở đây lại bằng phẳng, không có nhà dân phải giải tỏa. Trong khi đó, đất nơi phần mộ cũ của vua Lê Dụ Tông đã được chia cho nhiều hộ dân sinh sống, nếu hoàn táng ở đây sẽ phải giải tỏa. Hai xã Xuân Giang và Xuân Quang nằm liền kề nhau, chỉ cách một dòng sông.
Người dân Xuân Giang lại cho rằng việc chôn cất vua ở Xuân Quang là không hợp lý vì thi hài vốn được tìm thấy trên đất Xuân Giang. Trưởng Ban Nghi lễ họ Lê, ông Lê Bật Chính, đại diện cho hơn 6 triệu con cháu dòng họ Lê, quả quyết theo lịch sử, Xuân Giang không phải là nơi đầu tiên chôn cất vua Lê Dụ Tông mà thi hài vua đã được chôn cất và di chuyển nhiều nơi.
Trước khi được chôn cất ở Xuân Giang, vua đã được chôn ở lăng Cổ Đô, xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa. Mộ vua bị di chuyển vì con trai của ông là Lê Duy Mật đã từng khởi nghĩa chống lại chúa Trịnh nhưng thất bại. Do sợ bị phá, Lê Duy Mật đã phải chuyển mộ cha đi nơi khác.
|
cùng một số đồ tùy táng (long bào và khăn phủ mặt) khai quật tại khu mộ ở làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa vào đầu năm 1964
|
Kết hợp nghi thức truyền thống và hiện hành
Mộ vua Lê Dụ Tông có chất liệu tốt nhất trong số những ngôi mộ hợp chất đã được phát hiện ở VN. Đây là thi hài duy nhất của các bậc đế vương nước ta được phát hiện còn nguyên vẹn. Thi hài vua có điểm đặc biệt: Sử dụng kỹ thuật ướp xác không cần loại bỏ não và nội tạng. Với táng thức độc đáo, mộ vua và những đồ tùy táng được bảo quản rất tốt.
Tại buổi họp báo ngày 21.1, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng, Trưởng Ban Tổ chức lễ hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông, cho biết do đây không phải lễ an táng (lần đầu), quy định hiện nay cũng không phù hợp với thời phong kiến nên bộ đã thống nhất tổ chức lễ hoàn táng kết hợp giữa nghi thức truyền thống với nghi thức hiện hành để bảo đảm sự trang trọng. Địa điểm hoàn táng cũng đã được sửa sang, nâng cấp trang trọng và theo phương thức truyền thống trong quan, ngoài quách. Khu lăng mộ rộng 5.000 m² và các hộ dân xung quanh đã tự nguyện giải tỏa để tạo dựng một khu lăng tẩm đẹp, trang nghiêm, rộng rãi.
Kể từ khi được phát hiện đến nay, dù quan tài của vua Lê Dụ Tông và đồ tùy táng được bảo quản trong điều kiện tốt nhất nhưng vẫn không thể sử dụng lại. Do đó, ban tổ chức quyết định làm áo quan và những đồ tùy táng mới. Áo quan này được làm từ cây gỗ Ngọc Am theo đúng chất liệu, kích thước, mẫu mã, hoa văn áo quan của vua Lê Dụ Tông khi phát hiện. Quan tài này nặng gần 800 kg. Những đồ tùy táng cũng sẽ được làm đúng chất liệu, mẫu mã, hoa văn, họa tiết như những đồ tùy táng đã được phát hiện năm 1958.
Lễ hoàn táng kéo dài 10 giờ
Lễ khâm liệm và nhập quan thi hài vua Lê Dụ Tông sẽ bắt đầu tại Bảo tàng Lịch sử VN – Hà Nội. Sau đó, đội nghi thức đưa quan tài và linh vị lên xe.
Lộ trình từ Hà Nội vào Thanh Hóa như sau: Xuất hành từ Bảo tàng Lịch sử VN, đi theo đường Láng - Hòa Lạc - đường Hồ Chí Minh vào Lam Kinh - làng Bái Trạch. Đến Lam Kinh, đoàn sẽ dừng lại 10 phút để làm lễ yết cáo tổ tiên. Sau đó là lễ hạ huyệt và thực hiện lấp mộ, đọc văn tế, tiến hành lễ theo nghi thức truyền thống. Toàn bộ lễ hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông diễn ra từ 1 giờ đến 11 giờ ngày 25.1. |
. Theo NLĐO |