Hát nhép (lip-sync), tức là dùng giọng hát thu sẵn trong băng, đĩa phát ra thay cho giọng hát thật khi trình diễn. Nhiều người vẫn nghĩ, chỉ ở những thành phố lớn mới có chuyện “bán hàng giả” này, chứ ở “xứ vườn” như Bình Định chẳng có cái tệ ấy. Nhưng thực tế không hẳn như vậy.
|
Tiếng hát thật bao giờ cũng được trân trọng. - Trong ảnh: Chỉ là một điểm cà phê ca nhạc hàng tuần, nhưng tại dạ quán Trịnh Công Sơn, chương trình được thiết kế nghiêm túc và tuyệt đối không có chuyện hát nhép.
|
1.
Ở TP Quy Nhơn hàng đêm có ít nhất 4 tụ điểm ca nhạc hoạt động; chưa kể đến những lần hội nghị, đám, tiệc diễn ra cùng thời gian. Số lượng ca sĩ thường xuyên biểu diễn tại các tụ điểm chỉ chừng mươi người. Điều đáng mừng là lâu nay, các ca sĩ luôn cống hiến cho khán giả những ca khúc bằng chính giọng hát thật của mình. Ca sĩ trẻ Uyên Trinh thổ lộ: “Phần lớn ca sĩ Bình Định gắn bó với nghề là vì yêu thích ca hát. Được hát, được biểu diễn là một niềm hạnh phúc, nên ai cũng mong muốn có cơ hội để thể hiện mình, được khoe giọng hát. Luyện nhép cho khớp miệng, tôi nghĩ phải khó hơn hát bằng chính giọng thật của mình…”.
Thế nhưng, ở Bình Định cũng có hát nhép tuy không nhiều. Cái tệ hát nhép bắt đầu từ việc các truyền hình chọn cách làm an toàn, nhất là khi thực hiện những chương trình truyền hình trực tiếp. Biên tập viên Khắc Hùng, Phó Ban Văn nghệ Đài PT-TH Bình Định, giải thích: “Với các tiết mục sử dụng nhiều loại nhạc cụ, nhiều người hát, diễn ra ở những khung cảnh không đảm bảo chất lượng âm thanh, nhà đài phải thu âm trước, chứ không thể để xảy ra sự cố. Đây là vấn đề về kỹ thuật truyền hình, mà hầu như địa phương nào, kể cả Đài Truyền hình Việt Nam, cũng áp dụng”.
Bên cạnh đó, trong một vài cuộc thi nhóm hát ở TP Quy Nhơn, vẫn có trường hợp hát nhép. Một thành viên trong Ban giám khảo Liên hoan Các nhóm ca khúc cách mạng, vừa được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh vào tháng trước, tiết lộ, có một nhóm tham dự Liên hoan bị phát hiện nhép phần bè, Ban giám khảo đã quyết định trừ điểm để phạt cảnh cáo.
2.
Tất nhiên không khán giả nào lại muốn nghe “tiếng hát giả”. Chị Hồng Phương (ở đường Bạch Đằng, Quy Nhơn) bày tỏ: “Bỏ tiền đến xem ca sĩ hát nhép thì tôi chẳng thà ở nhà nghe băng, đĩa cho rồi. Vả lại, hát nhép sẽ tạo ra sự bất công giữa người hát nhép với người hát bằng giọng thật. Khán giả không biết sẽ chê người này hát dở hơn người kia”.
Gần đây, việc kiểm tra hát nhép trong các chương trình do các đoàn nghệ thuật và một số ca sĩ nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh đến Bình Định biểu diễn được Sở VH,TT&DL chú trọng. Ông Bùi Việt Thanh, Phó Phòng nghiệp vụ của Sở, cho biết: “Chỉ cần yêu cầu người làm âm thanh tắt micro một lúc là có thể phát hiện ca sĩ có hát nhép hay không. Chúng tôi sẽ siết chặt việc kiểm tra này, để đảm bảo không có tình trạng “bán hàng giả lấy tiền thật” xảy ra”.
Tại Hội thảo nghề nghiệp, một trong những hoạt động của Ngày hội ca sĩ lần thứ tư vừa diễn ra tại Bình Định, với sự có mặt của hơn 200 ca sĩ, nghệ sĩ, chuyện hát nhép lại được đưa ra thảo luận. Một số ca sĩ đã thẳng thắn thừa nhận, mình từng hát nhép và cho biết rất áy náy với việc đã làm, vì đã là ca sĩ thì được hát là điều hạnh phúc. Phần lớn các ca sĩ tại Hội thảo đều thống nhất phải tẩy chay vấn nạn này, để tạo ra môi trường âm nhạc trong sạch, xứng đáng với sự mến mộ của khán giả.
Ở Bình Định, tệ hát nhép không nhiều và ngay cả những trường hợp có lý do, nếu khán giả biết, họ cũng sẽ phản đối, tẩy chay. Khi để xảy ra chuyện hát nhép, chính những người làm chương trình, các ca sĩ đã không tôn trọng khán giả, nghề nghiệp của mình và chính mình.
|