“Tuế trống”
9:19', 28/1/ 2010 (GMT+7)

Thấy các con mê chơi trống nhưng hàng mua ở Sài Gòn vừa đắt vừa không được như ý, ông Đàm Văn Tuế (219 Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) bèn mua phụ kiện về mày mò thử làm trống cho con chơi… Không ngờ cái việc “chiều con” lại khiến ông thành danh “ Tuế trống” hơn 30 năm nay…

 

Ông Tuế đang làm trống tại nhà.

 

Thời trai trẻ ông Đàm Văn Tuế chọn nghề thợ may để kiếm sống. Được ít lâu, ông chuyển sang học nghề sửa chữa đồ điện tử. Sau ngày giải phóng (năm 1975) ông phụ trách khâu kỹ thuật ở Đài truyền thanh cơ sở phường Lê Hồng Phong. Cống hiến hết mình cho công việc đến tận năm 68 tuổi, ông Tuế về hưu với tấm Huy chương Vì sự nghiệp phát thanh do Đài Tiếng nói Việt Nam trao tặng. Ông coi đó là nghề chính của mình. Nhưng làm trống cũng là ngón nghề nuôi sống ông.

Ông Tuế kể: “Các con trai đều mê chơi trống, nên vợ chồng tôi đã cố gắng dành dụm đặt mua ở Sài Gòn bộ trống trị giá gần cả nửa cây vàng. Sau đó, thấy trống có âm thanh chưa hay, giá thành lại đắt, tôi bèn mua phụ kiện về nghiên cứu để thử làm theo mẫu trống của người ta. Có ngờ đâu trống mình làm ra được các con rất thích đem đi biểu diễn, nhiều người quen biết đến đặt hàng. Mình từ chối không nỡ, riết một hồi “dính” thêm nghề làm trống. Thế là ban ngày làm việc ở cơ quan, tối về có thời gian rảnh lại lôi đồ nghề ra làm trống…”.

Khi đó, mỗi tháng ông Tuế chỉ làm lai rai vài ba bộ trống cho khách đặt hàng. Cách đây chừng 10 năm, khi đã nghỉ hưu, ông Tuế bắt đầu làm nhiều hơn để đem bày bán ngay tại nhà.

Dẫn khách lên tham gia nơi chế tác trống đặt trên căn gác nhỏ ở tầng ba, ông Tuế giảng giải: “Một số phụ kiện như con sò, vành, mặt da trống phải đặt hàng nơi chuyên sản xuất chứ không thể tự làm được. Mình chỉ làm thêm thùng trống để lắp ghép các phụ kiện thành trống hoàn chỉnh. Thường người ta làm thùng trống chỉ cao có 2 tấc và bên trong chỉ lót một lớp ván ép; còn tôi thì nghiên cứu làm thùng trống cao 3 tấc và bên trong lót hai lớp ván ép. Muốn làm trống đạt chất lượng, phải gò uốn thùng trống cho đều đẹp, ván ép lót bên trong phải chọn cho được loại phù hợp. Tôi thấy, nếu bịt 2 mặt da trống thì khi đánh sẽ không thoát hơi, nên chỉ bịt một mặt trống vô vành làm sao cho thật đều. Nhờ vậy, mới tạo được âm thanh hay riêng cho trống…”.

Tiếng tốt đồn xa, trống ông Tuế được giới nhạc công trong tỉnh ưa chuộng. Nhiều khách hàng ở các tỉnh thành lân cận như Phú Yên, Quảng Ngãi… cũng tìm đến đặt mua. Anh Xuân Hải, một nhạc công ở TP Tuy Hòa, cho biết: “Tôi là khách hàng mua trống của ông Tuế đã nhiều năm nay. So với bộ trống cùng loại ở Sài Gòn, trống ông Tuế rẻ hơn gần một nửa, nhưng kiểu dáng đẹp, âm thanh ấm hơn…”. Khi mới làm trống, ông Tuế phải mất cả tuần mới làm xong một bộ 5 chiếc trống khác nhau như các trống bass, timpano, tom… Nhưng sau này đạt đến tay nghề cao, ông Tuế đã rút ngắn thời gian chỉ còn lại ba ngày. Đến nay, với thâm niên hơn 30 năm trong nghề, cả ngàn bộ trống “thương hiệu ông Tuế” đã được sản xuất để góp phần tạo nên âm nhạc rộn rã cho những sự kiện, cuộc vui ở khắp mọi nơi.

“Trống là nhạc cụ mang nhiều ý nghĩa thiết thực với gia đình tôi. Các con trai tôi từ niềm đam mê trống mà có được công việc ổn định như ngày nay. Nghề làm trống cũng đem đến cho tôi nhiều đam mê và niềm vui trong cuộc sống. Hiện tại đã gần 80 tuổi, sức khỏe ngày càng yếu dần, nhưng tôi vẫn sẽ cố gắng giữ nghề đến khi nào có thể…” - ông Tuế tươi cười.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đón 1.000 Anh hùng và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng về dự  (28/01/2010)
Ở Bình Định có hát nhép không?  (28/01/2010)
Việt Nam đoạt giải Liên hoan Nhiếp ảnh toàn cầu   (27/01/2010)
“Con nhà tông” khẳng định mình  (26/01/2010)
Hành trình 46 năm sóng gió  (25/01/2010)
"Đồng hồ treo tường" đoạt giải Bài hát Việt 2009  (25/01/2010)
Thêm một cơ hội quảng bá cho Quy Nhơn  (25/01/2010)
16 cá nhân và 2 tập thể nhận giải Mai Vàng 2009  (24/01/2010)
Ký cây lên đá   (24/01/2010)
Nghèo và ít được bổ sung   (24/01/2010)
Quy Nhơn là một thành phố biển xinh đẹp   (24/01/2010)
Về Mỹ Tài nghe hát dân ca  (23/01/2010)
New York Times sắp thu phí báo mạng  (22/01/2010)
Sự khẳng định của đất tuồng và bài chòi  (21/01/2010)
Hơn 1,1 triệu USD bảo tồn khu Hoàng thành  (20/01/2010)