Mấy tháng qua, các thôn bản Chăm (Vân Canh) và H’rê (An Lão) xôn xao trước việc bộ tài liệu giảng dạy tiếng của dân tộc mình sắp được đưa ra nghiệm thu, sau đó, sẽ phổ biến rộng rãi. Một già làng H’rê không nén nổi niềm xúc động: Nhất định mình phải học để viết cái chữ của dân tộc mình…
|
Dù hai bộ tài liệu giảng dạy tiếng Chăm, H’rê chưa được ban hành, nhưng kết quả nghiên cứu đã có bước tiến dài và là tin mừng với đồng bào Chăm và H’rê.
|
1.
“Nông dân làm nhà nghiên cứu ngôn ngữ, ôi… khó đủ điều!” - đó là cách nói hóm hỉnh của bà Đinh Thị Ngát - một người giàu tâm huyết với chữ viết Chăm ở Vân Canh, khi đề cập đến các việc biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung tài liệu tiếng dân tộc Chăm và H’rê. Tâm huyết của họ với ngôn ngữ, văn tự của dân tộc mình là điều không còn bàn cãi; nhưng việc nghiên cứu ngôn ngữ, biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung tài liệu thì không ai có chuyên môn. Chính vì thế, nên hai bộ tài liệu không thể tránh được những thiếu sót. Ngay cả Ban Chỉnh sửa, bổ sung tài liệu khi làm việc cũng ngỡ rằng các bộ tài liệu, sau khi được nghiệm thu, sẽ đem giảng dạy phổ biến rộng rãi cho đồng bào. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ công chức - Bộ Nội vụ, đã khẳng định, những tài liệu này chỉ dùng phục vụ cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức làm việc ở các địa phương có người Chăm và H’rê. Cấu trúc bài dạy trong các tài liệu chưa lôgích, hợp lý. Một số câu, đoạn và văn được in song ngữ Việt-Chăm, hoặc Việt-H’rê, nhưng phần tiếng Việt còn lủng củng, chưa trong sáng…
Tại Hội nghị Thẩm định, nghiệm thu, chỉnh sửa hai bộ tài liệu trên vừa được tổ chức, các Ban Chỉnh sửa đã đưa ra những đề xuất. Chẳng hạn, chữ Chăm cần bổ sung 3 loại dấu và một số dấu nhấn, bổ sung chữ D vào bảng chữ cái và danh mục vần A, B, C… chỉnh sửa và hoán vị vị trí một số chữ cho phù hợp với âm ngữ thực tế… Với tiếng H’rê, nên điều chỉnh chữ u thành ư, vì người H’rê An Lão thường phát âm chữ ư. Ngoài ra, nên thống nhất một loại chữ giữa người H’rê An Lão và H’rê Quảng Ngãi.
2.
Tất cả các ý kiến góp ý, phê bình kể cả phản biện tại Hội nghị Thẩm định, nghiệm thu, chỉnh sửa hai bộ tài liệu trên đều rất tha thiết với việc sớm đưa chữ viết về thôn bản và vào trường học. Ông Phan Văn Hiệp, một thành viên trong Ban Chỉnh sửa cho biết, dân tộc H’rê trước giờ chỉ có tiếng nói, chưa hề biết viết chữ. Vì vậy, bà con đang rất phấn khởi và nóng lòng được nhìn thấy con chữ của dân tộc mình. Một số ý kiến khác cho rằng, nên làm từ điển hoặc lập tủ sách. Tuy nhiên, cần phải xác nhận với nhau rằng, sẽ còn rất lâu ước mong đó mới thành hiện thực.
Ông Đinh Y Nam, Quyền Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đa số có tiếng nói nhưng không có chữ viết. Các dân tộc ở Bình Định cũng vậy. Vì thế, việc ra đời hai bộ tài liệu kể trên khiến bà con Chăm và H’rê rất phấn khởi. Thế nhưng, điều cần làm hiện nay là phải đào tạo đội ngũ giáo viên biết đọc, biết viết tiếng Chăm và H’rê, để sau này có thể đứng lớp. Sau khi hoàn chỉnh hai bộ tài liệu này, cùng với sự phát triển của nó khi va chạm thực tế, sẽ tiếp tục hiệu chỉnh và soạn các bộ sách giáo khoa. Khi được thông qua, mới đưa vào giảng dạy chính thức trong trường học. Về lâu dài, cần có những nghiên cứu sâu hơn về lịch sử, văn hóa; đặc biệt là phải truyền được “lửa” cho lớp trẻ, để đảm bảo những người tâm huyết lớn tuổi hiện tại mất đi, vẫn có đội ngũ kế thừa và phát huy”.
Mặc dù đánh giá cao chất lượng của hai bộ tài liệu, nhưng Hội nghị Thẩm định, nghiệm thu đã khép lại với đa số ý kiến là hai bộ tài liệu cần được chỉnh sửa, bổ sung thêm trước khi ban hành. Bước tiến dài đó thật sự là tin mừng với đồng bào Chăm và H’rê. Ba cô giáo trẻ Lê Thị Kim Nhị, Mai Thị Bích Liên và Trần Thị Hà, đều người Chăm ở Vân Canh, hiện đang dạy tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Vân Canh, hồ hởi cho biết: “Tụi em trông mong đến ngày được cầm trên tay tập giáo án dạy tiếng Chăm, và tự hào nói, viết bằng ngôn ngữ của mình trước học sinh. Hy vọng, chúng em sẽ không phải đợi quá lâu”.
“Mọi công việc chỉnh sửa, bổ sung sẽ phải hoàn thành vào cuối tháng 2.2010, để sớm ban hành tài liệu. Ngoài ra, cần sớm hình thành, đào tạo đội ngũ giáo viên biết tiếng Chăm và H’rê. Căn cứ vào tình hình thực tế, các cơ quan, ban, ngành liên quan đề xuất chế độ cho giáo viên, và nếu cần thiết cho cả những người học các ngôn ngữ này...”.
(Bà NGUYỄN THỊ THANH BÌNH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định, nghiệm thu hai bộ tài liệu). |
|