Mấy tháng qua, tại lớp học đàn của CLB Làn sóng xanh (chi nhánh Nhà Văn hóa Lao động tỉnh) xuất hiện một học viên người nước ngoài luôn chăm chỉ ngồi tập đàn tranh. Cô là Ly Wiegand, 19 tuổi, một tình nguyện viên người Đức.
Ly bắt đầu câu chuyện rất cởi mở: “Mẹ tôi là người Việt, trong tôi đang chảy hai dòng máu Đức - Việt. Ông ngoại tôi quê ở An Thái (An Nhơn). Ở đó, tôi còn một số người bà con. Thỉnh thoảng, tôi vẫn về quê thăm họ hàng. Ngược lại, bà con cũng thường vào thăm gia đình tôi ở Quy Nhơn. Tôi rất quí họ, chỉ có điều tôi chưa trò chuyện được nhiều vì vốn tiếng Việt còn ít ỏi. Hy vọng, với công việc tại Cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Nguyễn Nga (TP Quy Nhơn) tôi sẽ nhanh chóng làm giàu vốn liếng tiếng mẹ”.
|
Ở lớp, Ly luôn chăm chú tiếp thu và luyện tập đàn tranh. |
Hồi nhỏ, một vài lần Ly được bố mẹ dẫn về Việt Nam thăm bà con, họ hàng và đi du lịch. Năm Ly 6 tuổi, khi đi nghe hòa nhạc ở Hà Nội, hình ảnh người nghệ sĩ và cây đàn tranh đã thu hút sự chú ý của cô. Ly nhớ lại: “Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một cây đàn tranh. Ở Đức không có loại đàn này. Tôi thấy thích nó ngay lập tức và mong ước một ngày nào đó, chính mình cũng có thể điều khiển loại nhạc cụ này”.
Trở về Đức, Ly tìm kiếm, đọc nhiều tài liệu và nghe các bản nhạc có sử dụng đàn tranh trên internet. Khi biết đàn tranh là loại nhạc cụ thuần Việt Nam, Ly càng khát khao học đàn. Lần này qua Việt Nam, Ly làm tình nguyện viên tại Bình Định trong 2 năm, và một trong những điều đầu tiên mà cô tính đến là học đàn tranh. Được mẹ giới thiệu và tư vấn, Ly đăng ký học đàn tại CLB Làn sóng xanh do cô Thanh Hoàng phụ trách.
Ly tâm sự: “Càng học đàn tranh, tôi càng thấy thích. Âm thanh hay, đàn đẹp; ngoài ra, qua việc học đàn, tôi còn rèn cho mình nhiều đức tính tốt như sự kiên nhẫn, khéo léo, tính tập trung và luôn thấy vui mỗi lần đến lớp. Giáng sinh năm 2009, bố mẹ đã giành cho tôi một bất ngờ, khi tặng một cây đàn tranh tuyệt đẹp. Nhờ vậy, tôi có nhiều cơ hội tập luyện hơn. Hiện tôi đã tập được 3 bài hát Việt Nam. Lúc nào học được bài mới, tôi cũng về đàn cho cả nhà nghe. Đặc biệt, bố tôi rất thích nghe tôi tấu những ca khúc Việt Nam”.
Chị Thanh Hoàng, người dạy đàn cho Ly, nhận xét: “Ly là một học viên nghiêm túc, chuyên cần và chịu khó tập luyện. Sắp tới, tôi sẽ dạy thêm cho Ly một số bài mới, đặc biệt là bài hát “Quê hương” mà mẹ Ly rất thích”.
Từ việc yêu thích đàn tranh, Ly đã bật lên ham muốn tìm hiểu về văn hóa Việt, bởi cô gái này ngày càng thấy yêu quê mẹ nhiều hơn. Và đó cũng là điều khiến mẹ cô rất vui.
“Tôi có khá nhiều bạn bè mang hai dòng máu Việt- Đức như tôi. Một số có cha mẹ là người Việt, nhưng được sinh tại Đức, nên họ không hề biết gì về đàn tranh. Khi tôi gởi hình chụp cùng với đàn tranh sang tặng họ, ai cũng thích và mong tôi sớm về Đức để được nghe tôi đàn”- Ly hồ hởi nói.
|