Nguyễn Bính - Những mùa xuân tha hương
17:13', 31/1/ 2010 (GMT+7)

Nhà thơ Nguyễn Bính

Nguyễn Bính, là một trong những nhà thơ viết nhiều về mùa xuân. Nhiều bài thơ xuân của ông cứ như níu lấy hồn người vương vấn chút hương xuân xứ sở: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay. Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy...” (Mưa xuân).

Rồi những bài thơ viết trong những mùa xuân xa quê hương lại đem đến một hương vị khác của thơ ông. Một con người yêu quê hương tha thiết, nhưng lại quyết rời quê hương đi khắp miền đất nước, không có cái hơi thở của người “Li khách” trong thơ thâm tâm “Li khách, li khách con đường nhỏ. Chí lớn chưa về bằng tay không”. Cũng không có nét phiêu bạt của Nguyễn Tuân “Đi để mà viết. Viết để lấy cái mà đi”. Không thơ mộng như Hữu Loan, không có cái hùng khí “Lên đường” của Hoàng Cầm ... Có người gọi đó là những chuyến đi định mệnh. Cũng có người gọi nhà thơ là thi sĩ giang hồ. Tôi nghĩ rằng khác, tạo hóa sinh ra mỗi con người hầu như không có ai hoàn thiện. Mỗi một người đều có một cái gì thiếu hụt, khiến cho con người cảm thấy hụt hẫng với nổi buồn bâng khuâng, gọi họ đi tìm kiếm để tự hoàn thiện mình. Cuộc đời ai chẳng là những chuyến đi. Tất nhiên mỗi người một khác. Còn Nguyễn Bính là một nhà thơ.

Năm tháng dài theo những chuyến đi, những mùa xuân xa nhà thấm đượm trong khắp các tập thơ Nguyễn Bính tạo thành chất hương thơ quyến rũ đến nao lòng. Nhưng có lẽ phải đợi đến chuyến đi dài, đi lâu của nhà thơ vào phương Nam nổi niềm hoài hương ấy mới thật sự thấm thía. Điều cần tìm chưa tìm được, mùa xuân nơi đất khách, không nhà nhà thơ nhớ về một kỷ niệm thật xa. Một chuyện tình thời thơ dại với một người con gái tên Nhi. Để rồi mơ ước một ngày gặp lại:

Như chuyện Tương Như cùng Trác Thị

Đưa nhau về ở Đất Lâm cùng

Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng

                                    (Hoa với rượu)

Nhưng mơ chỉ để mà mơ “Chị Nhi đã lấy chồng năm trước. Đến năm sau Nhi lại lấy chồng” còn gì buồn bằng khi biết mơ, chỉ mãi là mơ.

Khi vào Nam, Nguyễn Bình sống thật khổ, thật đơn độc: “Từ buổi về đây sống rất nghèo. Bạn bè chỉ có gió trăng theo”. Nhưng rồi năm tháng đi đã đưa ông đến niềm vui xuân nơi đất lạ “Xuân sang xao xuyến lòng tôi quá”. Bởi vì ông đã tìm thấy nơi lối nhỏ đến xóm dừa này những tấm lòng mà ông và con người cần có :

Sao chẳng về đây lựa tứ thơ

Hỡi ơi! Hồn biển rộng hơn bờ

                        (Sao chẳng về đây)

Càng yêu xuân trên mảnh đất miền Nam, ông càng tha thiết nhớ về đất Bắc:

Vườn nhà Tết đến hoa còn nở

Chị gửi cho em một cánh hồng.

                        (Xuân tha hương)

Vườn nhà Tết đến hoa còn nở

Nỗi buồn xa xứ, cuộc sống trôi dạt “Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây”. Mỗi mùa xuân đến quê hương càng thẳm xa “Quê nhà xa lắc, xa lơ đó. Trông lại tha hồ mây trắng bay” (bài hành phương Nam). Nhà thơ xót thương ân hận khi nhớ về gốc phần. Khi còn trẻ “Mẹ cha thì nhớ thương mình. Mình đi thương nhớ người tình xa xôi”. Giờ đây lắng lại trong ông nỗi đắng cay chua xót “Cha mẹ chiều chiều con nước mây”. Một nỗi hoài hương không sao nguôi được “Cũng may cho những người lưu lạc. Càng khỏi trông trăng đỡ nhớ nhà”. Nguyễn Bính là một trong nhà nhà thơ có những câu viết về nỗi cô đơn thật hay. Hồi ở Hà Nội ông viết:

Những bóng người trên sân ga.

Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì,

Chân bước hững hờ theo bóng lẻ

Một mình làm cả cuộc phân ly.

Nhưng có lẽ chưa bao giờ não nùng đến thế:

Hỡi ôi ! Trời đất vô cùng rộng

Nào biết tìm đâu một mái nhà

Có mắt như tịch xanh mà uổng

Đất khách cùng đường ta khóc ta.

                        (Đêm mưa đất khách)

Không phải nổi buồn về không gian, thời gian với sự vô cùng của tạo hóa và sự hữu hạn của kiếp người. Một nỗi buồn có thật, một nỗi buồn ly hương tha thiết. Nhất là trong những ngày xuân. Hương vị của những mùa xuân tha hương trong thơ Nguyễn Bính đã tạo thành một hương vị rất riêng trong thơ ca dân tộc.

Từ nơi bước đường cùng ấy, nhà thơ lại bắt đầu một chuyến đi mới – đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Trên chuyến đi mới này có những lúc tâm hồn ông trở nên vang động hào sảng lạ lùng. Ông đã viết những vần thơ thật hoành tráng được phổ nhạc thành ca khúc Tiểu đoàn 307 lừng danh. Nhưng Nguyễn Bính vốn không phải con người tranh đấu. Ông là tình nhân của cuộc đời. Gian khổ, đau đớn, mất mát “Xót xa một buổi soi gương cũ. Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền” (sao chẳng về đây). Nhưng không bao giờ để mất niềm thương nhớ quê hương. 1954 ông tập kết về Bắc. Nguyễn Bính như trở lại với chính mình với những “đêm sao sáng” của những mùa xuân quê hương.

Mùa thu 1965, tôi gặp Nguyễn Bính đi kéo xe than trên con đường từ Nam Định vào phía Vụ bản. Anh nói với tôi là anh đi lao động xã hội chủ nghĩa. Hai anh em ngồi lại dưới một gốc cây ven đường. Anh mở nắm tay ra, trong bàn tay có 3 điếu thuốc Tam đảo, quăn queo có lem vết than nữa. Anh bảo tôi: “Hút đi em”. Tôi nói với anh tôi ở Bình Định. Anh nói “Hồi vào Nam, anh có dừng lại ở ga Diêu Trì 3 ngày. Rồi như sực nhớ ra, anh nói “Ở đó họ bán bún mà bỏ giá sống vào ăn nó ngang ngang làm sao”. Anh nhìn tôi cười, răng anh vàng vàng vì thuốc lá. Anh chậm rãi nói: “Nhưng có lẽ nó khác khác như vậy mà anh nhớ hoài”. Tôi bảo anh, tôi rất thích tập thơ “Đêm sao sáng của anh” mà chỉ mượn đọc chứ chưa mua được”. Anh hỏi tôi – Em có còn nhớ được câu nào không?.

Tôi thuận miệng đọc 2 câu, cũng không nhớ là ở bài nào:

Trái na mở mắt nhìn ngơ ngác

Đàn kiến trường chi tự thuở nào.

Anh cười nhìn xa, không nói gì. Rồi anh hẹn tôi bữa nào lên chỗ anh chơi, anh còn một quyển sẽ tặng cho. Tôi lần lựa chưa kịp đi thì 29 tháng chạp năm ấy hay tin anh qua đời. Mấy anh em chúng tôi đưa anh về nghĩa trang Cầu Họ. Không có một người nào là ruột thịt của anh. Đám tang đi, trong lúc mọi người nao nức chuẩn bị đón Tết. Khi ném một nắm đất vào mộ tiễn đưa anh tôi chợt nghĩ: - Chẳng hiểu đến giờ phút này “anh đã tìm được những gì mà anh khao khát hay chưa?”, lạ thay! Con người hay viết về mùa xuân này, lại ra đi giữa lúc mùa xuân đang đến.

Xuân 2010

  • Nhà giáo ƯT Trương Tham

(Trường PTTH Trưng Vương, TP.  Quy Nhơn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xuất hiện nhiều điểm kinh doanh karaoke trái phép   (31/01/2010)
Nét mới ở Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi   (31/01/2010)
Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mừng Xuân Canh Dần   (31/01/2010)
Một nhịp cầu để trở về quê mẹ   (31/01/2010)
Đồng bào dân tộc Chăm, H’rê với khát vọng chữ viết  (30/01/2010)
Hoa hậu Thế giới 2010: "Xin chào Việt Nam!"  (28/01/2010)
“Tuế trống”  (28/01/2010)
Đón 1.000 Anh hùng và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng về dự  (28/01/2010)
Ở Bình Định có hát nhép không?  (28/01/2010)
Việt Nam đoạt giải Liên hoan Nhiếp ảnh toàn cầu   (27/01/2010)
“Con nhà tông” khẳng định mình  (26/01/2010)
Hành trình 46 năm sóng gió  (25/01/2010)
"Đồng hồ treo tường" đoạt giải Bài hát Việt 2009  (25/01/2010)
Thêm một cơ hội quảng bá cho Quy Nhơn  (25/01/2010)
16 cá nhân và 2 tập thể nhận giải Mai Vàng 2009  (24/01/2010)