Năm Dần, tìm hiểu về Hổ quyền
11:31', 8/2/ 2010 (GMT+7)

Trường đấu voi-hổ. (Ảnh: Internet).

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” và các tư liệu, hiện vật cổ, viết bằng chữ Hán - Nôm, phát hiện ở một số Bảo tàng, Thư viện và vùng đất võ nổi tiếng trong cả nước, bước đầu đã cho thấy: Quá trình manh nha của võ dân tộc, được hình thành từ khi Nhà nước Văn Lang ra đời (khoảng năm 2870 trước Công Nguyên).

Trong những thời kỳ đầu sơ khai, để đấu tranh sinh tồn và chống chọi với thiên tai, địch họa, thú dữ luôn rình rập, hãm hại, người Việt cổ đã tự  bảo vệ mình bằng các tư thế chống trả, né tránh, di chuyển mang tính bản năng linh hoạt và theo thói quen sử dụng các công cụ lao động hàng ngày, như: cây, gậy, xương, sừng thú có đầu nhọn để đào lỗ, rìu đá, đục, búa bằng đá, bằng xương thú, cuốc, phãng, mỏ gảy, rựa, dao găm, cào cỏ… Cùng với công cụ lao động và các thao tác lao động, mưu sinh thường nhật, như: hái lượm, săn bắt, ném đẩy, chạy nhảy, leo trèo, bơi lặn, chèo thuyền, bắn nỏ…được lặp đi, lặp lại đã trở thành thói quen phản xạ tự nhiên mỗi khi bị kẻ thù tấn công. Ngoài ra, người Việt cổ còn chú tâm quan sát, mô phỏng theo từng tính năng di động, các tư thế rình mồi, vờn mồi, vồ mồi, khả năng tấn công, phòng thủ của một số loài động vật mà người xưa thường xuyên tiếp cận, như: gà, mèo, chim muông, rắn, khỉ, hổ (cọp), heo rừng, bò rừng, sư tử, voi, tê giác, thuồng luồng, cá sấu…để từ đó chủ động tìm ra phương cách chế ngự, thuần dưỡng, đồng thời phát hiện những độc chiêu của chúng để né tránh và điểm yếu để dễ bề tiêu diệt. Về sau này, khi võ dân tộc đã từng bước nâng lên thành võ cổ truyền dân tộc, các hình thái xã hội đã chuyển sang giai đoạn phát triển của chế độ Phong kiến tập quyền (vào khoảng năm 550 - thời nhà tiền Lý, khởi đầu Nhà nước Vạn Xuân), xã hội bắt đầu bước vào cuộc phân chia giai cấp quyết liệt. Lúc này, không chỉ giai tầng bóc lột ra sức nghiên cứu, rèn đúc binh khí, tổ chức luyện tập, nâng cao trình độ võ công, chiêu mộ những người uyên thâm võ lược, để bảo vệ của cải, đàn áp, cướp bóc của người nô lệ, mà ngay cả tầng lớp bị bóc lột, cũng tự học võ, trang bị cho mình những binh khí cần thiết, để chống lại bọn quí tộc, địa chủ tàn ác.

Đặc biệt trong giai đoạn này, nền Triết học và các học thuyết, kinh dịch cổ điển phương Đông cũng bắt đầu có những bước tiến mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều Quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nước ta. Từ đây các nhà hiền triết và võ học tiền bối đã nhanh chóng tiếp thu, vận dụng sáng tạo, đưa học thuyết Âm – Dương, Ngũ Hành của phương Đông (học thuyết chủ đạo, bao quát cả các hiện tượng, sự vật trong vũ trụ) vào các qui trình, định luật, thể chế và kỹ chiến thuật cơ bản của Võ cổ truyền dân tộc. Trong đó lấy Đồ hình Bát Quái làm chuẩn mực cho qui luật vận hành của bộ chân, còn gọi là “bộ ngựa” (trong võ học gọi là “Lưỡng túc Bát Quái vi căn”) và lấy Mô hình Ngũ Hành, xây dựng các qui chuẩn vận động của bộ tay (trong võ học gọi là “Song thủ Ngũ Hành vi bản”). Ứng với Đồ hình Bát Quái là 8 con vật, gồm: hổ, hạc, nhạn, gà, chim phụng, rắn, long (rồng), khỉ. Mỗi con vật ứng với 1 quẻ, được thiết lập ở 1 hướng khác nhau, trong đó ở quẻ con hổ (trong võ học gọi là Hổ tấn – tức là “bộ ngựa” con cọp). Tư thế này như hổ chuẩn bị tấn công: vai trái xoay nghiêng, tiến chân trái về phía trước, chân phải trụ vững phía sau. Xoay 2 bàn chân song song về hướng tay phải. Mắt mở to đầy uy lực và nhìn sang trái. Hạ người xuống thấp (bộ hạ), 2 tay vận nội công đưa về trước ngực, lòng bàn tay hướng về phía trước, sau đó dồn toàn bộ các thành công lực vào các đầu ngón tay (các ngón tay cong đều, hơi hở ra như móng hổ đang vồ mồi - trong võ học gọi là Hổ trảo).

Hổ Trảo. (Ảnh: Internet).

Dựa vào đặc tính dũng mãnh, mưu lược, nhanh nhạy của hổ, các nhà võ học đã nghiên cứu, đúc kết thành nhiều bài võ đặc trưng của hổ, như: Hổ quyền (tên thiệu theo thể thơ “Thất ngôn tứ tuyệt”, gồm: Hồng Hổ khai sơn thiếc chỉ quyền/… quá hải phản dương tiên/ Ô vân cái nguyệt câu hồn cước/ Hắc Hổ ly sơn thối ngũ liên. Hay bài “Ba chân Hổ”, “Lão Hổ thượng sơn”…Ngoài ra còn khá nhiều độc chiêu, mang tính sát thủ cao, như: “Mãnh Hổ thôi sơn”, “Mãnh Hổ ly sơn”, “ Long tranh, Hổ đấu”, “Long thăng, Hổ giáng”, “ Long - Hổ hội”, “Lưỡng Hổ tung sơn”. Tương truyền, ở nước ta có rất nhiều đại danh sư sát hổ nổi tiếng, được người đời ca tụng, tiêu biểu có Cao Lỗ, Bà Triệu, Ngô Quyền, Mai Hắc Đế, Lý Thường Kiệt, Phùng Hưng, Phùng Hải, Lê Phụng Hiểu, Lê Văn Khôi, Võ Văn Doãn (tự chàng Lía), Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Trần Thị Quyền (được vua Tự Đức sắc phong “Anh hùng đả Hổ, hiếu nghĩa khả phong”), Tăng Doãn Văn (tự Tăng Bạt Hổ), Hồ Hoành (tự Hồ Hoành Hổ)…Dưới thời nhà Nguyễn, ở kinh đô Huế còn lập ra Trường đấu Voi - Hổ (hay còn gọi Hổ quyền). Năm 1750, chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã cùng triều thần đến Cồn Dã Viên xem Voi - Hổ giao đấu, để phát hiện những tuyệt chiêu của chúng, đưa vào đào luyện tướng sĩ và nâng cao hiệu ứng các bài Hổ quyền, Tượng quyền.

Trường đấu được xây theo hình vành khăn, gồm 2 vòng tường rất cao và kiên cố, trông giống như “cái giếng cạn khổng lồ”. Bên trong, ngoài các khán đài riêng biệt, dành cho vua, quan và thần dân ngồi xem, còn có 5 chuồng nhốt hổ và một cửa khá lớn, để đưa voi từ bên ngoài vào tử chiến với hổ. Hổ quyền đã được Bộ VH - TT trước đây phê duyệt và cho khoanh vùng bảo vệ di tích trong quần thể kiến trúc triều Nguyễn.

Nhờ vậy mà trình độ võ học ở nước ta đã phát triển nhanh chóng, nhiều bí quyết võ công được nâng lên hàng thượng thặng, tạo giềng móng vững chãi để các nhà nghiên cứu chiến thuật quân sự, các võ tướng, võ quan kế thừa, đúc kết, xây dựng thành những bài quyền, bài binh khí độc đáo, thành các phép điểm huyệt, giải huyệt linh diệu để áp dụng trong chiến đấu, phù hợp với đặc điểm chiến trường, điều kiện địa lý và hình thể của người Việt, chủ động tác chiến trên mọi địa hình, địa vật (trên rừng, núi, trên lưng ngựa, lưng voi, chiến thuyền, dưới đầm lầy, sông nước…) theo phương châm “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn, lấy yếu chống mạnh, lấy nhu chế cương” …

Với vô số những bí quyết võ công, trong đó có những độc chiêu được đúc kết từ Võ Hổ, mà tổ tiên ta đã dày công bồi đắp từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ những miếng võ đơn lẻ đến những bài võ liên hoàn, từ võ dân tộc sơ khai đến võ cổ truyền chân truyền và đỉnh điểm của nó là nền võ học Việt Nam ngày nay, để áp dụng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược qua hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước vĩ đại của dân tộc.

  • Phạm Đình Phong

(Nhà nghiên cứu võ học, Phó Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Món ăn ngày tết  (07/02/2010)
Người gầy “thương hiệu” cho một CLB lân   (07/02/2010)
Nghệ sĩ bài chòi chơi cây cảnh   (07/02/2010)
Thương nhớ chợ quê  (06/02/2010)
Chôn 1.000 hiện vật gửi ngàn năm sau  (05/02/2010)
Báo chí Việt Nam một năm vượt khó thành công  (04/02/2010)
Khánh Hòa rút đăng cai Hoa hậu Thế giới 2010  (04/02/2010)
Chuẩn bị cho Hội thi múa lân  (04/02/2010)
Hình tượng Đảng Cộng sản trong thơ ca Việt Nam hiện đại  (03/02/2010)
Đóng góp của một kiến trúc sư trẻ  (02/02/2010)
Beyonce làm nên lịch sử, giành 6 giải Grammy  (01/02/2010)
Nguyễn Bính - Những mùa xuân tha hương  (31/01/2010)
Xuất hiện nhiều điểm kinh doanh karaoke trái phép   (31/01/2010)
Nét mới ở Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi   (31/01/2010)
Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mừng Xuân Canh Dần   (31/01/2010)