Ngày 29.1 vừa qua, công trình Di tích Chiến thắng Chợ Cát đã chính thức khởi công trước sự hân hoan của cán bộ và nhân dân xã Hoài Hảo nói riêng, huyện Hoài Nhơn nói chung…
|
Cây bàng cổ thụ lịch sử bên lối dẫn vào Tượng đài - một trong những điểm nhấn của khu di tích.
|
* Mảnh đất của những kỳ tích
Chợ Cát là tên gọi của một vùng đất cát được hình thành từ lâu đời thuộc thôn Tấn Thạnh (nay là thôn Tấn Thạnh 1, xã Hoài Hảo). Giữa khuôn viên Chợ Cát, còn tồn tại cây bàng cổ thụ lịch sử mà theo sử sách là nơi người đảng viên đầu tiên của xã Hoài Hảo- ông Phạm Ngữ- treo lá cờ Đảng trong cuộc biểu tình năm 1930-1931. Địa danh này đã đi vào trang sử của quân và dân Bình Định, tiêu biểu nhất là trận đánh vào ngày 20.7.1949. Trong kháng chiến chống Mỹ, mảnh đất Chợ Cát lại chứng kiến thêm một kỳ tích: Chỉ trong 4 ngày đêm cuối tháng 1.1966, bộ đội chủ lực và dân quân Hoài Hảo đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắn rơi và phá hủy hàng chục trực thăng…, góp phần đập tan cuộc hành quân “Cái chày” của Sư đoàn không vận Mỹ vào huyện Hoài Nhơn.
Ngày 16.12.1998, Di tích Chợ Cát được UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng, được xây bia lưu niệm và khoanh vùng bảo vệ. Từ đó, UBND huyện Hoài Nhơn và UBND xã Hoài Hảo đã trình đề án xây dựng Tượng đài Chiến thắng Chợ Cát và quy hoạch, tôn tạo, xây dựng di tích này thành khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhằm phát huy giá trị di tích.
|
Quy hoạch chi tiết khu Di tích Chiến thắng Chợ Cát.'
|
* Diện mạo công trình mới
Công trình Di tích Chiến thắng Chợ Cát có tổng kinh phí xây dựng 2,7 tỉ đồng, trong đó, UBND tỉnh hỗ trợ 700 triệu đồng, huyện Hoài Nhơn hỗ trợ 500 triệu đồng, phần còn lại do ngân sách xã đầu tư và huy động trong nhân dân địa phương. Quy hoạch tổng thể và thiết kế công trình Di tích Chiến thắng Chợ Cát do Công ty TNHH tư vấn thiết kế xây dựng ASC (TP Quy Nhơn) thực hiện, Xí nghiệp Xây dựng thuộc Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn thi công.
Di tích Chiến thắng Chợ Cát được xây dựng trên diện tích 3.800 m2, trong đó ngoài Tượng đài Chiến thắng Chợ Cát, còn có hệ thống sân vườn, giao thông nội bộ, đèn chiếu sáng, đèn trang trí, đài phun nước… Trên đường chính dẫn vào di tích, ngang qua cây bàng lịch sử, cuối lối dẫn vào di tích là khu vực Tượng đài. Tượng đài được xây cao 16 m, bệ 4 m, thể hiện hình ảnh bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và nhân dân Hoài Hảo cùng phối hợp tác chiến, làm nên chiến thắng. Công trình dự kiến hoàn thành sau 12 tháng tính từ thời điểm khởi công.
Có mặt trong ngày công trình Di tích Chiến thắng Chợ Cát khởi công, nhìn những viên gạch đầu tiên được đặt lên trên mảnh đất lịch sử, cụ Nguyễn Văn Lễ, một cựu chiến binh ở thôn Hậu Phú, xúc động nói: “Dựng lên một tượng đài, một công trình tưởng nhớ Chiến thắng Chợ Cát là mong ước bấy lâu nay của người dân Hoài Hảo chúng tôi. Tết này, bà con đã được thỏa ước nguyện, khi tận mắt thấy công trình tưởng niệm Chiến thắng Chợ Cát dần hiện lên…”.
Ông Lê Phước Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng ASC: Nhóm thiết kế đã nhận được ý kiến đóng góp, tư vấn rất nhiệt tình và khoa học của lãnh đạo huyện, xã và nhân dân Hoài Hảo, để công trình đáp ứng những yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật và lịch sử.
Ông Trà Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Hoài Hảo: Vào tháng 3.2009, lãnh đạo xã đã tổ chức họp để xin ý kiến dân lần cuối về công trình. Hầu như không hộ dân nào vắng mặt, bởi ai cũng xác định đó là một trong những công việc trọng đại của xã. Xã cũng đang có kế hoạch để phát huy giá trị di tích này sau khi hoàn thành… |
|