Khi những tia nắng ấm áp chiếu lấp lóa mặt sông hay lúc những cơn gió đuổi nhau trên tầng cao của đại ngàn, những đám cúc dại trổ hoa vàng trên nương rẫy cũng là lúc người đồng bào Bana bước vào mùa lễ hội – mùa xuân. Lúc này những hạt lúa vàng cũng đã được thu hoạch xong và được chất kỹ trong nhà rẫy, những bắp ngô vàng ươm đã được treo thẳng hàng trên gác bếp của mỗi nhà.
Xưa, lễ hội của đồng bào Bana nhiều lắm, giờ đã được đơn giản bớt. Và điều đặc biệt trong những ngày này là không thể thiếu rượu cần. Dù cho năm mất mùa không có gạo để nấu cơm, dù không hái được nắm rau hay săn được con thú thì rượu cần vẫn phải có. Cũng như miếng trầu, quả cau của người dưới xuôi, rượu cần của đồng bào Bana có mặt trong tất cả mọi lễ nghi, từ đám cưới xin, ma chay, lễ bỏ mả, cơm mới hay lễ đặt tên cho con… Và từ đây, rượu cần đã trở thành một nét văn hóa đặt trưng của người Bana và một số dân tộc thiểu số khác - đó là văn hóa rượu cần.
Từ ngàn xưa, cuộc sống của người đồng bào Bana mang tính cộng đồng rất cao. Tính cộng đồng ấy được thể hiện qua các sinh hoạt hàng ngày, kể cả trong việc uống rượu cần. Mỗi khi một nhà nào đó trong làng có việc gì thì tất cả bà con trong làng tập trung lại để cùng lo. Người lo trước tiên không phải là gia chủ mà chính là già làng, người được bà con dân làng kính trọng và tin yêu nhất trong làng. Để lo việc, già làng cho gọi dân làng đến nhà rông, phân công nhà nào, người nào làm việc gì, góp bao nhiêu gạo, làm mấy ghè rượu, tùy theo điều kiện kinh tế của từng nhà mà mức đóng góp có thể nhiều hoặc ít. Mọi người cùng chung tay lo công việc và cùng nhau vào hội.
Rượu cần của đồng bào Bana được làm từ nhiều chất liệu. Năm nào được mùa thì có thể làm bằng gạo tẻ hoặc gạo nếp, nhưng thường thì bà con làm bằng mì, bắp, bo bo… Sau khi nấu chín nguyên liệu và đem ủ men với chất men được làm từ rễ hoặc lá cây, tất cả được cho vào những chiếc ghè xinh xắn, bên trên được phủ một lớp lá rừng và bịt chặt. Xong những chiếc ghè ấy được xếp thành hàng dài bên vách nhà sàn.
Có thể bạn đã từng được uống rượu cần với đồng bào Bana và được chứng kiến những nghi lễ quanh ché rượu cần. Thủ tục đầu tiên không thể thiếu là Già làng khai lễ bằng việc cúng mời thần sông thần suối, thần nước thần lửa… Sau thủ tục khai lễ của Già làng, chiêng trống bắt đầu được khua vang. Những chàng trai khỏe mạnh, rắn rỏi với chiêng núm, chiêng bằng, chiêng cái chiêng con vừa đi vừa đánh theo nhịp trống; những cô gái với đôi cánh tay trần mở rộng vòng xoang, thân hình uyển chuyển, đôi chân nhịp nhàng… Những ghè rượu được đổ tràn, những cần rượu vút cong…
Người Bana uống rượu cần không phân biệt già trẻ, trai gái, bất cứ là ai dù quen hay lạ. Thường thì mời nhau uống bằng “can”. Một thanh tre dài hơn đường kính miệng ghè được gác ngang, giữa thanh tre có đặt một cái cỡ. Nước được đổ vào đầy tràn miệng ghè, người uống cứ vít cần uống đến khi nào nước tụt xuống dưới cái cỡ đó thì tiếp tục đến người khác. Có khi rượu đã tràn miệng ghè, một người vít cần uống, người khác cầm bát nước rót dần vào miệng ghè cho đến khi hết thì thôi, cần rượu lại được chuyển cho người khác.
Một khi đã uống rượu với đồng bào Bana thì phải uống thật tình, bởi đồng bào mời rượu cũng rất thật. Vào những dịp vui của làng, mỗi nhà có thể góp mấy ghè rượu, nhà nào cũng muốn rượu của nhà mình được nhiều người uống. Nồng độ rượu cần tương đối thấp nên khi uống rượu cần ít ai say khướt mà hầu hết chỉ ở mức cảm giác lâng lâng, la đà… Trước tiên là do rượu cần nhẹ, càng uống càng nhẹ bởi qua nhiều lần đổ nước, tuy nhiên mùi thơm của rượu cần thì vẫn giữ. Quan trọng hơn là do không khí khi uống, rượu cần thường được uống thâu đêm suốt sáng, hoặc đôi khi được uống từ ngày này sang ngày khác, vừa uống vừa nhảy múa, vừa đánh cồng chiêng. Uống đến mỏi thì nằm ngủ, ngủ ở bất cứ chỗ nào có thể đặt lưng để đến khi tỉnh dậy lại tiếp tục uống, cứ uống đến khi nào ghè rượu cuối cùng cũng lạt như nước suối thì lúc ấy hội tan.
Người Bana rất hiếu khách, bất cứ ai cũng được mời rượu và trở thành khách quý của làng. Khách uống nhiều bao nhiêu thì được chủ quý bấy nhiêu, khách uống say thì càng được chủ quý. Đã nhiều lần tôi được bà con mời uống rượu cần và cũng nhiều lần say rượu cần với đồng bào Bana. Đêm nay, một đêm gần cuối năm ở ngôi làng vùng cao, tôi lại được dự ngày hội làng mừng một năm cây trái tốt tươi, dân làng no ấm. Trước những cần rượu vút cong, già làng lại cất tiếng hú gọi mời thần núi thần rừng, thần sông thần suối, thần nước thần lửa… Chiêng trống lại ngân vang, vòng xoang mở rộng. Tôi lâng lâng say với những cần rượu cong vút, đầy ắp, với những đôi chân trần lướt đi trên đất. Ngoài kia dòng sông Kôn vẫn rì rào, rì rào, mải miết về xuôi.
|