Sức xuân trong nhạc Trần Hoàn
16:34', 9/2/ 2010 (GMT+7)

Nhạc sĩ Trần Hoàn.

Với chủ đề Tiếng hát mùa xuân, nhạc sĩ Trần Hoàn là chân dung âm nhạc thứ hai được vinh danh trong Con đường âm nhạc diễn ra tối qua tại Hà Nội.

Nghe các ca khúc của Trần Hoàn khán giả sẽ có cảm giác về một người viết không có tuổi. Bởi các ca khúc của ông ngày càng trẻ trung và đầy sức sống. Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho rằng, các ca khúc của Trần Hoàn dù viết ở thể loại nào cũng luôn có một giọng nhẹ nhàng, trữ tình. Ngoài những ca khúc viết về quê hương (Quảng Trị yêu thương, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Vỗ bến Lam chiều, Đêm Hồ Gươm..), ông còn có nhiều bài hát viết về mùa xuân (Một mùa xuân nho nhỏ, Chào mùa xuân, Tình ca mùa xuân…). Những mùa xuân luôn được nhắc đến cùng Trần Hoàn đó chính là mùa xuân trong sự tươi trẻ, mùa xuân trong cách cảm nhận cuộc sống chứ không chỉ là mùa xuân của đất trời.

Viết rất nhiều tình ca cho quê hương nhưng Trần Hoàn không có nhiều ca khúc viết về một chuyện tình cụ thể, về một cảm giác yêu cụ thể. Hầu như mỗi vùng đất ông đi qua từ Quảng Trị quê hương ông đến Hải Phòng, Hà Tĩnh… nơi nào cũng trở thành nguồn cảm hứng cho một bài ca mới. Nhưng người không viết tình ca đôi lứa ấy lại có một tình yêu nổi tiếng trong giới nhạc sĩ về mối tình son sắt, thủy chung với người vợ dấu yêu của mình.

Nhạc sĩ Trần Hoàn (1928-2003) tên thật là Nguyễn Tăng Hích, quê ở Quảng Trị. Ông từng học tại trường Quốc học Huế và nổi tiếng với ca khúc Sơn nữ ca viết năm 1948 ở tuổi 20.

Là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như Sơn nữ ca, Lời người ra đi, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Kể chuyện người cộng sản, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm...

Tối qua, tại đêm nhạc của chồng, vợ ông, bà Thanh Hồng đã xuất hiện thay ông gửi đến khán giả lời cảm ơn. Qua những kỷ niệm của bà Thanh Hồng, những giai thoại về tình yêu của nhạc sĩ được cụ thể hóa. Nhiều khán giả cảm động về tình vợ chồng của người nhạc sĩ tài hoa. Câu chuyện về chiếc đàn và một bông hoa hồng được khắc trên bia mộ của nhạc sĩ được lý giải là tình yêu lớn nhất trong đời ông: tình yêu với âm nhạc và tình yêu với người vợ tảo tần cũng mang tên hoa hồng (vợ nhạc sĩ tên là Minh Hồng).

Nhạc sĩ Phạm Tuyên, người bạn thân thiết nhất trong giới nhạc của Trần Hoàn đã bật mí một bí mật riêng về ca khúc làm nên tên tuổi ông, bài Sơn nữ ca. Theo  nhạc sĩ Phạm Tuyên, hầu hết khán giả đều cho rằng đây là một ca khúc tiền chiến, nhưng trên thực tế Trần Hoàn chọn cách viết theo lối nhẹ nhàng để tạo cho ca khúc một không khí mới. Bài hát được viết vào năm 1948 khi ông tròn 20 tuổi. Những ca từ “có anh lữ khách” thật ra Trần Hoàn đã viết “có anh du kích”. Bài ca thể hiện cái nhìn lãng mạn của một chàng trai phố thị về những cô nữ sinh, những cô gái thôn quê mộc mạc, chất phác.

Chọn giải pháp an toàn, chương trình không xuất hiện sự tung hứng, bình luận trên sân khấu của MC mà người được chọn, MC Mỹ Vân đã dẫn theo lối truyền thống, trung thành với kịch bản và để âm nhạc tự mang đến cho khán giả tiếng nói của riêng mình. Vì thế, chân dung âm nhạc được hiện lên qua chính những ca khúc. Đêm nhạc Tiếng hát mùa xuân với trên 20 ca khúc được thể hiện đã đưa những khán giả yêu nhạc Trần Hoàn gần đến với khán giả qua các giọng ca: Quang Thọ, Lan Anh, Trọng Tấn, Anh Thơ... Trong đêm nhạc cũng xuất hiện gương mặt ca sĩ lần đầu hát nhạc Trần Hoàn như ca sĩ Tùng Dương.

. Theo BAODATVIET.VN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về làng buôn uống rượu cần  (09/02/2010)
Giọng nam trầm nhất Việt Nam ra đĩa  (09/02/2010)
Hổ quyền trong tâm thức người Việt  (09/02/2010)
Thỏa ước nguyện người dân Hoài Hảo  (09/02/2010)
Sẽ có nhiều điểm mới  (09/02/2010)
Năm Dần, tìm hiểu về Hổ quyền  (08/02/2010)
Món ăn ngày tết  (07/02/2010)
Người gầy “thương hiệu” cho một CLB lân   (07/02/2010)
Nghệ sĩ bài chòi chơi cây cảnh   (07/02/2010)
Thương nhớ chợ quê  (06/02/2010)
Chôn 1.000 hiện vật gửi ngàn năm sau  (05/02/2010)
Báo chí Việt Nam một năm vượt khó thành công  (04/02/2010)
Khánh Hòa rút đăng cai Hoa hậu Thế giới 2010  (04/02/2010)
Chuẩn bị cho Hội thi múa lân  (04/02/2010)
Hình tượng Đảng Cộng sản trong thơ ca Việt Nam hiện đại  (03/02/2010)