Người nước ngoài đến sống và làm việc dài hạn ở Bình Định chưa nhiều. Nhưng với ai cũng vậy, Tết Nguyên đán của người Việt Nam là trải nghiệm thú vị. Sau những bỡ ngỡ, háo hức xen lẫn tò mò trong lần đầu đón Tết Việt, giờ đây, họ đã biết chuẩn bị cho mình một số điều cần thiết để mang không khí Tết Việt vào nhà.
|
Chợ hoa dọc đường Nguyễn Tất Thành là điểm thu hút nhiều du khách nước ngoài.
|
Tiến sĩ Peter Todd, một chuyên gia nghiên cứu thủy sản người New Zealand, luôn tìm mua những tấm liễn trang trí cỡ nhỏ đủ màu sắc và treo chúng trong nhà để đón Tết. Ông cho biết, đây là lần thứ hai ông đón Tết ở Việt Nam. Năm ngoái, khi dạo chơi cùng bạn bè, ông đã chú ý đến những tấm liễn thú vị được bày bán khắp nơi. Lục tìm từ ngăn kéo được 5 tấm như vậy, Peter cố gắng thể hiện chúng bằng thứ tiếng Việt lơ lớ: “Chúc mừng năm mới”, “An khang thịnh vượng”, “Phát tài phát lộc”… Ông hiểu rằng, người ta treo những tấm này lên tường là mong muốn may mắn vào nhà.
Patrick Fitzgibbon, cố vấn bảo tồn thủy sản, đồng hương của Peter và năm nay cũng là lần thứ hai đón Tết Việt, lại tỏ ra rất quan tâm đến các loài hoa Tết bày bán dọc đường Nguyễn Tất Thành (Quy Nhơn). Patrick chia sẻ: “Tôi và Peter chưa từng thấy nhiều loại hoa được trưng bày cả phố dài như vậy, nên rất thích. Những ngày có chợ hoa, ngày nào chúng tôi cũng đi ngắm hoa, lúc đi xe đạp, khi thì đi bộ. Các loài hoa đủ màu sắc, kiểu dáng như thế ở New Zealand không hề có. Tôi phát hiện rằng, Tết Việt nhà nào cũng có rất nhiều hoa. Năm ngoái, tôi và Peter đã mua một chậu hoa mai vàng, đặt ở trước cửa để đón năm mới. Peter còn rất thích những chậu cây cảnh mini. Ông ấy thường dừng lại ngắm nghía rất lâu, và không ngớt lời khen về dáng, thế độc đáo”.
Nhờ tìm hiểu kỹ Tết Việt nên Peter và Patrick tỏ ra rất am hiểu phong tục, tập quán. Chẳng hạn, trước Tết, hai ông mua quà và thiệp tặng bạn bè người Việt để chúc mừng. Được mời đến nhà chơi, cả hai “thủ” sẵn những phong bì lì xì để tặng cho trẻ con. Các ông rất ấn tượng với món bánh tét, dưa kiệu, hạt dưa. Đặc biệt, Peter rất khoái món rượu Bàu Đá, dù chỉ uống một vài ly là mặt đã đỏ bừng.
Barbara Dawson, nữ chủ nhân quán cà phê Barbara’s kiwi, không còn lạ gì với Tết Việt vì bà đã ở Quy Nhơn khá lâu. Nhờ vậy, bà rất tâm lý với nhân viên Việt Nam mỗi khi Tết đến xuân về, như thưởng tiền, làm tiệc tất niên và bố trí thời gian để họ vui Tết với gia đình. Năm nào, vào những ngày trước Tết, bà cũng mua hai chậu cúc lớn, đặt phía trước và phía sau quán.
Bà Barbara Dawson còn là “tư vấn viên” rất hiệu quả cho những người nước ngoài lần đầu đón Tết tại Quy Nhơn. Bà cho biết: “Tất cả họ đều muốn tìm hiểu về phong tục Tết Việt. Họ tỏ ra thích thú khi nghe tôi kể người Việt đi chùa vào ngày đầu năm, phát lì xì mừng tuổi và nấu những bữa ăn lớn đãi người thân, bạn bè. Một vài người trong số họ đã thử qua những món ăn Việt trong ngày Tết và đều nhận xét là hấp dẫn. Khi quán vãng khách, tôi cũng tranh thủ ghé nhà bạn bè chúc Tết và để thưởng thức những món ăn thuần Việt rất ngon”.
Hòa trong sự háo hức chuẩn bị đón Xuân sang, những người nước ngoài ít nhiều cảm nhận được sự ấm áp, tươi vui của Tết Việt khi đi đến đâu cũng nhận được câu “Hello”, “Happy New Year” đầy thân thiện. Ấn tượng đọng lại lớn nhất trong họ, ngoài những loài hoa khoe sắc thắm, còn là tình cảm gia đình khăng khít, thắm thiết. Peter cho biết: “Cũng giống như Lễ Giáng sinh của chúng tôi, Tết Việt là thời gian đoàn tụ gia đình, chỉ có điều tình cảm gia đình của người Việt gắn kết hơn. Họ đãi nhau những bữa ăn ngon, dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Dù không thật sự hòa mình vào không khí đó, nhưng mỗi khi được chứng kiến, chúng tôi vẫn cảm thấy vui và hạnh phúc lây”.
|