|
“Chốn riêng” của nhà nghiên cứu. Ảnh: X.N. |
Ông chính là Nguyễn Đỗ Quyên - tác giả tập chuyên khảo "Nguyễn Tất Thành ở Bình Định".
30 năm theo dấu “anh Thành”
Trong khi một số công trình như “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử” (tập I, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội 1992), “Hồ Chí Minh tiểu sử” (NXB Lý luận chính trị 2006) cho rằng Bác Hồ có thể qua một kỳ thi tiểu học hoặc hoàn thành chương trình tiểu học Pháp - Việt ở Quy Nhơn.
Để làm rõ điều này, từ những năm 1985 - 1990 đến nay, ông Quyên tỉ mỉ khảo sát hệ thống giáo dục, thi cử Trung Kỳ thời Pháp thuộc, tìm đọc gia phả, gặp nhân chứng, giám định nhiều nguồn tư liệu để chứng minh đến niên khóa 1923 – 1924, chính quyền bảo hộ mới mở kỳ thi tốt nghiệp tiểu học Pháp - Việt đầu tiên tại Quy Nhơn.
“Thâm tâm chúng tôi và có thể cả ngành giáo dục Bình Định rất muốn có sự kiện Nguyễn Tất Thành dự kỳ thi hoặc hoàn thành chương trình tiểu học Pháp - Việt toàn cấp tại Quy Nhơn hè năm 1910, nhưng với tư liệu thành văn và hồi ức sưu tra được, chúng tôi không có cách nào khác hơn là ghi nhận rằng năm 1909 - 1910, anh Thành được cụ Nguyễn Sinh Huy gửi ở nhà giáo học Phạm Ngọc Thọ (cha của cố Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch - NV) là để học thêm tiếng Pháp nhằm chuẩn bị cho việc ra nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân”- ông Nguyễn Đỗ Quyên bộc bạch.
Cho đến nay, “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định” là chuyên khảo công phu nhất về Bác Hồ trong khoảng thời gian Người dừng chân trên quê hương Quang Trung - Nguyễn Huệ. Các chuyên gia Bảo tàng Hồ Chí Minh nồng nhiệt hơn đánh giá: “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định” đã thu được một khối lượng tư liệu lớn, trong đó có tư liệu mới lần đầu chúng tôi được biết”.
Vinh dự và sự “so bì”
Trong 5 địa điểm in đậm dấu chân niên thiếu của Bác trên đường thiên lý trước khi xuống tàu sang Pháp thì Bình Định ở vị trí trung tâm. Bình Định cũng là nơi chứng kiến cuộc chia tay lịch sử giữa cha và con, nơi Bác thu xếp mối quan hệ ngổn ngang tình nhà - nợ nước. Chắc chắn mảnh đất sinh ra Quang Trung, Đào Tấn, Tăng Bạt Hổ, Mai Xuân Thưởng... góp phần không nhỏ vào việc hoàn thiện tư tưởng yêu nước và con đường xuất dương của Bác.
Nhưng, thời cuộc cũng tước đi của Bình Định cơ hội được lưu giữ những dấu tích liên quan đến Bác. Nếu Huế có Quốc học, Phan Thiết có Dục Thanh, TP.Hồ Chí Minh có bến Nhà Rồng thì tại Bình Định, huyện đường Bình Khê, nơi ở của trợ giáo Phạm Ngọc Thọ, dịch đình, trường Đốc học..., những địa điểm anh Thành từng đi qua và tá túc, từ lâu đã không còn bóng dáng.
Hơn 30 năm theo đuổi đề tài nghiên cứu về Bác, từng phát hiện nhiều tư liệu mới ở Trung tâm lưu trữ quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Đà Lạt, ông nói lẽ ra Bình Định đã có thể làm được nhiều hơn. Ông... so bì: “Trên Gia Lai, Kon Tum, nơi Bác Hồ chưa một lần đến thăm, cũng có bảo tàng về Người. Ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Huế, Bình Thuận, Đồng Tháp, nhiều hội thảo khoa học đã được tổ chức. Còn Bình Định, đến tháng 8 vừa qua mới hội thảo lần đầu là quá muộn và quá ít”...
. Theo Lao Động
|