Trong tiết xuân ấm áp, dòng người từ mọi ngả đường nô nức về đất Võ để tham dự Lễ Kỷ niệm 221 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, diễn ra tại Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn). Lễ hội năm nay có nhiều nét mới, góp phần tạo nên không khí náo nức ngay từ những ngày đầu năm…
|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện đánh trống khai hội Lễ Kỷ niệm 221 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Ảnh: Văn Lưu |
* “Hào khí Tây Sơn tỏa núi sông”
Một cổng thành cổ Thăng Long sừng sững, uy nghiêm được thiết kế làm nền chính trong chương trình Lễ hội. Hình ảnh nghĩa quân Tây Sơn, dưới sự chỉ huy tài tình của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ thần tốc tiến ra Bắc, giải phóng thành Thăng Long được tái hiện sống động, tạo cảm xúc thành kính, thiêng liêng. Trong lòng người dự hội, dâng lên niềm tự hào về một trang vàng trong lịch sử hào hùng của dân tộc.
Tiếng trống rền vang với những thanh âm trầm hùng, hai hàng bát bửu với 18 binh khí tiêu biểu, tiếng nổ lớn từ những khẩu súng thần công trên cổng thành, tiếng hò reo vang dội mừng chiến thắng, giọng nói dõng dạc, uy nghiêm của Vua Quang Trung khi đọc chiếu lên ngôi, ban bố nghiêm luật… góp phần thể hiện thật đậm nét hào khí Tây Sơn.
Lễ nhập điện - dâng hoa - dâng hương năm nay được tổ chức trang nghiêm với nhiều trình thức nghi lễ hơn mọi năm. Đặc biệt, việc các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham gia vào ban tế lễ, đã góp phần làm không khí buổi lễ kỷ niệm thêm trang trọng. Sau hồi trống hiệu khai thành, cổng thành từ từ mở ra, các đại biểu và đoàn rước tiến vào Tượng đài Hoàng đế Quang Trung dâng hoa, rồi vào Điện thờ Tây Sơn tam kiệt dâng hương. Từng hàng tiêu binh xếp thành cụm hình tượng chữ X lần lượt chuyển động như từng cánh cửa nhỏ mở ra. Dàn trống vang dội hào sảng, từng lẵng hoa tươi, từng nén hương nghi ngút khói dâng lên, thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc.
|
Diễn tấu cồng chiêng tại nhà rông trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung. |
Phần sử thi trong lễ hội được dàn dựng hoành tráng, với 5 chương, tái hiện từ lúc ba anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa, đến khi Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, chỉ huy các cánh quân đánh tan 29 vạn quân Thanh chỉ trong vòng 6 ngày, kể từ khi xuất binh vào đêm 30 tháng Chạp đến mùng 5 Tết Kỷ Dậu năm 1789. Giai điệu trầm hùng, tiết tấu nhanh, chắc, khỏe của hơn 100 chiếc trống và 100 lá cờ tung bay, đưa người xem chìm đắm trong âm hưởng hào hùng. Người dự hội như đang được chứng kiến trước mắt mình từng đoàn nghĩa binh Tây Sơn hành quân như vũ bão, để thêm một lần nữa thán phục tài dụng binh của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ.
* Hướng về đất rồng bay
* Từ sáng mùng 4 đến hết mùng 5 Tết, tại nhà rông bên trái Bảo tàng Quang Trung, diễn ra hoạt động biểu diễn cồng chiêng, do các nghệ nhân ở xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn thể hiện, thu hút rất đông người đến xem.
* Trong hai đêm mùng 5 và mùng 6 Tết, tại sân khấu chính trước Bảo tàng Quang Trung, Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao huyện Tây Sơn tổ chức hát bội, do Đoàn Tuồng Sông Côn biểu diễn. |
Sau phần sử thi là các màn hát múa với chủ đề “Tiếp bước thiên hùng ca bất tử - Bình Định hướng về Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội”. Phần này như một món quà tinh thần của người Bình Định gởi đến Thủ đô nghìn năm tuổi.
Các tiết mục được dàn dựng công phu, giúp tôn vinh giá trị truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông, phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Các diễn viên trong trang phục màu hoa sen, tay cầm cờ Đảng, cờ Tổ quốc phất cao đầy tự hào. 100 chiếc trống và 200 chiếc quạt lớn cùng đồng diễn trên nền nhạc “Bình Định hướng về nghìn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”, đã thể hiện khát vọng ngày mới trên đất Võ; đồng thời khẳng định, Bình Định sẽ tiếp bước hào khí Tây Sơn, hướng về nghìn năm Thăng Long- Hà Nội, tiếp nối truyền thống đầy tự hào của cha ông. Người dân Bình Định hôm nay đã, đang và sẽ góp phần dựng xây quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp. Đêm hội khép lại với màn pháo hoa rực rỡ trên bầu trời trong tiếng trầm trồ không ngớt của người dân.
Bà Nguyễn Thị Lan, 82 tuổi, ở xã Tây Phú, cho biết: “Lễ hội năm nay được tổ chức thật trang trọng, hoành tráng, tạo trong tôi nhiều xúc cảm. Thời tiết hôm nay cũng mát dịu, quang đãng, nên rất đông người ở xa về dự hội”.
Còn anh Lê Bá Duy, một người con Tây Sơn đang lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, thì nói: “Lễ Kỷ niệm 221 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là một món quà đầy ý nghĩa dành cho người dân Bình Định và du khách trong những ngày đầu xuân mới”.
Để xây dựng mô hình cổng thành cổ Thăng Long, đạo diễn Lê Quý Dương đã tham khảo nhiều tài liệu và mất ròng rã hai tuần mới làm xong. Trên cổng thành, còn có mô hình 9 khẩu thần công và 9 đài đuốc rực sáng (ảnh). Đạo diễn Lê Quý Dương cho biết, ông muốn tái hiện lại một trong những khoảnh khắc hào hùng của lịch sử, là lúc Hoàng đế Quang Trung ngồi trên mình voi, chiến bào đỏ thắm nhuộm màu thuốc súng, oai phong tiến vào cổng thành Thăng Long, trong tiếng hò reo chào đón hân hoan của người dân. |
|