Du xuân trên đất “nậu nguồn”
8:56', 21/2/ 2010 (GMT+7)

Về Hoài Ân, ngược dòng Kim Sơn “nước xanh trong soi tóc những hàng tre”, ta tới Ân Hữu, Đak Mang, nơi có dòng sông Đá Bạc nước mát lành, lấp lánh ánh nắng chiều, soi bóng Hòn Tổng Dinh- Gò Đồn, nơi một thời là căn cứ Cần Vương chống Pháp của nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ. Về Ân Nghĩa, không quên đến thác đổ Nghĩa Điền, chiêm ngưỡng cột nước dựng cao hơn 30 m, và nghe câu chuyện truyền tụng về cô gái Bana ra bến đợi chờ người yêu, mắt xa xăm nhìn về đầu nguồn con nước, lộ lưng trần để mái tóc óng mượt xõa dài, rồi hóa đá.

 

Đền thờ nhà yêu nước tăng Bạt Hổ (làng An Thường 2, xã Ân Thạnh).
 

Lên Bok Tới, ta không chỉ được nghe tiếng cồng chiêng, hòa vào nhịp xoang Bana, chếnh choáng men rượu cần, hay đắm chìm trong không gian lễ hội, mà còn đến với thác Trà Kơi vắt mình trên lưng chừng dãy núi Bà Bơi, nghe tiếng chim, tiếng thú và tiếng gió của đại ngàn, thư thả tâm hồn hít thở không khí trong lành cùng sức sống mùa xuân trời đất.

Và xuôi dòng An Lão, ta ghé thăm vùng đất bãi bồi ngút ngàn xanh của lúa, của dâu ở xã anh hùng Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, Ân Tín. Ở đó, ta được chiêm ngưỡng cảnh đẹp hữu tình của thác Đá Vàng, với tầng tầng lớp đá trải rộng, kéo dài tít tắp tạo nên 9 gộp thác lớn nhỏ.

Gặp nhau ở ngã ba sông với công trình đập dâng sông Lại, bên mảnh đất Phú Văn, Hội Yên (Ân Thạnh)- một vùng đất học gắn liền với truyền thuyết “núi bút, đầm nghiên” và khu Văn chỉ ghi tên những văn thần, học sĩ như cụ Hồ Văn Nghĩa ở làng Vĩnh Viễn (Ân Tường Đông)- người đầu tiên mở ra thế hệ khoa cử của Bình Định; cụ Trần Văn Chánh ở làng Linh Chiểu (Ân Phong)- vị tiến sĩ đầu tiên của đất Hoài Ân. Thư thả ngồi lại đây dưới gốc cây, mà nghe người làng kể những câu chuyện tiếu lâm Mười Giáo. 

Về Ân Tín, ta thăm “Mộ tổ Trần gia”, lật gia phả họ Trần tìm lại một thời cha ông ta đi khai đất; rồi đến hồ Vạn Hội, một công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng hoàn thành vào năm 2001, ngoài việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp, còn là một thắng cảnh hữu tình đang chờ đầu tư, khai thác.

Đến An Thường, Ân Thạnh- vùng đất một thời lắng đọng câu ca “Ai rời Hóc Nghệ, Ô Lâm/ Bỏ dâu ai hái, bỏ tằm ai nuôi/ dâu tằm đã có cô ba, ruộng vườn cô bốn, cửa nhà cô năm... Ai về Hóc Nghệ, Ô Lâm/ Sớm hôm canh cửi anh đến thăm anh mừng”- và thoáng nghe trong gió như vọng về tiếng vó ngựa của vị anh hùng dân tộc Tăng Bạt Hổ- nhà chí sĩ yêu nước thời Cần vương chống pháp cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Nghiêng mình bên đền thờ ông, ta tưởng nhớ và chiêm nghiệm cuộc đời, sự nghiệp của nhà yêu nước họ Tăng.

 

Hồ Vạn Hội, nơi có nhiều tiềm năng để đầu tư xây dựng thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn.
 

Từ trung tâm huyện lỵ đi đường bộ về với Gò Loi, chiến công xưa vẫn còn vang vọng, với trận đánh oai hùng mở màn cho việc giải phóng Hoài Ân, giải phóng Bắc Bình Định trong chiến dịch Xuân- Hè năm 1972, mà hôm nay còn đó biểu tượng uy nghi, ghi mãi ngàn đời sử xanh dân tộc. Ta không quên đến Ân Tường Đông một vùng đất khó, có hồ Thạch Khê- công trình thủy lợi được xây dựng cách nay 32 năm- vừa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, với nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nằm sát tuyến đường chiến lược phía Tây Bình Định trong nay mai. 

Ta cũng không quên viếng di tích lịch sử Vạn Đức (Ân Tín) - một địa chỉ văn hóa vừa được huyện Hoài Ân đưa vào dự án đầu tư xây dựng khu di tích lịch sử của huyện trong năm 2010 với tổng kinh phí dự kiến 5 tỉ đồng…

Ở điểm dừng chân cuối cùng là trung tâm huyện lỵ, chúng ta cùng đến đồi Đất Đỏ- điểm di tích lịch sử nơi mà cách nay 38 năm đã diễn ra trận đánh quyết chiến cuối cùng, đặt dấu chấm hết cho chế độ Mỹ- Ngụy trên đất Hoài Ân. Trước nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ, chúng ta đốt nén tâm nhang tưởng nhớ và ước nguyện cho mùa xuân ngày càng thêm xuân trên quê hương Hoài Ân anh hùng.

  • Võ Chí Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Số phận các thủ lĩnh thi ca Nga  (19/02/2010)
Thăm Hổ Quyền nhân năm con Hổ  (19/02/2010)
Rộn ràng thi lân   (19/02/2010)
Đất Võ tưng bừng mở hội   (18/02/2010)
Huyện Phù Mỹ tổ chức Hội đua thuyền ngày Xuân  (18/02/2010)
Hà Nội kỷ niệm 221 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa  (18/02/2010)
Lễ hội kỷ niệm 221 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa  (17/02/2010)
Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới năm 2009 đã có chủ  (13/02/2010)
“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng...”  (12/02/2010)
Chuyện Tây đón Tết ta  (12/02/2010)
Tất niên xóm  (12/02/2010)
Về quê chơi hội  (12/02/2010)
Tết này chơi đâu, xem gì?  (12/02/2010)
Hình tượng con hổ trong văn hóa Việt  (11/02/2010)
Đất Võ chờ đón ngày hội lớn  (11/02/2010)