Cổ nhơn là trò chơi dân gian nhưng trí tuệ, đã tồn tại ở thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn) từ rất lâu. Trò chơi này được tổ chức từ ngày 30 tháng chạp đến hết mùng 6 tháng giêng hàng năm ở Bồng Sơn, góp phần làm không khí Tết nơi đây thêm vui tươi...
|
Hội cổ nhơn treo con đề lên cây nêu. |
Ngày 2 lần, Hội xổ cổ nhơn ra thai (gồm 4 câu thơ) và treo con đề lên cây nêu. Con đề là một trong gồm 36 con trong bảng tịch, mỗi con có 2 tên (tên thuần Việt và tên Hán Việt), chia làm 6 bộ. Người chơi dựa vào câu thai để luận ra con gì. Con đề được treo lên đầu buổi và hạ nêu cuối mỗi buổi. Khi kết quả được mở, người xổ phải giải nghĩa hợp lý với câu thai để người chơi tâm phục khẩu phục.
Câu thai thường có nội dung ngợi ca quê hương hay gợi lại những điển cố. Ví như: “Chào xuân rộn tiếng chim ca/ Trăm nhà nô nức, vạn hoa thắm cành/ Ruộng đồng đủ nước thêm xanh/ Tơ hồng kết nối duyên anh với nàng”. Người chơi có thể dựa vào nhiều ý trong câu thai để luận. Từ “chào xuân” dễ liên tưởng đến con công (tên Hán Việt là phùng xuân); hoặc “Trăm nhà nô nức” bàn đến con ong hoặc bướm; “ruộng đồng xanh” luận đến cá, lươn… Tùy mỗi người suy đoán, nhưng người xổ ra có thể ra con thỏ (tên Hán Việt là nguyệt bửu) với lý lẽ, ông tơ bà nguyệt kết nối duyên anh với nàng…
Để chơi được trò này, người chơi phải biết bàn luận trên cơ sở câu thai và sự hiểu biết của mình. Với cách hiểu nhiều nghĩa, nên từ trẻ con đến người lớn, từ nông dân đến trí thức, ai cũng có thể có cách bàn luận riêng của mình. Người đánh trúng 1 được thưởng 25. Nhưng sự hấp dẫn không chỉ vì tiền thưởng, mà còn ở sự tự hào của người chơi trước đám đông, vì đã thể hiện được mình là người biết bàn luận và đoán được ý của người xổ. “Đánh cổ nhơn sướng nhất là bàn luận. Người nào bàn có lý được tán thưởng, luận hay được khen ngợi, nên ngày Tết, ngoài đi chúc Tết, chúng tôi còn tìm bạn tâm giao để bàn cho thỏa chí”- anh Quốc Hương, một người dân ở đây, cho biết.
|
Câu thai (gồm 4 câu thơ) được bày khắp phố để người chơi dựa vào nội dung đoán đề. |
Do người tham gia chơi cổ nhơn đông và đa dạng, nên người xổ phải biết đón ý mọi người để né. Ngoài ra, người xổ cũng ít khi dám ra ngoài chơi xuân, bởi sợ người khác dò ý trong khi nói chuyện. Người dày dạn kinh nghiệm cầm tịch nhiều năm nay ở Bồng Sơn là ông Sáu, thường được gọi là ông thợ Sáu do ông làm thợ mộc. Người chơi cổ nhơn nể ông là người có cái đầu đủ lạnh để giữ bí mật, ngay cả khi người chơi cố khai thác ông trong những câu chuyện vui Tết. Ông Sáu tâm sự: “Cổ nhơn là trò chơi dân gian nhưng rất trí tuệ, giống như binh pháp trong đánh trận vậy. Ai không đủ khôn ngoan thì rất dễ thất bại”.
Ông Nguyễn Tự Cảnh, thành viên Ban Tổ chức, cho biết: “Trò chơi này có từ rất lâu đời, chỉ có trong những ngày Tết và mang sắc thái rất riêng. Ai cũng có thể tham gia, ăn thua không nhiều, nhưng làm không khí Tết vui hơn, vừa hạn chế được nạn cờ bạc đỏ đen, vừa có tính giáo dục cao”.
|