Mỗi dịp xuân về, nhiều huyện trong tỉnh đều cố gắng tổ chức các lễ hội truyền thống rộn ràng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân trong những ngày xuân. Trong khi đó, tại TP Quy Nhơn, hoạt động này lại khá trầm lắng…
|
Múa “Huyền thoại tháp Đôi” trong đêm hội tháp Đôi tối mùng 2 Tết Canh Dần. Ảnh: H.T
|
Thử làm một cuộc trắc nghiệm với nhiều người dân Quy Nhơn ở các lứa tuổi về hoạt động văn hóa, giải trí trong ngày Tết, đa số đều trả lời là không biết hoặc cho là không có hoạt động nào đáng đi xem. Có điều này là do các hoạt động tổ chức ở Quy Nhơn còn nhỏ, ít sinh động nên chưa thực sự tạo được sự hấp dẫn.
Vào chiều mùng 3 Tết, Nhà Thiếu nhi Quy Nhơn tổ chức thi đấu cờ tướng ngay sân trước, nhưng vẫn rất ít người xem. Trong khi 2 chương trình đúng “tầm vóc” phục vụ Tết là Đêm hội tháp Đôi (tối mùng 2 Tết) và Hội thi múa lân truyền thống (tối mùng 4 Tết) thì chưa được đầu tư để nâng cao chất lượng… lại ít được quảng bá nên không phải ai cũng biết có sự hiện diện của hoạt động này.
Không có nhiều hoạt động văn hóa, giải trí ngày xuân ở Quy Nhơn, nên nhiều người dân đi xem phim ngày Tết để thư giãn. Nhưng xem được phim cũng đâu có dễ, khi TP Quy Nhơn hiện có đến hơn 311 ngàn dân mà chỉ có đúng một rạp chiếu phim với sức chứa tối đa chỉ trên dưới 300 khán giả. Rạp 31.3 Tết năm nay liên tục “cháy vé” bộ phim “Công chúa teen và ngũ hổ tướng”, mặc dù mỗi ngày chiếu đến 5 suất. Quy Nhơn - thành phố loại 1 mà chỉ có duy nhất một rạp chiếu phim thì quả đúng là... chuyện lạ (!).
Để xứng đáng với tầm vóc đô thị loại 1, có lẽ các cơ quan có trách nhiệm ở Quy Nhơn cần sáng tạo nhiều hơn trong tổ chức những hoạt động vui xuân nói riêng, các chương trình phục vụ nhu cầu giải trí của người dân nói chung. Người ta thường đo sức sống văn hóa của một đô thị vào ban đêm. Nếu tin vào cách làm này sẽ thấy Quy Nhơn bị… “suy dinh dưỡng”.
“Đêm hội tháp Đôi” đã được tổ chức tròn 10 năm nay, nhưng những năm gần đây, chương trình ít có sự thay đổi, phần nào trùng lắp, khiến người xem ít dần. Trong khi đây vừa là hoạt động vui xuân, vừa góp phần quảng bá cho di tích tháp Đôi. Nếu đêm hội được quan tâm đầu tư, nâng tầm thành một lễ hội vui xuân tiêu biểu của Quy Nhơn và kéo dài thời gian hơn, đây sẽ là điểm nhấn quan trọng, khiến cái tên Quy Nhơn đọng lâu trong trí nhớ của bạn bè, du khách.
Biên đạo Hoàng Việt tâm sự: “Tuy đã cố gắng dàn dựng Đêm hội tháp Đôi trong 10 năm qua, nhưng thực sự mà nói, hoạt động này đến nay vẫn còn những hạn chế. Vì vậy, tôi đang ấp ủ ý tưởng xây dựng hoạt động này thành một lễ hội tháp Đôi thật sự, với chương trình phong phú, đặc sắc chứ không chỉ diễn ra có một đêm văn nghệ như bây giờ. Nếu được sự quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện, tôi tin ý tưởng đó hoàn toàn có thể trở thành hiện thực…”.
Hội thi múa lân truyền thống TP Quy Nhơn là một hoạt động tạo không khí rộn ràng, hứng khởi cho người dân trong dịp Tết. Có thể mở rộng quy mô hội thi bằng việc mời gọi các đội lân nổi tiếng trong tỉnh tham gia. Nếu các đội lân mạnh ở TP Quy Nhơn như CLB lân sư rồng Kỳ Hoàn, CLB lân chùa Xá Vệ có dịp so tài với đội lân sư rồng ở xóm ga Diêu Trì (huyện Tuy Phước); đội lân sư rồng của võ sư Lý Xuân Cảnh ở Nhơn Hưng và đội “lân võ” ở An Thái (huyện An Nhơn)… thì chắc chắn, đây sẽ là một chương trình thi lân ngày Tết hấp dẫn, ấn tượng. Và thật ra, hội thi này không nhất thiết mỗi năm chỉ diễn ra một lần. Nhân dịp Trung thu, Quốc khánh, sinh nhật Bác vẫn có thể tổ chức những ngày hội như thế.
Phục vụ được nhu cầu giải trí ngày càng nâng cao của người dân là vấn đề quan trọng liên quan đến nhiều ngành, không chỉ của cấp thành phố mà còn là của cấp tỉnh. Có lẽ các ngành nên chủ động nhiều hơn là trông cậy vào ý kiến chỉ đạo của chính quyền. Thậm chí có thể tìm tòi, sáng tạo thêm những ngày hội mới để TP Quy Nhơn - gương mặt của tỉnh Bình Định - có thêm nhiều “sức sống mới” xứng tầm với một đô thị loại 1.
|