Xem “cờ võ” ở Nhơn Hưng
8:18', 24/2/ 2010 (GMT+7)

Đã 5 mùa xuân qua, sân vận động xã Nhơn Hưng (huyện An Nhơn) luôn rộn ràng hội cờ người vào những ngày Tết. Nét độc đáo, thu hút khán giả của cờ người Nhơn Hưng không chỉ ở khả năng điều binh khiển tướng của các kì thủ, mà còn ở những màn đấu võ đẹp mắt...

 

Hội cờ người Nhơn Hưng đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương.

 

* Đánh cờ và đấu võ

Tối mùng 7 Tết Canh Dần, hội cờ người Nhơn Hưng chính thức khai mạc, với những tiết mục biểu diễn lân sư rồng, võ thuật đẹp mắt của CLB võ thuật xã Nhơn Hưng. Hội cờ người xã Nhơn Hưng năm nay quy tụ 4 kì thủ trong và ngoài tỉnh. Kì thủ Lê Tấn Thủy, Phó Chủ tịch Hội Cờ tướng tỉnh Gia Lai, cho biết: “Nghe nói đến cờ người từ nhỏ nhưng tôi chưa có cơ hội được chứng kiến. Khi được mời xuống Bình Định tham gia thi đấu ở hội cờ người, tôi háo hức đợi ngày phó hội từ trước Tết…”. 

Sau những hồi trống chầu báo hiệu trận thi đấu cờ người bắt đầu. Kỳ đài thi đấu được dựng bằng giàn giáo khá cao, nên 2 kì thủ Lê Tấn Thủy (Gia Lai) và Nguyễn Văn Tới (Bình Định) trong trang phục áo dài khăn đóng phải “vất vả” một hồi mới lên tới nơi.

Sau mỗi hiệu lệnh của các kì thủ, các quân cờ liền biểu diễn những động tác võ thuật đẹp, trước khi chạy tới vị trí kì thủ đánh. Đông đảo khán giả đủ mọi lứa tuổi vây quanh “bàn cờ”, rôm rả bàn tán các nước đi và chờ đợi quân cờ đấu võ. Sau hơn chục nước cờ, thấy được sơ hở của đối thủ, kì thủ Trần Văn Tới hô to: “Xe “sát” mã”; lập tức quân xe cờ xanh chạy đến giao đấu với quân mã cờ đỏ. Sau vài chiêu thức “xã giao”, quân mã đỏ bất ngờ sử dụng chiêu thức Hồi tiểu kim kê đá trung lang, nhưng quân xe xanh né được và tung cú Thôi sơn đầy uy lực, khiến đối phương dính đòn nặng tung ngã “chết” đẹp mắt. 2 quân cờ dự bị túc trực ngoài sân nhanh chóng chạy vào khiêng “xác cờ” ra trong tiếng vỗ tay phấn khích của khán giả.

Trận cờ lại tiếp tục diễn ra hấp dẫn giữa màn đấu trí trên cao của kì thủ và màn đấu võ phía dưới của các quân cờ. Đến gần 10 giờ đêm, trận đấu cờ người thứ nhất mới kết thúc; cặp đấu thứ hai giữa kì thủ Huỳnh Chí Thành (huyện An Nhơn) và Lê Minh Hoàng (huyện Tuy Phước) bắt đầu. Đông đảo khán giả vẫn tiếp tục cổ vũ nhiệt tình.

* Nét đẹp văn hóa cần được quảng bá

Ông Phan Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hưng, cho biết: “Năm 2006, võ sư Nguyễn Xuân Cảnh quyết định khôi phục lại trò chơi dân gian cờ người. Ông có sáng kiến đưa biểu diễn, thi đấu võ cổ truyền vào hình thức chơi cờ người, để hội cờ sinh động và hấp dẫn hơn. Hội cờ người diễn vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, phục vụ rất tốt nhu cầu giải trí của đông đảo bà con nhân dân, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương chúng tôi”.  

Võ sư Nguyễn Xuân Cảnh đã tuyển chọn 50 nam, nữ đệ tử (từ 10-17 tuổi) trong CLB võ thuật xã Nhơn Hưng để tham gia đội cờ người. Võ sinh Nguyễn Thành Minh (10 tuổi) hồ hởi cho biết: “Em mới học võ được 2 năm nhưng đã 6 lần tham gia hội cờ người. Điều em vui nhất là được đóng quân cờ thi đấu võ thuật trong sự cổ vũ của đông đảo người xem”. Dù đã có nền tảng võ thuật nhưng võ sư Cảnh và học trò vẫn phải tập luyện ròng rã trong vài tháng trời, mới có thể biểu diễn thành thạo và đẹp mắt.

Kì thủ lão làng Minh Trưng nhận xét: “Có dịp coi hội đánh cờ người ở một số thành phố lớn, tôi thấy cờ người Nhơn Hưng có nét độc đáo riêng ở phần “hồn” mang đậm nét dân dã. Điểm hay là võ sư Cảnh đã huy động được lực lượng võ sinh đồng đều về hình thể, đánh những động tác võ thuật cổ truyền bám sát đặc điểm chiến đấu riêng của từng quân cờ….”.

Năm ngoái, đội cờ người Nhơn Hưng được mời lên biểu diễn ở Gia Lai 3 đêm liền. Đội cờ người Nhơn Hưng cũng hoạt động liên tục từ mùng 1 đến mùng 8 Tết năm nay ở các xã, thị trấn của huyện An Nhơn. Võ sư Xuân Cảnh tâm sự: “Đi biểu diễn nhiều, đội cờ người ai cũng mệt đừ người nhưng vui. Chúng tôi chỉ lấy thù lao tượng trưng chút ít vì mục đích chính là đi biểu diễn giới thiệu, quảng bá cho phong trào”.

Cờ người Nhơn Hưng là nét đẹp văn hóa truyền thống mang “sắc màu tươi mới” của đất Võ Bình Định, nhưng chưa được tạo điều kiện để quảng bá rộng rãi. Một lễ hội vui như vậy mà diễn ra trong một khung thời gian quá ngắn, lại ít được phổ biến rộng rãi để có thêm nhiều người tới thưởng lãm, tiếc lắm thay.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giỗ tổ võ đường võ sư Phan Thọ  (23/02/2010)
Chiêm ngưỡng di sản tư liệu thế giới đầu tiên ở Việt Nam  (23/02/2010)
Cần tạo thêm nhiều... “sức sống mới”  (23/02/2010)
Đầu xuân nói chuyện đốt vàng mã  (22/02/2010)
Lễ hội Huyền Trân công chúa  (22/02/2010)
Tây Sơn hào kiệt - phim cổ trang khá nhất  (22/02/2010)
Xuân Diệu với quê hương  (22/02/2010)
Bốn câu đối khóc vua Quang Trung  (21/02/2010)
Đền Mẫu Âu Cơ chính thức khai hội tại Phú Thọ  (21/02/2010)
Khai hội Xuân Thăng Long - Hà Nội ngàn năm  (21/02/2010)
Về Hoài Nhơn chơi cổ nhơn  (21/02/2010)
Du xuân trên đất “nậu nguồn”   (21/02/2010)
Số phận các thủ lĩnh thi ca Nga  (19/02/2010)
Thăm Hổ Quyền nhân năm con Hổ  (19/02/2010)
Rộn ràng thi lân   (19/02/2010)