Ngày thơ, nghĩ về thơ
15:52', 26/2/ 2010 (GMT+7)

Nhiều năm qua, ngày rằm tháng Giêng (âm lịch) hàng năm đã trở thành ngày quan trọng đối với người làm thơ và công chúng yêu thơ, bởi vì đây là Ngày thơ Việt Nam. Và cũng trở thành lệ quen, đến ngày này những người làm thơ, công chúng yêu thơ ở vùng “đất Võ, trời Văn” lại được dịp gặp nhau ở đêm thơ Nguyên tiêu được tổ chức ở thành phố biển Quy Nhơn.

Thường thì các đêm thơ Nguyên tiêu (kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam) trước đây được tổ chức ở đồi Thi nhân (Ghềnh Ráng) vào tối ngày rằm, bên mộ nhà thơ tài hoa nhưng bạc mệnh Hàn Mặc Tử. Có lần tôi đang đứng trước nhà mình, bỗng có một người đàn ông (tuổi chừng ngũ tuần) và một chị cũng trạc tuổi ấy dừng xe hỏi thăm tôi đường vô mộ Hàn Mặc Tử. Nhìn người đàn ông dáng vẻ nông dân và người phụ nữ cùng với chiếc xe máy Hon Da 79 lấm lem màu đất tôi đoán họ từ vùng sâu mới lên thành phố. Chợt nghĩ chắc là người đi tham quan, nhưng tôi bỗng giật mình: “hôm nay đã là rằm tháng Giêng, ngày thơ…).

Tôi chỉ đường cho người đàn ông nọ và chợt thấy mình có lỗi. Tôi quên mất hôm nay là ngày thơ, hai người nọ chắc hẳn là vào Ghềnh Ráng để tham dự Ngày thơ Việt Nam được tổ chức ở đó. Họ là nông dân chân lấm tay bùn, biết đâu phải bỏ một buổi cày để dự Đêm thơ nguyên tiêu. Có thể họ nằm trong số khách thơ “không mời mà đến”, họ chỉ đọc tin trên báo biết ở đó có đêm thơ là đến để nghe thơ.

Cũng một chuyện khác mới đây. Một buổi chiều cuối năm Kỷ Sửu anh Quang Khanh (Báo Bình Định) nói với tôi: “Tối nay CLB Xuân Diệu sẽ giới thiệu tập thơ của anh Bửu, mời bạn đến dự nhé!”. Tôi không biết anh Bửu (Đào Viết Bửu) làm thơ từ khi nào, vì anh thuộc lớp đàn anh về tuổi tác, nhưng những ngày tôi mới về làm báo Bình Định (lúc đó là báo Nghĩa Bình) năm 1985 thì anh Bửu đã có thơ đăng báo và đọc cho anh em nghe trong những cuộc vui bạn bè. Anh là một nông dân, một thầy giáo, cuộc sống cũng không dễ dàng trong thời buổi “cơm áo gạo tiền” người ta tranh nhau làm ăn, kiếm tiền… Rồi thỉnh thoảng gặp thơ anh đăng trên một số tờ báo. Và khi mái đầu đã bạc thì anh có tập thơ “Ngày xanh rêu” để tặng bạn bè. Những người như anh Bửu thơ đã trở thành tâm trạng, sự giải bày… Tôi nghĩ, anh chỉ làm thơ khi thấy cần chuyển giao thông điệp của lòng mình.

Vốn không phải người làm thơ, tôi không thể lý giải hết sức hút nội lực của thơ. Thế nhưng ngoài xã hội đâu phải ai cũng yêu thơ. Có thể nhiều người cảm nhận thơ, tiếp cận với thơ hàng ngày nhưng họ không nhận biết thơ ca…

Người ta có thể hiểu nhiều cách khác nhau về thơ. Riêng tôi vẫn thấy có một cách nhìn nhận về thơ thật giản dị của một nhà thơ, đại ý: Thiếu thơ không có ai chết cả, nhưng cuộc sống mà không có thơ thì không ra cuộc sống.

Có lẽ vì thế mà tôi đã gặp anh nông dân nọ đi nghe thơ, và anh Đào Viết Bửu vẫn làm thơ. Vậy đấy, dẫu nhịp sống đổi thay đến đâu thì thơ vẫn là thơ, những nhà thơ vẫn cứ làm thơ, những công chúng yêu thơ vẫn yêu thơ. Tôi tin, cuộc sống này vẫn không thể thiếu thơ…

  • Hữu Vinh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tìm đời sống cho thơ   (26/02/2010)
Nhộn nhịp du xuân Ghềnh Ráng  (25/02/2010)
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 - sẽ là một đại lễ hội thơ ca  (24/02/2010)
Xem “cờ võ” ở Nhơn Hưng  (24/02/2010)
Giỗ tổ võ đường võ sư Phan Thọ  (23/02/2010)
Chiêm ngưỡng di sản tư liệu thế giới đầu tiên ở Việt Nam  (23/02/2010)
Cần tạo thêm nhiều... “sức sống mới”  (23/02/2010)
Đầu xuân nói chuyện đốt vàng mã  (22/02/2010)
Lễ hội Huyền Trân công chúa  (22/02/2010)
Tây Sơn hào kiệt - phim cổ trang khá nhất  (22/02/2010)
Xuân Diệu với quê hương  (22/02/2010)
Bốn câu đối khóc vua Quang Trung  (21/02/2010)
Đền Mẫu Âu Cơ chính thức khai hội tại Phú Thọ  (21/02/2010)
Khai hội Xuân Thăng Long - Hà Nội ngàn năm  (21/02/2010)
Về Hoài Nhơn chơi cổ nhơn  (21/02/2010)