Bình Định là xứ một mặt là biển, ba mặt là núi rừng hoang vu, hiểm trở, xưa là đất phiên trấn- biên giới Việt - Chàm. Nơi lưu đày hoặc lánh nạn của các hào kiệt không thuận ý quân vương. Nơi dung nạp những con người thất cơ lỡ vận tìm đường sống. Đương nhiên song hành với hai đối tượng vừa nói, vùng này cũng thường xảy ra nạn trộm cướp. Do đặc điểm địa lý và xã hội như vậy nên nhu cầu về võ nghệ của người Bình Định thuở ấy cực kỳ bức thiết. Trước nhằm rèn luyện thể lực chống chọi thiên nhiên khắc nghiệt; chống thú dữ uy hiếp cuộc sống con người; chống trộm cướp bảo vệ tính mạng và thành quả lao động. Thứ đến là chống áp bức, cường quyền, bênh vực kẻ yếu, giúp người nghèo, làm việc nghĩa.
|
Quê mẹ chàng Lía. Ảnh: tuoitre.com
|
Chuyện chàng Lía vừa là tướng cướp vừa đậm màu hiệp sĩ, phạm vi hoạt động từ cùng núi Bình Khê đến Hoài Ân… là ví dụ. “Chiều chiều én liệng Truông Mây/ Cảm thương chú Lía bị vây trong thành”… Câu dân dao ấy mãi đến giờ đây còn ngưng đọng trong trí nhớ của các thế hệ người Bình Định. Theo khảo cứu của cố học giả Quách Tấn trong “Nước non Bình Định” có thể tóm lược như thế này: “Chú Lía” hay “Chàng Lía” sống dưới thời chúa Nguyễn (tác giả không ghi rõ thời chúa nào). Quê cha ở huyện Phù Ly, còn quê ngoại ở thôn Phú Lạc, huyện Tuy Viễn (tức vùng Tây Sơn- An Nhơn bây giờ). Lía mồ côi cha từ bé, theo mẹ sống ở quê ngoại, lớn lên đi ở chăn trâu cho một phú ông trong miền. Lía ương ngạnh, lại rất có hiếu với mẹ. Lía cầm đầu lũ trẻ lừa được phú ông rồi bị đuổi đi lang thang… Lía vào rừng gặp một lão trượng đang đánh cọp, hai bên thủ thế kiềm chế nhau, Lía lẻn phía sau nhảy bổ tới ôm cổ kẹp hông cọp. Bị thất thế, cọp vùng vẫy rồi nghẹt thở chết. Sau đó, Lía được lão trượng đưa lên núi truyền dạy võ nghệ.
Sau 5 năm ở núi, lão trượng qua đời, Lía về với mẹ, Lía nuôi mẹ bằng nghề săn bắt thú rừng. Một hôm, có tên lính lệ đến làng cậy thế áp bức dân, bị Lía đánh chết rồi cõng mẹ lánh vào rừng sâu. Vào núi lần này, Lía gặp toán lục lâm mời làm trại chủ. Lía sai sửa sang thành Uất Trì vốn là của người Chàm để lại ở Bá Bích làm căn cứ, vì vậy nơi đây có thêm tên gọi “thành chàng Lía”. Uy danh của Lía từ đó lừng lẫy nhờ vào việc có phân phát một phần của cải cướp được cho người nghèo. Cố nhiên đám cường hào căm ghét, người nghèo thì bảo bọc.
Sau khi thu nạp được bọn cướp cha Hồ chú Nhẫn ở Truông Mây, Lía được tôn làm đệ nhất trại chủ.
Năm ấy thành Quy Nhơn có hội thi võ chọn chỉ huy đánh Trịnh. Lía, Hồ, Nhẫn cải trang, thay tên đổi họ xuống núi dự thi. Gặp phải giám khảo trường thi đòi của đút, bọn Lía bỏ về, kéo lâu la đến đốt phá trường thi, giết giám khảo. Quan quân phủ Quy Nhơn dốc sức bao vây công phá sơn trại. Thừa lúc ấy, Lía dẫn một ít tâm phúc bất ngờ đột nhập vào phủ thành Quy Nhơn nổi lửa đốt dinh thự, viên Khám lý Quy Nhơn vừa thức giấc thì đầu y đã rụng, ái thiếp của y bị bắt, rồi thành vợ Lía.
Được tin Quy Nhơn có biến, chúa Nguyễn cho viện binh vào đánh dẹp. Mấy năm liền sơn trại Truông Mây không nao núng. Cuối cùng, chúng bí mật liên hệ được với mụ đàn bà “vợ Lía” làm nội ứng. Một hôm, nhân sơn trại có tiệc vui, mụ ta chuốc rượu có thuốc mê, cả sơn trại say mèm nằm ngổn ngang như chết. Mụ ta trói chặt các đầu lĩnh. Riêng Lía, mụ trói vào tấm ván phản Lía đang nằm rồi mở toang cổng trại thoát thân, quân triều ùa vào giết sạch. Một mình Lía lợi dụng tấm ván phản trói dính người làm vũ khí che thân chống đỡ thoát nạn.
Đơn thân lưu lạc đến khu rừng sâu, Lía gặp ông lão giúp Lía cởi trói, cho ăn. Khi đã định thần Lía kết thúc cuộc đời phản kháng manh động bằng cách tặng cái đầu mình cho ông lão nộp quan lãnh thưởng để đền ơn ông lão…
Trước Cách mạng tháng Tám, ở quê tôi, có ông Trung Vạn chuyên sống về nghề nói vè chàng Lía, hành nghề mấy chục năm mà luôn no đủ, vì người nghe không chán. Nghệ thuật kể chuyện của ông Vạn hấp dẫn không kém diễn viên sân khấu chuyên nghiệp, âm thanh trầm bổng, tình cảm diễn biến, điệu bộ sinh động, một mình cùng lúc đóng mấy vai mà không cần hóa trang. Ông Vạn chết, nghệ thuật kể chuyện “vè chàng Lía” cũng chết theo…
Sự tích chàng Lía với sức sống nói trên tuy đậm chất truyền kỳ nhưng gói ghém khá trọn vẹn những gì thuộc về yếu tố phát sinh và hình thành “miền đất võ” Bình Định; đồng thời, cũng là bức tranh toàn cảnh cái đêm hôm trước nổ ra cuộc khởi nghĩa Tây Sơn…
|