Hội Kiến trúc sư (KTS) Bình Định hiện có 36 hội viên, phần lớn hoạt động trên lĩnh vực tư vấn thiết kế và quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc. Thời gian qua, giới KTS Bình Định đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển đô thị tỉnh nhà.
|
Một góc TP Quy Nhơn. Ảnh: Hoàng Vân
|
Những năm gần đây, các KTS đã nghiên cứu sâu hơn để có sự đóng góp tích cực trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng đô thị. Lực lượng KTS đã tham gia lập quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, các khu công nghiệp, khu du lịch, khu dân cư; quy hoạch xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở đô thị…
KTS tỉnh nhà cũng đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc xây dựng nông thôn. Đến nay, hơn 55% trung tâm xã, cụm xã trong tỉnh đã được quy hoạch và hướng dẫn xây dựng. Đây là một cơ sở quan trọng để khu vực nông thôn tỉnh ta hoạch định hướng phát triển.
Các KTS đã thiết kế nhiều công trình công cộng và nhà ở tư nhân hiện đại, có giá trị thẩm mỹ cao. Nhiều công trình kiến trúc có sự mới mẻ, phong phú trong các giải pháp tổ chức không gian, hình khối, sử dụng vật liệu và kỹ thuật hoàn thiện, khai thác các yếu tố môi trường và cảnh quan thiên nhiên… góp phần xây dựng diện mạo ngày càng đẹp hơn cho TP Quy Nhơn nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung.
Ông Lê Đăng Tuấn, Phó Trưởng phòng Quản lý - Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng, nhận xét: “Các KTS tỉnh nhà đã có những đóng góp lớn làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc xây dựng nhà ở có thẩm mỹ, hiệu quả về công năng sử dụng. Nhiều khu dân cư có kiến trúc đẹp đã hình thành ở Quy Nhơn và một số huyện trong tỉnh nhờ công sức sáng tạo của lực lượng KTS…”.
Thực hiện chức năng tư vấn, phản biện xã hội, Hội KTS tỉnh đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, có giá trị đối với các nhiều phương án kiến trúc, dự án quy hoạch quan trọng như: Trung tâm Thương mại Chợ Lớn Quy Nhơn, Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân, Đền thờ Đô đốc Võ Văn Dũng, Đền thờ Mai Xuân Thưởng, điều chỉnh quy hoạch Khu du lịch Ghềnh Ráng, quy hoạch Khu đô thị xanh Vũng Chua…
Lực lượng KTS tỉnh nhà hiện khá đông đảo, nhưng số KTS thực sự say mê nghiên cứu về những “vấn đề chung” của đô thị, nông thôn chưa nhiều. Từ đó, dẫn đến nhận thức về đô thị hóa chưa toàn diện; còn thiếu cơ sở khoa học, dự báo chính xác. Việc thực hiện quy hoạch đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới tuy có, nhưng vẫn còn chậm. Điều này có trách nhiệm một phần của lực lượng KTS trong tỉnh, khi chưa mạnh dạn đề xuất các ý tưởng mới, nhiều lúc phụ thuộc hoàn toàn vào ý kiến còn hạn chế của chủ đầu tư. Số lượng công trình kiến trúc thực sự được đánh giá cao, thể hiện “dấu ấn” sáng tạo riêng của KTS Bình Định chưa nhiều. Việc tiếp cận để áp dụng các xu hướng kiến trúc tiên tiến đang thịnh hành như kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, kiến trúc tiết kiệm năng lượng… của lực lượng KTS còn hạn chế…
Để các KTS Bình Định có thể hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội của mình, cần phải có sự quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp chính quyền, các chủ đầu tư xây dựng công trình. Có vậy, các KTS mới có thể phát huy năng lực sáng tạo, góp phần hình thành nên những khu đô thị, khu dân cư nông thôn đẹp, hiện đại và văn minh cho tỉnh nhà.
KTS NGUYỄN HUỲNH, Chủ tịch Hội KTS Bình Định:
“Kiến trúc của tỉnh Bình Định từ thành thị đến nông thôn còn chưa đẹp, thiếu những trục cảnh quan, những điểm nhấn để xây dựng hình ảnh đô thị có bản sắc văn hóa riêng, mang vẻ đẹp văn minh và hiện đại. Điều này trách nhiệm trước hết thuộc về lực lượng KTS chúng tôi. Mỗi KTS Bình Định cần liên tục nỗ lực học hỏi nhiều hơn nữa, để nâng cao chất lượng sáng tác, phát huy hiệu quả thiết thực trong công tác tư vấn phản biện xã hội…”. |
|