Chào mừng Ngày thơ Việt Nam, Trung tâm Văn hóa tỉnh và CLB Văn học Xuân Diệu sẽ tổ chức Đêm thơ Nguyên Tiêu với chủ đề “Xuân quê hương” vào tối nay (ngày 28.2) tại tiền sảnh Trung tâm Văn hóa tỉnh bên Tượng đài Quang Trung. Nhưng ngay từ buổi chiều, ở địa điểm này, không khí thơ ca đã bắt đầu “nóng” lên với nhiều hoạt động lôi cuốn…
|
Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đang luyện viết chữ Hán lại cho đẹp hơn để “cho chữ”. Ảnh: H.Thu
|
Vào 16 giờ chiều nay, tại tiền sảnh Trung tâm Văn hóa tỉnh bên Tượng đài Quang Trung, sẽ diễn ra hoạt động “cho chữ” của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn và viết thơ thư pháp của nghệ sĩ Bình Tuy.
Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn cho biết: “Tôi vui vì được tham gia đóng góp cho ngày họp mặt của những người yêu thơ ca. Mấy ngày hôm nay, tôi đã luyện tập lại, để viết chữ Hán cho đẹp hơn, nhằm “cho chữ”…”.
Phong trào thơ ca quần chúng trong những năm qua không ngừng phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh. Do đó, vào 17 giờ, Hội thơ sẽ được tổ chức để làm “cầu nối” giao lưu giữa CLB Văn học Xuân Diệu, CLB Thơ trẻ, CLB Văn học- Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, CLB Trường Thi- Trường THPT Quy Nhơn, CLB Thơ Đường...
Nhà báo Quang Khanh, Chủ nhiệm CLB Văn học Xuân Diệu, tâm sự: “Chúng tôi góp sức để tạo nên hoạt động sinh hoạt văn hóa hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam có ý nghĩa tại TP Quy Nhơn. Đáng trân trọng là hoạt động này đã nhận được sự ủng hộ, tài trợ kinh phí theo hình thức xã hội hóa của Công ty Dược- Trang thiết bị y tế Bình Định và một số nhà hảo tâm…”.
Đêm thơ Nguyên Tiêu với chủ đề “Xuân quê hương” sẽ chính thức khai mạc vào lúc 19 giờ 30 tối nay (rằm tháng giêng năm Canh Dần). Sau lời khai mạc và tiếng trống khai hội thơ, hàng trăm câu thơ hay của các nhà thơ ở Bình Định sẽ theo bong bóng bay lên, hòa nhịp vào “bầu trời thơ ca” Việt Nam. Phần biểu diễn thơ có sự tham dự của đội nhạc dân tộc (sáo, đàn bầu, đàn tranh) và các nghệ sĩ ngâm thơ Băng Châu, Thùy Dung, Minh Hoàng, Bích Hạnh, Kim Thành… Mở đầu đêm thơ, mọi người sẽ thưởng thức bài thơ Nguyên Tiêu của Bác Hồ, cùng phần bình của NGƯT Trương Tham. Tiếp đó, người yêu thơ sẽ cùng nhau tưởng vọng bản “tuyên ngôn độc lập” bằng thơ đầy ý nghĩa của Lý Thường Kiệt với bài “Nam quốc sơn hà”.
Chương trình ngâm thơ theo chủ đề gồm những bài thơ hay về mùa xuân như: “Nụ cười xuân” (Xuân Diệu), “Thơ xuân viết ở An Nhơn” (Đặng Quốc Khánh), “Lời mùa xuân” (Trần Hoa Khá); hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội với các tác phẩm: “Nhớ Hà Nội” (Văn Trọng Hùng), “Ru bên Hồ Gươm” (Nguyễn Văn Chương), “Ngày hội Tây Sơn” (Lệ Thu)…. Những tâm tư, tình cảm của các nhà thơ Bình Định về quê hương, đất nước sẽ được thể hiện với: “Trong ngôi nhà lá mái” (Mai Thìn), “Nhơn Châu” (Trần Quang Khanh), “Tổ quốc” (Từ Quốc Hoài), “Ca dao Bình Định ở Kon Tum” (Trần Viết Dũng), “Trước Tượng đài Quang Trung” (Phan Văn Thuần)… Các tác phẩm: “Rượu làng Vân” (Nguyễn Đình Sinh), “Uống rượu Bầu Đá ở Đà Lạt” (Nguyễn Thanh Xuân) sẽ góp thêm chất men say, để đêm thơ Nguyên Tiêu thêm “nồng”.
Ông Đào Minh Tâm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Đêm thơ Nguyên Tiêu, cho biết: “Đêm thơ là hoạt động thu hút được sự quan tâm của đông đảo những người yêu thơ, nên chúng tôi đã phối hợp chuẩn bị kỹ về chương trình, sân khấu, âm thanh ánh sáng, biểu diễn văn nghệ… để đảm bảo tổ chức đêm thơ Nguyên Tiêu thành công”.
|