Những nhà ở phố chợ hồi xưa, phần nhiều có gác xếp. Gác không rộng, xây cất đơn sơ: thả đà gỗ, lát ván, cửa mở ra lan can, có cửa sổ chấn song để đón gió mát và nhìn xuống đường phố yên tĩnh hoặc vườn cây xanh um. Bởi nhỏ nhoi thế, nên gác được gọi là gác xếp.
Trên gác xếp, ở mấy cậu con trai hoặc mấy cô gái (con chủ nhà), cho các cậu (hoặc cô) có chỗ riêng biệt, tiện cho sinh hoạt, học hành, trang điểm… Cũng có gia đình kinh doanh, khi xây cất nhà không quên nhô lên cái gác xếp, để vừa chứa hàng dự trữ vừa cho con cái ở.
Từ ngày nền giáo dục phát triển, những gia đình hiếu học thuộc các vùng quê cho con em quảy đàn sách đi học xa nhà. Vậy là xã hội có nhu cầu cung cấp chỗ ở cho đám sĩ tử ngày một đông. Trong số đông sĩ tử, may chỉ có một số ít cô cậu được vào ký túc xá; phần còn lại thì ở ngoài, họ lấy điều du học để tìm chỗ trọ, phần nào giống như tình cảnh chàng Kim thuở trước: “Tần ngần đứng suốt giờ lâu/ Dạo quanh chợt thấy mé sau có nhà/ Là nhà Ngô Việt thương gia/ Phòng không để đó, người xa chưa về/ Lấy điều du học hỏi thuê/ Túi đàn cặp sách đề huề dọn sang” (Kiều, Nguyễn Du).
Thế là các gác xếp sẵn có của người phố chợ, thị thành kia bỗng chốc trở thành gác trọ, đón các cô cậu sinh viên, học sinh vào ở. Và cũng có lẽ từ đó mà từ gác trọ được dùng phổ biến. Thường, những gác trọ được cho thuê với giá rẻ, vừa với túi tiền học sinh. Nhưng cũng có gác trọ cho ở nhờ, vì sĩ tử vốn người quê cũ của ông chủ nhà. Cũng có không ít trường hợp, chủ nhà đón học sinh, sinh viên ưu tú vào trọ học để phong họ làm gia sư, đặng kèm việc học của các con cái nhà.
Ở quê tôi hồi xưa, có nhà trọ (vì hồi xưa ở nông thôn ít gặp nhà gác). Ấy là thuở trường College Quy Nhơn theo kháng chiến (1945-1954) tạm thời dời lên làng Hòa Bình, thuộc xã Nhơn Phong (huyện An Nhơn), đặt tên mới là Trung học An Nhơn, nhưng nhân dân thích gọi tắt là trường Hòa Bình. Bà con địa phương đã sẵn sàng nhường nhà trên với đủ giường phản, tràng kỷ… cho học sinh chúng tôi trọ học. Ở TP Quy Nhơn, khoảng những năm 60 thế kỷ trước, nhiều gia đình làng Xuân Quơn (tên một làng quê cũ thuộc TP Quy Nhơn) nhường nguyên vẹn nhà mình cho học sinh vào trọ học, còn gia đình thì dọn về bên nhà nội hoặc nhà ngoại ở.
Nơi căn gác trọ, những cô, cậu sinh viên, học sinh chung ngọn đèn, chồng sách, cây đàn, ánh trăng soi trước cửa… Rất nhiều gác trọ, các cô cậu còn chung mâm cơm, chung miếng ngọt bùi.
Học sinh trường Hòa Bình, nhóm chúng tôi có tôi - quê An Nhơn - có lúa, Đoan- Phù Cát - củ mì, củ lang, Huấn- vạn Gò Bồi, quê ngoại nhà thơ Xuân Diệu- mắm cá: “Khi má anh sinh ra/ Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi” (Xuân Diệu). Những hôm nghỉ học về quê; rồi hôm từ quê lên, chúng tôi có gì mang theo nấy về nhà trọ, góp vào bếp chung. Việc học hành, sinh hoạt cứ thế trôi qua, ông chủ nhà trọ, khách hàng xóm, khách khu phố nhìn vào, thấy các trò tiến bộ, tâm hồn rất đỗi trẻ trung, yêu đời mà khen ngợi. Rồi một ngày, các trò thấy rằng mùa thi như cơn lũ đến chân, và thế là họ tăng tốc việc học cùng với màu huyết phượng nở đỏ rực ngoài đường phố. Họ uống cà phê để thức đêm học, giảm hẳn những chuyến đi dã ngoại cuối tuần trên thành Bình Định, mộ Hàn Mặc Tử, núi Huỳnh Mai (nơi có mộ Đào Tấn)… Không ít đêm, đầu óc nơi trang sách mở mà bụng họ vẫn nghe được cái đói, tai họ vẫn nghe được tiếng sanh gõ cốc cốc… từ xe phở, xe mì hoành thánh quen thuộc đang lăn bánh bán rong trên đường phố, vọng tới. Họ rủ nhau ra đón, xúm nhau một bữa ăn khuya quanh xe hàng và dưới ánh đèn đường mờ nhạt.
Tình bạn học thường được khởi sự từ tình chung gác trọ (đồng song) rồi mới đến chung thầy (đồng sư), chung lớp trường (đồng môn). Sự khó khăn của cảnh ngộ vẫn thường gặp: “Rũ áo phong sương trên gác trọ/ Lặng nhìn thiên hạ ngắm xuân sang” (Thơ Thế Lữ). Hồi xưa, đường phố hẹp và yên tĩnh, cho nên gác xếp hai nhà đối diện tưởng chừng hôn nhau được. Gác trọ bên này nam sinh viên thuê, gác trọ bên kia nữ sinh viên thuê, chẳng biết vì tình ý gì mà “cửa sổ hai nhà vẫn mở”… Một tình yêu ban đầu chợt đến, rồi chợt đi, để lại nỗi buồn: “Gác lạnh về khuya cơn gió lùa/ Trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa/ Nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt/ Lá vàng nhè nhẹ đưa” (lời bài hát “Nỗi buồn gác trọ” của Mạnh Phát).
Không ít gác trọ đã là nơi để nhiều văn nhân, thi sĩ, nhà nghệ sĩ thành danh. Trong đó, không biết chừng có thi sĩ Hoàng Cầm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn? Không phải không có những gác trọ là nơi người trí thức trẻ được đón đọc “tân thư”, giác ngộ lý tưởng yêu nước thương nòi, mà từ đó dấn thân vào con đường hoạt động “hội kín”, hoạt động cách mạng?
Người ngoài cuộc nghe nói gác trọ có thể vô tình bỏ qua, nhưng nhiều người trong cuộc nghe nhắc lại thì bồi hồi, xúc động, vì coi đó như là một phần đời, những kỷ niệm đẹp, khó quên của chính mình thời mài đũng quần ở các ghế trường học với bao niềm khát khao đi tìm tri thức, lẽ yêu đời, lý tưởng sống…
Tôi thường suy nghĩ, cái gác trọ “đèn mờ theo hơi khói” ngày xưa đã có vai trò lịch sử của nó. Và chẳng biết cái phòng trọ với nhiều tiện nghi ngày nay có làm được hơn thế không, khi mà xã hội đang rất cần đến tài năng và lý tưởng cống hiến của thế hệ trẻ? Mỗi lần ký ức thời học sinh, sinh viên trở về, trong tôi như được sống lại quãng thời gian xưa cũ với những lớp bạn bè cùng nối khố và những căn gác trọ chất đầy sách mà không thiếu tiếng đàn trầm nửa khuya…
|