Các nghệ sĩ trong các gánh hát bội Bình Định ngày xưa nếu chưa phải là võ sĩ thì ít ra cũng là võ sinh không luận là nam hay nữ. Và trước khi là diễn viên hát bội họ đã biết chút ít nghề võ.
|
Trước khi là diễn viên hát bội, các nghệ sĩ trong các gánh hát bội ngày xưa đã biết chút ít nghề võ. Ảnh: Văn Lưu
|
Trong nghệ thuật hát bội (nhất là hát bội Bình Định) có hai bộ phận chủ yếu cấu thành: hát và múa. Hát giữ vai trò cuốn hút người xem bằng thẩm mỹ thính giác; múa giữ vai trò cuốn hút người xem bằng thẩm mỹ thị giác. Nói một cách nôm na: Hát hay và múa đẹp là hai phương tiện cơ bản đưa nghệ thuật đi vào lòng người bằng mắt và bằng tai.
Muốn múa đẹp thì phải học võ. Võ thuật vốn là một môn nghệ thuật độc lập; đối với cuộc sống, nó đáp ứng nhu cầu làm tăng sức lực con người. Thế nhưng, khi võ thuật được gia nhập vào nghệ thuật hát bội với tư cách là một thành viên trong cơ cấu tổng hợp của nghệ thuật hát bội, nó vừa vẫn giữ trọn vẹn chức năng vốn có của nó, vừa phát huy tác dụng nghệ thuật biểu diễn tâm lý con người, làm tăng vẻ đẹp phục vụ cuộc sống con người.
Múa trong sân khấu hát bội chúng ta thấy do hai yếu tố tạo nên: yếu tố võ thuật và yếu tố cuộc sống. Yếu tố cuộc sống là cái linh hồn của múa, yếu tố võ thuật là thể xác của múa. Nhờ có yếu tố võ thuật mới có thể làm đẹp (tức là cái mà người ta thường gọi là mỹ hóa) yếu tố cuộc sống, tạo nên cái gọi là thẩm mỹ thị giác vừa nói trên. Không có yếu tố võ thuật thì các hiện tượng cuộc sống với trạng thái tự nhiên khác gì kịch nói. Không có yếu tố võ thuật thì không gian và thời gian sân khấu hát bội không thể nới rộng đến mức có thể biểu hiện trực tiếp một cách sinh động con ngựa trên sân khấu, mà nếu là ở kịch nói thì đành bó tay.
Không chỉ có thế, hầu hết các loại binh khí của võ thuật đều thu nhập vào sân khấu hát bội như song kiếm, độc kiếm, song phủ, độc phủ, đao, thương, siêu, côn… Nhờ vậy mà sân khấu hát bội mới có khả năng biểu hiện chiến tranh (cố nhiên là dạng thức chiến tranh ngày xưa) một cách trực tiếp. Nếu người diễn viên hát bội không biết võ nghệ thì làm sao sử dụng binh khí rồi biến chế võ thuật thành thứ chiến tranh của nghệ thuật.
Trong sân khấu hát bội có câu đối:
- Dũng dượt dụng binh, bách chiến binh vô huyết nhẫn;
- Thung dung ẩm tửu, thiên bôi tửu bất túy nhân.
Nghĩa là:
- Hùng dũng ra quân, đánh trăm trận mà dáo gươm không vấy máu;
- Ung dung ngồi uống rượu, uống đến ngàn chén mà chỉ thấy nhân vật trên sân khấu say chứ người diễn viên không say.
Ý nghĩa sâu xa của câu đối chính là nhằm phân biệt sự khác nhau giữa võ thuật sau khi gia nhập vào nghệ thuật hát bội.
Cũng có trường hợp sân khấu hát bội bê nguyên vẹn một bài thảo của võ thuật đưa vào sân khấu như bài múa song kiếm của Đát Kỷ trong tuồng “Trầm Hương Các”. Tiếc là hiện nay trên sân khấu hát bội, đoạn diễn về bài kiếm này mỗi người một khác, do bị thất truyền; có trường hợp họ múa chiếu lệ cho có múa chứ không hợp và không đẹp như nguyên gốc.
Võ Bình Định đã thẩm thấu vào hát bội Bình Định lâu đời, trở thành một thành viên quan trọng trong cơ cấu tổng hợp của hát bội Bình Định, làm cho hát bội Bình Định mang một sắc thái riêng nhất là tuồng võ.
Ngày nay trong công tác đào tạo đội ngũ diễn viên mới cho sân khấu hát bội, chúng ta đã bỏ qua giai đoạn dạy võ thuật cho họ, mà chỉ dạy theo cách cấu tạo chương trình bằng hệ thống động tác như cầu, ký, niêm chỉ… chia thành hai bộ: tay và chân, rồi ráp lại; và cứ ngỡ thế là khoa học, là cải tiến, rút ngắn được thời gian, nhưng thực chất là phản khoa học, phản nghệ thuật. Có nhiều thứ của người xưa lạc hậu cần phải được sàng lọc, nâng cấp. Ngược lại, cũng có không ít điều ta phải học tập triệt để mà học võ để diễn hát bội hay là một ví dụ.
|