Hội thi Tiếng hát giáo viên - học sinh ngành GD-ĐT Bình Định lần thứ 6, vừa diễn ra tại Trường THPT Quốc học Quy Nhơn trong ba ngày (25-27.2) với hai điểm mới so với những lần trước. Đó là: lần đầu tiên học sinh được phép dự thi và dân ca được khuyến khích chọn thể hiện.
Ông Cao Văn Bình, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Ngoài mục đích tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục trong toàn ngành giao lưu, Hội thi năm nay còn hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Các em học sinh biểu diễn với giáo viên nhằm tạo sự gần gũi tình thầy trò. Còn khuyến khích các đơn vị hát dân ca là để góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc và địa phương”.
|
Tiết mục “Chín chị em đi xúc cát” (dân ca Chăm H’roi) của đơn vị Phòng GD-ĐT Vân Canh. |
Trong ba ngày tranh tài sôi nổi, 62 đơn vị đến từ 11 Phòng GD-ĐT, 3 Trung tâm GDTX-HN, các trường THPT cùng những đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn toàn tỉnh đã biểu diễn 178 tiết mục. Tuy là một hội thi tiếng hát, theo quy định chỉ có 3 thể loại là đơn ca, song ca - tam ca và tốp ca - đồng ca, nhưng không chỉ có người đứng hát, mà phần lớn các tiết mục đều có những màn múa phụ họa hoành tráng, tạo hưng phấn cho người hát và hứng thú cho người xem. Nhờ vậy, một số ca khúc, tuy được thể hiện nhiều lần, nhưng với cách trình bày và dàn dựng múa phụ họa khác nhau, vẫn tạo ra sự lôi cuốn.
62 đơn vị tham gia đều lựa chọn bài hát phù hợp với chủ đề đã quy định là hát về ngành, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, tình thầy trò và lòng yêu nghề dạy học. Một số bài hát tự biên có chất lượng khá tốt. Đặc biệt, khá nhiều đơn vị chọn thể hiện các bài hát mang âm hưởng dân ca hoặc các bài dân ca viết theo lời mới, như “Lý ngựa ô”, “Cây đa quán dốc”, “Màu xanh Vân Canh” (viết theo làn điệu hò chèo thuyền và vọng kim lang), Liên khúc dân ca khu V (viết theo làn điệu hò mài dừa, hò tát nước)… Các tiết mục dân ca ngọt ngào đã góp phần làm không khí Hội thi thêm sâu lắng, đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc, của quê hương Bình Định.
Qua Hội thi lần này, nhiều gương mặt mới có giọng hát hay và phong cách biểu diễn khá tốt được phát hiện như Tường Vy (Phòng GD-ĐT huyện Tuy Phước), Hồng Biên (Phòng GD-ĐT huyện Phù Mỹ), Minh Cảnh (Trường THPT Lý Tự Trọng), Thu Hiền (Trường THPT Trưng Vương) và Thanh Nga (Trường THPT Tăng Bạt Hổ)…
Điều gây ngạc nhiên là sự đổi mới và tiến bộ của các đơn vị ở miền núi như Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh. Họ đã biết phát huy thế mạnh về bản sắc văn hóa đặc trưng của mình, biết tìm tòi và thể hiện các làn điệu dân ca, dân vũ của Chăm H’roi, Bana, H’rê. Các màn biểu diễn có cồng chiêng, trống K’toang, đàn T’rưng, các em học sinh cùng thầy cô giáo thể hiện điệu múa, lời ca, tạo sự thân thiết tình thầy trò và cho thấy sự tiếp nối gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa quý báu của địa phương.
Dù không tránh khỏi một số “hạt sạn” đáng tiếc nhưng Hội thi đã mang lại không khí vui tươi trong những ngày đầu xuân, thể hiện được nội lực ca hát rất lớn của đội ngũ giáo viên và học sinh toàn ngành.
Kết quả Hội thi cũng gây khá nhiều bất ngờ, khi giải Nhất toàn đoàn khối phòng GD-ĐT đã thuộc về Phòng GD-ĐT An Lão. Còn ở khối trường THPT và trực thuộc, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn giành giải Nhất toàn đoàn và tất cả các giải Nhất tiết mục.
|