Cuối cùng, vẫn có ngày thơ, đêm thơ ở Quy Nhơn, nơi được mệnh danh là “thành phố thi ca”, rằm tháng Giêng năm Canh Dần 2010 này (ảnh). Nói thế vì Ngày thơ Việt Nam năm nay đơn vị nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức “Ngày thơ Việt Nam” và “Đêm thơ Nguyên tiêu” hằng năm là Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã không tổ chức ở Quy Nhơn (do phối hợp tổ chức ở huyện An Nhơn). Và một Câu lạc bộ văn học đã lấp đầy khoảng trống thơ Nguyên tiêu ở thành phố biển.
|
(Ảnh: THK) |
Đối với người làm thơ và công chúng yêu thơ của Quy Nhơn, Bình Định, sẽ không thể hình dung nổi nếu Rằm tháng giêng năm nay, Ngày thơ Việt Nam lần thứ VIII và Đêm thơ Nguyên Tiêu, thành phố này không có hội thơ. Dù tổ chức trên Đồi Thi nhân (Ghềnh Ráng) hay tại các địa điểm trong nội thành, chuyện mỗi năm có một ngày đất nước giỏi đánh giặc tôn vinh thơ đã thành lệ. Và khi, người thực hiện sân chơi vừa nghiêm trang vừa vui vẻ cả làng này là Câu lạc bộ Văn học (CLBVH) Xuân Diệu - trực thuộc Trung tâm VHTT tỉnh), người làm thơ và yêu thơ Bình Định vẫn thực sự hài lòng. Vấn đề không phải ai tổ chức, mà là tổ chức như thế nào (may thay, không có chuyện không tổ chức!). Cần nói thêm, năm này cũng là năm thứ 20 ngày thành lập CLBVH Xuân Diệu. 2O năm đều đặn sinh hoạt mỗi tháng một lần, 20 năm nối tiếp nhau những thành viên khẳng định tên tuổi mình trên văn đàn trong tỉnh, trong nước. Câu lạc bộ mang tên thi sĩ Xuân Diệu quy tụ những người yêu thơ cho cuộc tồn tại 20 năm qua cũng chính là người, bằng tình yêu và trách nhiệm với thơ đã tự nguyện xúm tay làm cái ngày thơ đêm thơ thứ 8 này.
Xã hội hóa thơ
Đúng hơn là cuộc sống thơ hay thơ đã sống như thế nào? CLBVH Xuân Diệu chỉ có nguồn kinh phí được cấp là trang hoàng sân khấu, âm thanh ánh sáng, phần kinh phí chính cho ngày và đêm thơ là vận động từ các nguồn tài trợ. Nhà tài trợ chính cho hoạt động này của CLB là Bidiphar, Cty Dược- Trang thiết bị y tế Bình Định. Và nhiều “Mạnh thường quân” khác. CLB cách đây mấy tháng cũng từng tổ chức thật chu đáo ngày giỗ cố thi sĩ Xuân Diệu cũng bằng cuộc “chung tay” đầm ấm. Thực ra, thơ và người thơ trên đất nước này chưa bao giờ bị hắt hủi, trên miền “Đất võ trời văn” Bình Định lại càng được tôn vinh. Nhìn vào cuốn “sổ vàng” các đóng góp, ngoài đơn vị tài trợ chính, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy tên của những cá nhân và doanh nghiệp chẳng dính dáng gì tới thơ: cơ sở chế biến nước mắm, cà phê, công ty sắt phế liệu, công ty kinh doanh địa ốc, và chính từng thành viên của CLB. Khoản kinh phí cả chục triệu cho chương trình khá rậm rạp ngày và đêm thơ bằng các nguồn tài trợ chỉ minh chứng một điều, những việc làm có ích cho cộng đồng và không vụ lợi, thêm một lần nữa khẳng định là sẽ được sự ủng hộ của cộng đồng.
Hoành tráng thơ
Ngày thơ ngay trước Trung tâm Văn hóa tỉnh bên tượng đài Quang Trung đã thu hút sự chú ý của công chúng với các hoạt động rất ấn tượng. Những bức thư pháp thơ được nhà thư pháp Bình Tuy viết và trưng bày khá sinh động. Thêm “cụ đồ” Vũ Ngọc Liễn “cho chữ” đầu xuân bằng chữ Hán đã tập hợp khá đông người yêu thơ. Cả những cuốn sách của các thành viên CLB và nhiều tác giả khác gửi tới trưng bày hoặc gửi bán cũng làm cho buổi chiều này thêm phong phú. Ở sân khấu bên cạnh là cuộc giao lưu thơ của các câu lạc bộ: CLB thơ Đường, CLB thơ Đại học Quy Nhơn, CLB thơ trường PTTH Quy Nhơn, CLB thơ Trường chuyên Lê Quý Đôn… và nhiều gương mặt thơ đủ mọi lứa tuổi. Và náo nức cuộc thi thơ nhanh: Ban tổ chức công bố đề tài và thể lệ xong là tới tấp những bài thơ viết tay gửi tham gia thi. Sân khấu thơ đã là cuộc hội tụ của các giọng thơ học trò đến thất bát tuần, cuộc hòa đồng của nhà thơ chuyên nghiệp và người yêu thơ ngâm ngợi.
Thơ và công chúng
Từ người tổ chức (Trung tâm VHTT Bình Định) đến người thực hiện (CLBVH Xuân Diệu) đã thành công khi đưa thơ đến với công chúng. Sân chơi chung cho người làm thơ và người yêu thơ đã có những hội tụ chan hòa. Sau 2 bài thơ có tính truyền thống “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt và “Nguyên tiêu” của Hồ Chí Minh là thơ của những người thơ Bình Định. Chứ sao, đây là ngày thơ đêm thơ trên đất thơ Bình Định kia mà! Đã hơn 50 bài thơ của ngần ấy tác giả đến với công chúng trong 4 giờ thể hiện, chiều và tối. Đã có những gương mặt thơ quen thuộc của Bình Định đến với công chúng: Lệ Thu, Văn Trọng Hùng, Mai Thìn, Trần Quang Khanh, Võ Ngọc Thọ, Trần Viết Dũng, Đặng Quốc Khánh, Nguyễn Thanh Xuân, Hồ Thế Phất, Khổng Vĩnh Nguyên…, đến với người yêu thơ, ngày và đêm thơ Bình Định còn ngạc nhiên thưởng thức những vần thơ hay của các em học sinh, của những doanh nhân yêu thơ. Và 2 câu, 4 câu của nhà thư pháp Bình Tuy, một chữ Hán mực Tàu, giấy điều của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã thực sự góp phần làm cho thơ và người yêu thơ gần nhau hơn bao giờ hết.
Lời kết
Nhà nước đang có chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa văn nghệ. Cuộc mạnh dạn tổ chức Ngày thơ Việt Nam và Đêm thơ Nguyên tiêu của Trung tâm VHTT tỉnh Bình Định và đưa thơ đến với công chúng là việc làm đáng khích lệ. Thêm một lần nữa, Ban chủ nhiệm CLBVH Xuân Diệu đã thành công khi chỉ có 7 ngày lo liệu với hai bàn tay trắng! Thành công này chỉ khẳng định người thơ, người yêu thơ, và người tổ chức luôn còn “đất” nếu xuất phát điểm chỉ vì THƠ! Và những câu thơ hay của người thơ Bình Định đã bay lên trời rồi sẽ rơi vào tay ai yêu thơ hay không yêu thơ như một niềm vui trong hàng trăm quả bóng bay…
* Một số hình ảnh Đêm thơ Nguyên tiêu tại Quy Nhơn:
|
Đánh trống khai hội Đêm thơ Nguyên tiêu. |
|
Trình bày thơ.... |
|
...các đại biểu ... |
|
...và đông đảo công chúng dự đêm thơ. |
|
Cho chữ. |
|
Viết thư pháp. |
|