Vì nhiều lý do, cuối năm 2009, Chi hội Âm nhạc (Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh) không tiến hành công tác tổng kết, đánh giá tình hình hoạt động năm 2009 và đề ra mục tiêu, phương hướng hoạt động năm 2010. Dù vậy, Ban chấp hành Chi hội Âm nhạc cũng đã thu thập khá đầy đủ về hoạt động âm nhạc của tỉnh nhà một năm qua.
|
Các tụ điểm ca nhạc ở TP Quy Nhơn thường xuyên sáng đèn là rất đáng khích lệ. Nhưng với một đô thị loại I, như thế là quá ít.
|
Có thể nhìn thấy ngay sự tẻ nhạt khi các tác giả âm nhạc đoạt các giải thưởng trong năm đều là những gương mặt cũ: Vũ Trung, Gia Thiện, Thế Tuyên, Châu Đức Khánh…
Trong điều kiện thiếu kênh phổ biến các tác phẩm âm nhạc, Chi hội đã cố gắng giới thiệu tác phẩm mới với hình thức lồng ghép trong những chương trình văn hóa-nghệ thuật khác. Theo nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thuần, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc Bình Định, có khoảng 50 ca khúc ra đời trong năm 2009 nhưng độ phổ biến của số lượng tác phẩm mới vẫn còn hạn chế. Nói cách khác, các tác phẩm của nhạc sĩ Bình Định hiện chưa được công chúng biết đến, ít được diễn tấu. Có một chút an ủi, vì đây cũng là thực trạng ở nhiều địa phương khác.
Dù chỉ là một sự kiện khiêm tốn, hiệu quả lan tỏa còn hạn chế, do ca sĩ tự tổ chức ở một quán cà phê nhỏ, nhưng live show “Kiều Lệ, hôm qua và hôm nay” của ca sĩ Kiều Lệ là rất đáng ghi nhận, bởi đây là lần đầu tiên một ca sĩ Bình Định chủ động giới thiệu giọng hát của mình.
Ở Quy Nhơn hiện có 5 tụ điểm, phòng trà ca nhạc duy trì hoạt động thường xuyên, đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc cho người dân, đồng thời là “đất” để đội ngũ nhạc công, ca sĩ sống với nghề. Tuy nhiên, những địa chỉ này không thể tạo dựng bộ mặt biểu diễn cho âm nhạc Bình Định. Và nếu lấy đây để hình dung về đời sống biểu diễn của tỉnh, thành phố thì sẽ rất đáng buồn.
Trên cái nền đó, việc phòng trà ca nhạc Tiếng thời gian trở thành “bầu sô” mời các ca sĩ Sài Gòn về biểu diễn ở Bình Định trở thành sự kiện đáng chú ý. Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, chủ phòng trà ca nhạc Tiếng thời gian, cho biết: “Live show Đàm Vĩnh Hưng “Nửa vầng trăng” (tháng 10.2009) và chương trình ca nhạc tổng hợp “Xuân tình yêu” (tháng 12.2009) đều lỗ, song tôi hy vọng công chúng âm nhạc Quy Nhơn sẽ quen với việc bỏ ra 100 ngàn đồng hay 200 ngàn đồng mua vé đi xem ca nhạc”. Cách tổ chức, chất lượng của các chương trình ca nhạc này còn nhiều điều đáng bàn, nhưng cố gắng của Tiếng thời gian là đáng ghi nhận.
Năm 2009, không có cuộc thi âm nhạc nào được tổ chức ngoài Hội thi Tiếng hát hay karaoke và Liên hoan Nhạc- kịch sinh viên Đại học Quy Nhơn. Đến với sân chơi âm nhạc lớn- cuộc thi Sao Mai 2009, Đài Phát thanh- Truyền hình Bình Định đã tổ chức thi và tuyển chọn bốn giọng ca đại diện Bình Định tham gia vòng khu vực miền Trung- Tây Nguyên, song cả bốn thí sinh này đều chỉ dừng lại ở vòng loại.
|