Là ngôi trường nuôi dạy con em đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện, Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) Vĩnh Thạnh rất quan tâm đến công tác giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống. Hơn 20 năm nay, Đội cồng chiêng và múa xoang của Trường hoạt động tốt nhờ sự quan tâm ấy.
|
Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh rất quan tâm đến công tác giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh.
|
Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh có 7 khối lớp (từ khối lớp 6 đến khối lớp 12), năm học này có 433 học sinh, trong đó, 95% là người dân tộc Bana. Năm 1990, Ban Giám hiệu nhà trường, đội ngũ giáo viên và một số phụ huynh nhận thấy tầm quan trọng của việc thông tỏ diễn tấu cồng chiêng, múa xoang với học sinh. Đội cồng chiêng và múa xoang của Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh ra đời từ đấy.
Ban đầu, Đội có khoảng 10 học sinh vốn đã ít nhiều biết diễn xướng cồng chiêng và múa, “số vốn” ban đầu là một bộ cồng chiêng do Trường tặng. Nghệ nhân dạy đánh cồng chiêng và múa cho Đội chính là những phụ huynh thông thạo 2 môn nghệ thuật này.
Thành viên của Đội cồng chiêng và múa xoang là học sinh khối lớp 9. Thầy Lê Văn Khôi, Hiệu trưởng Trường, lý giải: “ba khối 6, 7, 8 thì mức độ hiểu biết cũng như cảm nhận, diễn xướng cồng chiêng, múa xoang còn non. Học sinh lớp 9 vững vàng hơn, có điều kiện tập luyện tốt hơn. Việc chọn thành viên trong một khối lớp, cùng tuổi còn là để tiện giờ giấc sinh hoạt, tập luyện, mà đội hình sân khấu cũng đồng đều, đẹp mắt. Tuy nhiên, ngoài Đội cồng chiêng, múa xoang của khối lớp 9 làm nòng cốt, ở mỗi lớp đều có nhóm cồng chiêng và múa xoang quy mô nhỏ hơn, sinh hoạt tương tự”.
Đội cồng chiêng và múa xoang Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh hiện có 13 em nam đánh cồng chiêng và 15 em nữ múa xoang, là một đội văn nghệ trẻ năng nổ, “có nghề” trên địa bàn Vĩnh Thạnh. Năm 2009 vừa qua, trong Ngày hội Văn hóa do Trường tổ chức, 10 đội cồng chiêng và múa xoang của 10 lớp đã tham gia sôi nổi. Chương trình trình diễn cồng chiêng, múa xoang của 10 lớp cũng là hoạt động được thầy cô, phụ huynh, học sinh mong chờ nhất.
Ngoài sinh hoạt văn nghệ trong Trường, tham gia vào phong trào văn nghệ học đường huyện Vĩnh Thạnh, mỗi khi đơn vị nào trong huyện tổ chức hội họp, văn nghệ đúng vào chủ nhật hay dịp hè, thể nào Đội cồng chiêng và múa xoang của Trường cũng được mời biểu diễn. “Phần thưởng cho những tiết mục văn nghệ mà Đội thể hiện, cũng như niềm tự hào khi thấy môn nghệ thuật của dân tộc mình được diễn xướng lên trong các chương trình, buổi lễ… làm các em thêm yêu, thêm gắn bó với điệu múa, thanh âm của đồng bào mình” - Đinh Văn Dương, một thành viên của Đội cồng chiêng, chia sẻ.
Nhờ chuẩn bị tốt lực lượng kế thừa nên Đội cồng chiêng và múa xoang của Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh chưa bao giờ hẫng hụt lực lượng. Và cứ thế, sức sống và tình yêu với cồng chiêng và điệu múa xoang trong lòng các em được duy trì bền bỉ. Cuối tuần hay ngày Tết, mùa hè, rời trường nội trú về nhà, các em có thể truyền dạy, chia sẻ những bài chiêng, điệu múa đã được học cho các bạn, các em nhỏ trong làng, cũng như học thêm từ những người lớn tuổi trong làng để trau dồi.
“Trong môi trường nội trú vốn còn hạn chế về các loại hình vui chơi giải trí, thì việc duy trì mô hình CLB, đội, nhóm văn nghệ cồng chiêng, múa xoang đã góp phần tạo một không gian sinh hoạt văn hóa văn nghệ, giải trí lành mạnh cho học sinh. Thời gian đến, Trường sẽ trang bị thêm một số nhạc cụ như đàn K’rưng kơn, K’long pút, T’rưng… và bố trí một phòng riêng để ngoài giờ học, các em được chơi các nhạc cụ dân tộc theo sở thích” - thầy Lê Văn Khôi cho biết.
|