Lễ hội ở Bình Định:
Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống
20:43', 15/12/ 2011 (GMT+7)

Công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển trong thời gian qua. Hằng năm, có 102 lễ hội với quy mô từ cấp làng đến vùng miền, quốc gia được tổ chức ở khắp các địa phương. Nhiều lễ hội dân gian đã khôi phục và phát huy được những nét đẹp truyền thống.

 

Lễ hội chợ Gò được bảo tồn và phát huy tốt giá trị, nhưng cần được nâng cấp hơn về công tác tổ chức.

 

Lễ hội ở Bình Định rất đa dạng, trong đó phần lớn đều là các lễ hội dân gian được tổ chức theo định kỳ và chương trình chính thức thường không thay đổi. Nhiều lễ hội dân gian đã khôi phục và phát huy những nét đẹp truyền thống như lễ hội làng rèn Phương Danh, lễ hội làng đúc đồng Bằng Châu, lễ hội cầu ngư ở các lăng Ông… Ngoài Ngày hội Văn hóa – Thể thao miền biển, miền núi cấp tỉnh, lễ kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của các nhân vật lịch sử, danh nhân như Quang Trung, Đào Duy Từ, Mai Xuân Thưởng, Đào Tấn… lễ kỷ niệm các ngày lịch sử cách mạng được tổ chức long trọng, nhất là vào những năm chẵn. Một số lễ hội có ảnh hưởng rộng lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân như: lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa ở huyện Tây Sơn, lễ hội chợ Gò và lễ hội Đô thị Nước mặn ở huyện Tuy Phước,  lễ hội chùa Linh Phong ở huyện Phù Cát, lễ hội chiến thắng Đèo Nhông – Dương Liễu ở huyện Phù Mỹ, lễ hội chiến thắng Đồi Mười ở huyện Hoài Nhơn… Ngoài ra, trong 5 năm qua, đã xuất hiện một số lễ hội mới với quy mô cấp Trung ương như Festival Tây Sơn – Bình Định, Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, Festival lâm sản Việt Nam được tổ chức trên địa bàn tỉnh. Ông Bùi Xuân Lý, Chánh thanh tra Sở VH-TT&DL, cho biết: “Qua kiểm tra thực tế, hầu hết lễ hội dân gian ở nhiều địa phương trong tỉnh đều được tổ chức theo đúng quy định của Nhà nước, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp. Chỉ có một số ít lễ hội trong công tác tổ chức, còn để xảy ra hiện tượng tiêu cực không đáng kể đã được chúng tôi đề nghị chấn chỉnh…”.

Hội thảo công tác quản lý lễ hội dân gian do Bộ VH-TT&DL và Hội Di sản văn hóa Việt Nam phối hợp tổ chức (tháng 6.2010), đã đưa ra ý kiến thống nhất khẳng định: lễ hội dân gian (truyền thống) là bộ phận quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể, hợp thành kho tàng di sản văn hóa quý báu của dân tộc; trở thành nhu cầu không thể thiếu của nhân dân, nhằm thỏa mãn khát vọng về nguồn, nhu cầu văn hóa tâm linh; tăng cường giao lưu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của từng không gian nhất định, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa. Việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội dân gian là góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bên cạnh mặt tích cực, các lễ hội ở Bình Định vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác tổ chức, quản lý… Vì vậy, trong tương lai cần tiến hành tổ chức tổng kiểm kê lễ hội, hoàn thành việc xây dựng quy hoạch tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh theo hướng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Việc tổ chức một số lễ hội tiêu biểu, có giá trị độc đáo cần được từng bước quy hoạch, phát triển phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và quy mô, nhu cầu phát triển của lễ hội. Các lễ hội lịch sử cách mạng như lễ hội chiến thắng Đèo Nhông – Dương Liễu, lễ hội chiến thắng Đồi Mười… cũng cần được sớm quy hoạch, nâng cấp trở thành lễ hội cấp tỉnh, kết hợp hài hòa giữa nghi thức tưởng niệm trang trọng với các hoạt động văn hóa, thể thao. Bên cạnh đó, đề ra biện pháp bảo tồn đối với một số lễ hội dân gian tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống và loại bỏ những hủ tục lạc hậu.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nghệ nhân bài chòi cổ Minh Đức được mời biểu diễn  (14/12/2011)
Dần đi vào nề nếp  (14/12/2011)
Nỗ lực thu hút khách   (14/12/2011)
Cử đội chiếu phim lưu động phục vụ Liên hoan phim Việt Nam   (12/12/2011)
Họa sĩ Lê Duy Khanh đạt giải Ba tranh cổ động  (12/12/2011)
Sân chơi mới của sinh viên  (12/12/2011)
Còn nhiều việc phải làm  (12/12/2011)
Đặng Thị Thùy Dung (Bình Định) đoạt giải người đẹp thân thiện  (11/12/2011)
Triệu Thị Hà đoạt vương miện hoa hậu các dân tộc  (11/12/2011)
Cổ tích có còn như xưa  (11/12/2011)
Hiểu muộn  (11/12/2011)
Sức trẻ và khát khao cống hiến  (10/12/2011)
Tổ chức lễ hiệp kỵ Tây Sơn tam kiệt   (10/12/2011)
Cảnh báo tình trạng xâm hại di tích khảo cổ  (08/12/2011)
Trùng tu Tử Cấm Thành và lăng Võ Tánh  (07/12/2011)