Giỗ nhà thơ
19:30', 19/12/ 2011 (GMT+7)

18.12 năm nay là tròn 26 năm Xuân Diệu đi xa. Ở quê ngoại Bình Định, Câu lạc bộ Văn học (CLBVH) mang tên ông lại làm giỗ ông. Chuyện CLBVH Xuân Diệu làm giỗ nhà thơ đã cũ nhưng là những chuyện cũ cảm động!  

 

Sinh viên - học sinh các trường ở Quy Nhơn dâng hương tưởng niệm 26 năm ngày mất nhà thơ Xuân Diệu.

 

1. Từ rất nhiều năm qua, giỗ nhà thơ vẫn đều đặn diễn ra. Sau 3 năm liên tiếp tổ chức giỗ Xuân Diệu tại Nhà lưu niệm Xuân Diệu ở Gò Bồi, Phước Hòa, Tuy Phước (CLBVH Xuân Diệu phối hợp Trung tâm VH-TT huyện Tuy Phước tổ chức), giỗ nhà thơ lần thứ 26 năm nay quay về tổ chức tại Trung tâm Văn hóa (TTVH) tỉnh. “Thời tiết không thuận lợi, tổ chức ở Quy Nhơn để nhiều anh em hội viên, đa phần lớn tuổi có dịp tham gia”, Phó chủ nhiệm CLB Trần Hà Nam chia sẻ. Giỗ “ông hoàng thơ tình” năm nay, từ buổi sáng, lãnh đạo TTVH tỉnh cùng Ban chủ nhiệm CLBVH Xuân Diệu đã về Nhà lưu niệm Xuân Diệu ở Gò Bồi dâng cúng ngũ quả, hoa tươi; dâng hương, kính cáo và rước nhà thơ về Quy Nhơn dự giỗ. Toàn bộ mâm cúng và các món đãi tiệc đều nhờ một tay các nữ nhân viên TTVH tỉnh…

Chị Lựu, người trông nom Nhà lưu niệm Xuân Diệu mọi năm lĩnh nhận nhiệm vụ giúp CLBVH Xuân Diệu làm mâm cơm giỗ nhà thơ, năm nay lại tiếp tục với nguồn kinh phí của Trung tâm VH-TT Tuy Phước. “Như mọi năm, tôi lại làm các món ông cụ thích: một con gà luộc, nem chả, đồ xào, canh khổ qua, nước mắm nhỉ, tôm thịt rim mặn…”, chị Lựu bảo.

2. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, mười mấy năm làm Chánh tế giỗ người anh, người bạn lớn đời mình, đọc bài khấn Xuân Diệu, ban đầu tỏ ra cứng rắn, rốt cuộc lần nào cũng lại sụt sùi. Đến ngày này, thường đêm 17 hoặc sáng sớm 18.12, ông lại ngồi lặng lẽ viết những dòng thấm đẫm yêu thương và tiếc nhớ trên tờ giấy manh hay giấy tập học sinh, đọc trước khi dâng hương. Ông gọi đó là thư gởi cho Xuân Diệu. Tôi nhớ cũng ngày này năm ngoái, cụ Liễn nhìn khắp lượt những bạn văn, người yêu thơ Xuân Diệu tề tựu đông đủ rồi mãn nguyện nói nhỏ: “những cuộc hội ngộ chỉ có anh mới tập hợp được”! Năm nay, ông đề xuất ý tưởng: phát động sáng tác ca khúc về Xuân Diệu, phổ nhạc thơ Xuân Diệu để làm nhạc hiệu cho CLBVH Xuân Diệu. Ông treo thưởng 1 triệu đồng cho tác giả ca khúc đặc biệt này.

 

Tưởng niệm Xuân Diệu, thơ nhạc thay lời tri ân.

 

Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong, ông đồ nho lấy cô làm nước mắm/ Làng xóm cười giọng ông đồ trọ trẹ, nhưng quý ông đồ văn vẻ giỏi giang (…) Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong/ Muốn ăn nhút, thì về quê với bố, muốn ăn quýt, ăn hồng, theo cha mày mà về ngoài đó/ Muốn uống nước dừa, ăn xoài chín đỏ, muốn ăn bánh tét, bánh tổ, thì theo tao, ở mãi trong này” (Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong). Đây là những câu thơ đầu tiên được ngâm lên trong đêm thơ nhạc tưởng niệm Xuân Diệu ngay sau tiệc giỗ, qua các giọng ngâm Hải Đường, Kim Long… Bài thơ hiền lành, xúc động như chuyến đò nhẹ trôi trên dòng sông Gò Bồi, đưa Xuân Diệu ngược dòng thiên cổ về thăm quê ngoại Tuy Phước. Kết nối tấm lòng mọi người có mặt trong ngày tưởng nhớ ông đi xa, bật lên thơ, nhạc thay lời tri ân. Đỗ Ngọc Hoánh chơi ghi-ta mộc, tha thiết hát Nguyệt Cầm (nhạc sĩ Cung Tiến phổ thơ Xuân Diệu). Người em đồng hương thân thiết với Xuân Diệu, người từng được ông “chỉnh” thơ, nhà thơ Lệ Thu gởi làn “khói mỏng nhẹ bay” tưởng niệm Xuân Diệu, thơ nói hộ tấm lòng bà: “Tôi gom lá rụng trong vườn/ Đốt lên khấn cõi vô thường rủi, may/ Lá rơi càng lúc càng dày/ Bạn tôi khói mỏng nhẹ bay lên trời”(...) Cầu cho những lá đang xanh/ Biết nương cuối rễ đầu cành mà tươi/ Dấn thân cho trọn một đời/ Rồi mai rụng xuống cõi người nhớ, quên” (Khói mỏng nhẹ bay). Đến lượt các cây bút trẻ Lê Đức Hoàng Vân, Lê Văn Đồng… giới thiệu những sáng tác mới của mình, là cách “kính cáo” Xuân Diệu sự tiếp nối dòng chảy văn chương không ngơi nghỉ của các lớp hậu bối quê ngoại nhà thơ.

Giỗ nhà thơ Xuân Diệu không khác đám giỗ của tổ tiên ông bà chúng ta là mấy, cũng nhang đèn, hoa quả, trà rượu, khấn vái, bồi hồi nhớ người thiên cổ. Giỗ không phải do gia đình, con cháu, người thân tổ chức mà do những người yêu quý, mê say thơ ông góp giỗ. Vì là giỗ nhà thơ, chỉ nhang đèn, hoa quả, rượu thịt thì chưa đủ. Phải có thơ và những tấm lòng thơ nữa!

3. Tại buổi tưởng niệm 26 năm Xuân Diệu đi xa, mọi người đã dành phút mặc niệm tiếc thương nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hà Giao vừa tạ thế. Hà Giao là một trong những người sáng lập CLBVH Xuân Diệu. Ông ra đi khi tập thơ cuối đời của ông đang in và đã không kịp nhìn thấy. Tay lần giở từng trang, nhà thơ Trần Viết Dũng từ Tây Sơn xuống, run run bắt nhịp mọi người hòa ca bài “Cát bụi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để tưởng nhớ Xuân Diệu và đưa tiễn Hà Giao về cõi vĩnh hằng. Tôi lại kịp nhìn thấy “ông già” Liễn đứng trân, tay kéo vạt áo chặm nước mắt, và khấn: “Với đất mẹ, anh ngàn năm yên giấc/ thi nhân hỡi, đêm nay mùa gió bấc/ chút lửa mỗi người xin ủ ấm lòng anh” (Với thi nhân - thơ Thanh Hiền).

  • SAO LY
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tưởng niệm 26 năm ngày mất nhà thơ Xuân Diệu  (18/12/2011)
Bàn tay trong một bàn tay  (18/12/2011)
“Tự hào là con gái Bình Định”  (17/12/2011)
Mùa tắc vắng ba   (16/12/2011)
Thu Hương đoạt ngôi Á hậu hai Mrs. World 2011  (16/12/2011)
Khai mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17: Nhiều xúc cảm  (16/12/2011)
Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống  (15/12/2011)
Nghệ nhân bài chòi cổ Minh Đức được mời biểu diễn  (14/12/2011)
Dần đi vào nề nếp  (14/12/2011)
Nỗ lực thu hút khách   (14/12/2011)
Cử đội chiếu phim lưu động phục vụ Liên hoan phim Việt Nam   (12/12/2011)
Họa sĩ Lê Duy Khanh đạt giải Ba tranh cổ động  (12/12/2011)
Sân chơi mới của sinh viên  (12/12/2011)
Còn nhiều việc phải làm  (12/12/2011)
Đặng Thị Thùy Dung (Bình Định) đoạt giải người đẹp thân thiện  (11/12/2011)