Vài lần trò chuyện với bạn văn thấy họ cùng cảm giác sốt ruột như tôi khi cả chục năm qua, văn nghệ Bình Định chưa thấy nhân tố mới, nhất là người trẻ. Một Đào Thị Quý Thanh viết truyện ngắn, một Khổng Nguyễn An Vi làm thơ, cả hai cầm bút thuở học trò, giờ đã in mỗi người một tập sách rồi có vẻ chững lại.
Mới đây, sau khi đi dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc, lần thứ VIII, 9- 2011 về (lần thứ hai liên tiếp Quý Thanh được cử đi vì không còn người trong độ tuổi quy định), Thanh mới bắt đầu viết lại sau chuỗi dừng với bao lo toan chuyện gia đình. Nên thật vui khi Bình Định hơn năm qua có nhóm bạn trẻ hình thành Câu lạc bộ Sáng Tác Trẻ, hàng tháng đều đặn có “tạp chí” văn-thơ in trên diễn đàn mình. Ở diễn đàn văn học online này, Bình Định có một số cây bút đáng chú ý, xin giới thiệu với bạn đọc gương mặt thơ rất trẻ và nhiều triển vọng. Đó là Tiểu Mục Đồng, xuất hiện khi là học sinh trung học, người Phù Mỹ.
Chàng trai mới lớn này khá rụt rè kiểu dân quê mỗi khi vào Quy Nhơn tham gia sinh hoạt, nhưng khi đọc thơ thì thật tự tin, nồng nhiệt và khá “nhập”. Không riêng cách đọc, thơ Đồng cũng có một miền riêng, cả ý tưởng và ngôn ngữ. Tên thật chàng thơ này là Lê Văn Đồng, bạn bè qua chất thơ và người, thường gọi luôn là “lên đồng” như một khen tặng!
Tôi nghe Đồng trình bày thơ mình mấy lần rồi đọc được vài chục bài của em. Và ngạc nhiên về độ cảm, về những suy tư, về cách thể hiện. Nó thật chững chạc, và riêng. Cứ nghi hoặc ngó lại chàng trai nhỏ nhẻ rụt rè mới tin đó là thơ một học trò. Thực ra đề tài thơ Đồng cũng khá quen thuộc với những điều chung nhất từ cuộc sống, từ những quan sát chung quanh, từ ký ức tuổi nhỏ. Nhưng những thân quen này qua thơ Đồng bỗng hiện lên thật đằm sâu và khắc khoải và đôi khi là những cảm nhận tinh tế bất ngờ.
Hãy đọc nhé. “má ơi chiều nghiêng gió thốc/ nón cời má đội mùa đông/ vai gầy gánh oằn cơn rét/ con thương má đến quặn lòng./ con nghe từ trong hạt gạo/ giọt mồ hôi má mặn nồng/ cánh cò bay vào cổ tích/ một mình má gánh bão giông” (Má) Rất quen thuộc các hình ảnh khi viết về mẹ: thân cò, vai gầy, nón cời, hạt gạo mặn giọt mồ hôi…, nhưng cách nói “vai gầy gánh oằn cơn rét”, “một mình má gánh bão giông”, là không kể tả mà gợi thật nhiều. Cũng như, tuổi nhỏ chăn trâu, chàng Mục Đồng đúc kết cuộc lớn lên của mình khá bất ngờ: “Tôi làm mục đồng cưỡi trâu/ Theo lũ bạn tát ao đìa bắt cá/ Í ới gọi nhau sen nở hồng mắt lá/ Nghe thời gian vỡ giọng giữa ngày”. Nhưng còn ngạc nhiên hơn khi trong “lớn lên” cùng “thời gian vỡ giọng”, mục đồng có chiêm nghiệm vượt xa tuổi mình: “Tôi làm mục đồng cưỡi trâu/ Suốt triền tuổi thơ, dọc miền cổ tích/ Rồi một ngày nhận ra mình thèm những điều cũ rích/ Tôi quanh tìm bóng nắng ngả lưng trâu” (Với tuổi thơ). “Cái điều cũ rích” mà Mục Đồng “nhận ra” là sự lớn lên, là khởi đầu cho tầm vóc một thi sĩ!
Và đọc thêm một cảnh quen với suy nghiệm thật bất ngờ của Đồng: “Mùa Vu lan/Gió Lào vẫn khô khốc qua đường/Khu nghĩa địa cát bay/ Vườn chùa bụi bay/ Đối diện với mười điều răn mà chắp tay/ Có ý nghĩ lệch nên thế gian sụt lở/ Bông hồng cài áo em còn ngờ ngợ/ Bông hồng giấy không tàn tuổi mẹ đã mây trôi…” (Vào chùa). Cái “ngờ ngợ” là cách cảm, cách nói vận dụng ý dân gian thật tốt.
Thật nhiều những câu thơ “bật ra” tinh tường và rất riêng như thế trong những bài thơ đã được viết ra của Đồng. Em tâm sự là vì quá yêu thơ, thích làm thơ nên “nghĩ sao viết vậy”. Đúng là Đồng đã “nghĩ” và viết, thật chân thành. Càng quý và đáng ngạc nhiên, đáng trân trọng khi biết nó được viết ra với chàng thơ mười lăm, mười bảy ở nông thôn thời này, cái thời nếu có điều kiện, nhiều các bạn trẻ miên man với thành tựu của internet, và game.
Giờ Tiểu Mục Đồng đã vào đại học. Đã thấy em in rải rác đây đó. Môi trường sống khác, bạn bè mới và những đổi thay quan trọng này sẽ là những thuận lợi hơn cho Đồng trong những kiếm tìm và khẳng định. Không riêng thơ.
“Ba má con là nông dân”- em trả lời những tìm hiểu của tôi cũng bằng sự chân chất vốn sẵn. Ừ, không phải “con nhà nòi” nào hết. Nhà em cũng không ai làm nghệ thuật. Rất đơn giản là em yêu thơ và làm thơ. Cũng dễ hiểu rằng, trên vùng đất có bề dày văn chương Bình Định, sự xuất hiện nối tiếp một thế hệ tài năng là điều không quá khó lý giải.
Có thể với những biểu hiện ban đầu, Tiểu Mục Đồng rồi sẽ là một tên tuổi thực sự nếu bền chí dấn thân trên lộ trình nhiều gian nan, đơn độc và nhiều ảo mộng sang trọng, có thể em rẽ sang một lối khác và xem văn chương chỉ là niềm yêu của một thời thơ trẻ.
Mọi thứ còn ở phía trước, dẫu gì, riêng mình, tôi cũng vui mừng chào đón em. Với những tín hiệu ban đầu, Tiểu Mục Đồng có thể là một gương mặt thơ đáng trông chờ trong vài năm tới của Bình Định và thơ trẻ Việt nếu em còn mê thơ, còn “lên đồng” như đã từng.
|