Vào một ngày mưa lạnh trung tuần của tháng cuối năm này, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian (folklore) Hà Giao vĩnh viễn đi xa sau nhiều tháng chống chọi với bệnh tật. Cuộc đời hoạt động văn hóa văn nghệ của Hà Giao tiêu biểu cho hành trình không mệt mỏi góp phần giữ gìn văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số Bình Định.
Là một người con của huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tầng tầng lớp lớp văn hóa dân gian của vùng đất này mặc nhiên đi vào lòng Hà Giao. Từ thời chiến đến thời bình, chặng đường nghề nghiệp của ông gắn liền với công tác văn hóa văn nghệ: phóng viên báo Quân giải phóng Khu 5, biên tập viên Phòng Văn nghệ Đài Giải phóng, cán bộ Phòng Văn nghệ thuộc Sở Văn hóa - Thông tin… Nền tảng và môi trường nghề nghiệp ấy tạo những thuận lợi nhất định để ông dành tâm huyết cho công việc sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian, đặc biệt của đồng bào Bana Kriêm Vĩnh Thạnh quê ông.
Sưu tầm và biên dịch văn học dân gian miền núi, một công việc không dễ dàng nếu không bắt nguồn từ lòng đam mê và trân trọng văn hóa của đồng bào, ông gọi đó là những món nợ ân tình gởi lại quê hương. Trong di sản đồ sộ của văn hóa dân gian đồng bào Vĩnh Thạnh, Hà Giao dành tình yêu sâu nặng cho truyện cổ sử thi và trường ca.
Hà Giao đã để lại một lượng tác phẩm đáng kể, sáng tác văn học có: truyện ngắn, trường ca “Tấm áo vỏ cây”, “Ngôi sao rừng dừa” (truyện và ký), 4 tập thơ in riêng và 1 tập thơ in chung 3 tác giả; sưu tầm nghiên cứu văn nghệ dân gian bao gồm: Truyện cổ Bahnar Kriêm, Dyông Wiwin (trường ca Bahnar Kriêm), Sử thi Bahnar Kriêm (2 tập), Sử thi Bahnar Konhđeh, Hơamon Bahnar Giơlơng, Câu hò bên sông Côn, Văn nghệ dân gian vùng biển Bãi Ngang… Những năm bên kia dốc cuộc đời, trong điều kiện sức khỏe không đảm bảo, ông vẫn khao khát đi sáng tác, sưu tầm.
Hà Giao ra đi khi tập thơ cuối cùng của đời ông- “Đất tháp mơ” (NXB Hội Nhà văn) đang chờ in. Nhận được tin dữ, những người em, người bạn văn của ông đã tất bật lo các thủ tục giấy phép xuất bản, nhân viên nhà in Bình Định cũng thức trắng đêm để tập thơ kịp phát hành trước khi đưa ông về với đất mẹ.
Sinh năm Đinh Sửu, Hà Giao tạ thế năm 75 tuổi. Vợ và các con ông bảo, ông ra đi rất thanh thản. Vậy là Hà Giao đã cập bến “ga đời” - tên một bài thơ của ông. “có những ngày giông bão, có những ngày mưa ngâu/ nhưng trái tim còn ấm tươi màu/ thề tròn một lời/ như còn mặt trời” (Bài hát đâm trâu - thơ Hà Giao).
|