Mùa gieo cải
21:0', 24/12/ 2011 (GMT+7)

Sang tháng Chạp. Trời không còn quất những cơn mưa nặng hạt, ủ ê, mà lất phất, nhè nhẹ, mỏng như rây. Nắng mới vén màn mây hửng ấm. Vài cơn gió lành lạnh, hanh hanh len vào đất mang đi cái ẩm ướt của mùa đông. Người quê bảo nhau: “Đã vào mùa gieo cải”.

Những khoảnh đất nhỏ nơi cuối vườn, bờ mương, chân ruộng được vạt sạch, cuốc băm tơi xốp rồi đánh luống, lên rò. Những túm hạt giống của mùa trước phơi khô cất kĩ giờ mang ra ủ ấm. Khí trời chớm xuân mát mẻ nên hạt vừa bén đất vội bật nảy mầm, lún phún, và thoắt cái đã biến thành cây thành lá. Đón mùa gieo cải, ở quê hầu như nhà nào cũng dành vài khoảnh đất cho việc cấy trồng. Cải, dưa, hành, ngò… đủ loại tự cung tự cấp sẵn sàng cho Tết và còn dư cả ra Giêng.

Mùa gieo cải cũng là mùa mang đến niềm vui nho nhỏ “xin”, “cho” và “chung cùng” trong làng xóm. Người quê trồng cải vào tháng Chạp chủ yếu là để dùng và cho chứ ít bán. Nhà nào có khoảnh đất cao ráo hơn, hạt cải gieo trước dăm bữa, nửa tháng có cây non cứng cáp thế là cho nhà có đất trũng hơn trồng sau. Vậy nên khi nắng vừa rải đều trời thì khắp xóm cải non đã “chạm lá” rồi kín đất xanh rờn. Vui nhất trong mùa cải có lẽ vẫn là những bữa “góp chung” rộn ràng náo nức. Khi tiếng rủ gọi vừa xướng lên: “Có cải rồi. Trộn rau đi!”tức thì chị em khắp xóm đều “ra quân”  hưởng ứng. Người nhổ cải, người hái dưa xúm xít quây quần. Cây nhà lá vườn, đạm bạc với những rau những bún thêm vài cái bánh tráng nướng thế mà xôm. Bao người lớn bé xổm xê bên thau rau trộn. Tíu tít nói cười. Hít hà đỏ cả mắt mũi nhưng vẫn cứ chúi vào chén mắm nêm đặc ớt tỏi và mùi cải nồng hăng…

Mỗi mùa gieo cải đến là trong tôi lại đong đầy kỉ niệm. Nhớ luống cải rò rau, nhớ lớp, nhớ thầy giáo chủ nhiệm ngày xưa. Ngày ấy, thầy tôi từ thành phố về làng quê nghèo dạy chữ, mùa gieo cải về cũng cuốc cũng trồng hệt như người ở quê. Sớm sớm chiều chiều chúng tôi theo thầy chăm trồng cuốc xới. Cải xanh, bí đỏ lúc lỉu quanh sân trường. Qua mùa cải “chú lợn con” của lớp béo tròn nùng nục. Bữa liên hoan chia tay cuối năm “thịnh soạn” nhưng đứa nào cũng rưng rức khi nắm bàn tay chai sạn của thầy.

Nơi vườn cải xanh mướt ngày xưa của lớp chúng tôi giờ đã là dãy phòng học hai tầng khang trang ngói đỏ. Thầy giáo chủ nhiệm cũng chẳng còn đứng lớp đã mấy chục năm. Nhưng sao bất chợt mỗi lần thấy mưa rây rây tháng Chạp là lại xốn xang nhớ thầy, nhớ vườn cải ngày xưa, nhớ cả câu hỏi thăm của thầy từ nơi thành phố: “Ở quê sải rày đã vào mùa gieo cải rồi phải không em?” .

  • VÕ HẠNH
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Cô đào lẳng” tài hoa  (24/12/2011)
Đài PT-TH Bình Định đoạt Huy chương vàng phóng sự dài  (23/12/2011)
Khai trương phòng chiếu phim 3D  (22/12/2011)
Giai điệu Giáng sinh  (22/12/2011)
“Nhưng trái tim còn ấm tươi màu”  (22/12/2011)
Nhiều hoạt động mừng Xuân Nhâm Thìn 2012  (21/12/2011)
Những tồn tại ở Bảo tàng Quang Trung  (21/12/2011)
Nâng chất, nâng tầm  (21/12/2011)
Có một Tiểu Mục Đồng  (20/12/2011)
Hội báo xuân - một nét đẹp văn hóa  (19/12/2011)
Giỗ nhà thơ  (19/12/2011)
Tưởng niệm 26 năm ngày mất nhà thơ Xuân Diệu  (18/12/2011)
Bàn tay trong một bàn tay  (18/12/2011)
“Tự hào là con gái Bình Định”  (17/12/2011)
Mùa tắc vắng ba   (16/12/2011)